Cuộc đối thoại nóng giữa chúng tôi diễn ra thật kịch tính: 2 giờ sáng ngày 13/ 11 qua điện thoại di động (hiện Anh đang theo học khoá tiếng Anh tại Singapore), bị ngắt quãng 3 lần vì điện thoại của Anh hết card rồi lại đến hết pin…mà ngày báo ra thì quá gần kề.
Tôi thực sự xúc động trước câu trả lời của Ánh “dù ở xa, có phải tốn tiền, thì lương tâm của một người làm nghề trước sự kiện lớn LHPVN sắp tới, em sẵn sàng gọi về nhà trả lời chia sẻ với báo giới...
- Tại LHPVN lần thứ 16 sắp diễn ra tại TP.HCM vào 3 ngày 8,9,10 / 12, Ánh có hai phim dự thi là Trái tim bé bỏng và Trăng nơi đáy giếng. Cả hai đều đã đoạt các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế, cảm nhận của Ánh khi đến với LHP lần này?
Bản thân Ánh là người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, nên trước sự kiện văn hoá lớn này, đầu tiên là rất tự hào… Và tất nhiên lại càng vui hơn vì trong 3 năm gần đây mình vẫn tiếp tục được làm nghề qua chính tác phẩm của mình. Theo Ánh, do hai phim trên đều đoạt giải, nên sẽ chỉ tham gia có tính chất góp mặt trong danh sách như để báo cáo với ngành. Vì vậy, tâm điểm chú ý của những người làm nghề và khán giả thường chú ý nhiều hơn vào các phim mới được dàn dựng sau này.
- Thôi thì ta cứ vui và tự hào để cùng nhắc lại vài dấu ấn thú vị của Ánh qua hai phim?
Ánh luôn xác định khi nhận bất cứ một kịch bản nào, mình cần hội đủ các yếu tố: trân trọng, nỗ lực, yêu quí, sáng tạo để cố gắng lao động hết mình vì nhân vật, vì tác phẩm và vì đoàn phim. Điều thú vị nhất ở cả hai phim là Ánh được làm mẹ hai cậu nhóc - Cu Nhứt (người Huế ) và cu Đen (người Quảng Bình), đều chưa một lần đóng phim. Khi xem phim khán giả đã giành nhiều thiện cảm cho sự hồn nhiên, tinh nghịch rất đời của các bé. Thế nhưng trên thực tế Ánh đã phải rất vất vả để thuyết phục, hướng dẫn các bé cùng nhập vai với mình. Có lẽ điều thành công nhất là khi máy chạy, các bé đều coi Ánh như người mẹ ruột thịt của mình.
Đến nỗi bây giờ Cu Nhứt (Hiếu Anh) trong Trăng nơi đáy giếng thường xuyên báo cáo kết quả học tập và cuộc sống hàng ngày của mình cho mẹ Hạnh … Về phần nghề ở Trái tim bé bỏng, ngoài vai diễn, Anh còn tham gia trong đoàn phim với chức năng là phó đạo diễn. Còn ở Trăng nơi đáy giếng, lần đầu tiên rất vui được tiếp xúc với công nghệ thu tiếng trực tiếp.
- Sau 26 năm (từ năm 1983- 2009), Liên hoan phim Quốc gia mới quay lại TP.Hồ Chí Minh. Ánh là người tham dự nhiều lần các kỳ LHP trong nước và quốc tế, vậy có cảm nhận và đóng góp cụ thể nào không?
Tuy đi học ở xa, nhưng thỉnh thoảng Ánh vẫn tranh thủ bay về và thường xuyên cập nhật thông tin qua đồng nghiệp, khán giả, bạn bè… nhưng quả thật là có “thoáng buồn” vì trước sự kiện văn hoá lớn này mà hầu như không có tác động, ảnh hưởng gì đến đời sống của người dân. Qua thăm dò bước đầu, hầu như mọi người dân, kể cả các fans hâm mộ nghệ sĩ cũng không hề biết gì về việc tháng 12 có sự kiện LHP. Riêng phần quảng bá, theo Ánh lẽ ra phải chuẩn bị tuyên truyền trước cả năm trời, may ra mới có hiệu quả. Có thể so sánh hơi khập khiễng, phần quảng bá cho LHP của nước ta thua xa những sự kiện quảng bá cho một sản phẩm kinh tế mới.
Chính vì vậy, theo Ánh, nên tổ chức LHP, giải Cánh diều Vàng của ngành ở một thành phố lớn - một vùng đất hội đủ điều kiện: con người, thiên nhiên, cơ sở rạp, nhà hát, giao thông…như thành phố biển Vũng Tàu, hay Nha Trang và hai thành phố lớn Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh, để có thể gắn sự kiện văn hóa với công việc quảng bá du lịch, dần tạo tạo thói quen để mọi người luôn nhớ tới một LHP. Một sự kiện văn hóa lớn của ngành Điện ảnh như thế dứt khoát phải là thương hiệu có dấu ấn, uy tín và hấp dẫn trong cuộc sống giải trí của người dân. Không nên đầu tư diện rộng cho mỗi kỳ tại các tỉnh lẻ, vừa lãng phí tiền của, lại không đem lại hiệu quả tuyên truyền cao.
Về công tác tổ chức, Ánh muốn chia sẻ kinh nghiệm khi tiếp thu được qua những lần đi LHP ở nước bạn . Thí dụ ở Dubai vừa rồi, họ huy động toàn bộ sinh viên trường Điện ảnh (được tập huấn rất bài bản) cùng tham gia các chương trình hoạt động tại LHP. Ở nước ta, nếu làm được việc này, sẽ là dịp tạo điều kiện cho các sinh viên trường Điện ảnh được tiếp cận với các nghệ sĩ, được xem phim, dự hội thảo, tọa đàm, giao lưu nhiều hình thức phong phú. Có thể xem đây là những buổi học thực tế đầy bổ ích (sẽ có điểm được cộng thêm vào những bài thu hoạch trong chương trình học….).
Riêng về giải thưởng, năm nay sẽ là cuộc chấm thi “gay cấn” cho Ban giám khảo bởi số lượng phim dự thi lần này rất nhiều đề tài, thể loại. Chính vì vậy nên cần có một tiêu chí chấm thi rõ ràng, phải phân định rõ hai dòng phim nghệ thuật (phim tác giả) và phim doanh thu, chứ không nên “chia đều” các giải thưởng cho các đầu phim tham dự. Nói gì thì nói, Ánh thực sự rất quan tâm, trân trọng và chia sẻ tất cả các tác phẩm của đồng nghiệp. Đó là sự cố gắng, nỗ lực và rất yêu nghề thì mới tạo ra tác phẩm. LHP sẽ là niềm vui, tự hào chung cho tất cả những người làm nghề. Tuy học ở xa, Ánh sẽ cố gắng về tham dự. Chỉ mong sao một LHP tại TP.Hồ Chí Minh sẽ là sự kiện, dấu ấn lớn không chỉ dành cho mọi người trong ngành mà còn là sự quan tâm, tự hào cho cả người dân TP nói riêng và cả nước nói chung.
Theo Điệnảnh.