Tại Việt Nam, phần lớn iPhone xách tay không có hóa đơn nhập khẩu đầy đủ. Điều này sẽ vi phạm Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10.
Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đến 50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá trị hàng hoá nhập lậu. Với tổ chức vi phạm, mức tiền phạt có thể lên đến tối đa 100 triệu đồng.
Trong đó, các hàng hóa không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hoá khi làm thủ tục hải quan thuộc diện vi phạm nghị định trên.
Bên cạnh đó, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hoá đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu.
iPhone là loại hàng hóa công nghệ được bán dưới hình thức xách tay phổ biến nhất tại Việt Nam.
iPhone xách tay sẽ bị xóa sổ tại Việt Nam?
Trong lĩnh vực công nghệ, mặt hàng xách tay phổ biến nhất hiện nay là iPhone. Dễ thấy nhất là mỗi đợt Apple mở bán iPhone, người Việt xếp hàng dày đặc tại Apple Store Orchard Singapore. Điều này chỉ xảy ra duy nhất với Apple, các thương hiệu công nghệ khác hoàn toàn không có.
“Trước đây, iPhone xách tay có phần công khai hơn. Nhiều cửa hàng còn để biển hiệu 'iPhone xách tay' ở trước cửa", T. Minh, chủ một cửa hàng di động trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM chia sẻ.
Tuy vậy, thời gian gần đây, tên gọi iPhone xách tay được thay bằng “iPhone chính hãng” kèm theo mã thị trường như ZA, LL, ZP… đại diện cho các thị trường như Singapore, Mỹ, Hong Kong...
Nếu chịu đầy đủ thuế phí nhập khẩu, iPhone xách tay khó lòng cạnh tranh với hàng nhập khẩu chính ngạch.
Khảo sát qua nhiều cửa hàng, hầu hết, iPhone xách tay tại Việt Nam không có hóa đơn, chứng từ kèm theo. Điều này đồng nghĩa việc buôn bán iPhone xách tay sẽ vi phạm Nghị định 98/2020/NĐ-CP sau ngày 15/10.
"Muốn có đầy đủ hóa đơn nhập khẩu, iPhone xách tay buộc phải đóng đầy đủ thuế. Nếu điều này xảy ra, nhiều khả năng loại hàng hóa này sẽ biến mất khỏi thị trường Việt Nam bởi dân buôn không thể có lời", T. Tuấn, chủ một cửa hàng chuyên bán iPhone xách tay tại quận 10, TP.HCM cho biết.
Theo ông Tuấn, hiện mẫu iPhone 11 Pro Max mã VN/A (hàng phân phối chính ngạch tại Việt Nam) có giá 30 triệu đồng cho bản 64 GB. Trong khi đó, hàng xách tay không chứng từ sẽ có giá 25,5 triệu đồng. Nếu khai thuế đầy đủ, iPhone xách tay sẽ có giá khoảng 28,5 triệu đồng. "Nếu chỉ rẻ hơn hàng VN/A 1,5 triệu đồng, khách hàng sẽ khó lòng chọn hàng xách tay. Một số mẫu thậm chí ngang với giá hàng phân phối chính ngạch", ông Tuấn chia sẻ.
Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10, đúng thời điểm những chiếc iPhone đầu tiên về nước.
“Điều này gây ảnh hưởng rất lớn cho thị trường iPhone xách tay. Chưa thể nói trước được điều gì nhưng nếu áp dụng mạnh tay và đồng bộ cho tất cả tỉnh thành, iPhone xách tay biến mất khỏi thị trường là điều không thể tránh khỏi vì không thể cạnh tranh về giá”, Nguyễn Phúc, chủ một chuỗi bán lẻ iPhone tại TP. Đà Nẵng cho biết.
Chuyển sang bán iPhone VN/A và hàng qua sử dụng
Hiện nay, trang web của một số chuỗi cửa hàng iPhone lớn đang bắt đầu bán thêm iPhone VN/A bên cạnh hàng xách tay.
“Hiện cửa hàng đang bắt đầu chuyển dần sang bán iPhone VN/A từ các nhà phân phối như Petrosetco. Sức mua của mặt hàng được nhập chính ngạch này dù ít hơn xách tay nhưng đã tăng mạnh so với trước đây", ông Minh cho biết.
Một người bán đang livestream những chiếc iPhone 11 đầu tiên mua được từ Apple Store Orchard, Singapore.
Theo ông Minh, lợi nhuận của iPhone mã VN/A tương đương với hàng xách tay nhưng ít rủi ro hơn. "Nếu Nghị định 98/2020/NĐ-CP áp dụng rộng rãi, tôi nghĩ tất cả cửa hàng sẽ chuyển sang bán loại hàng hóa này", ông Minh cho rằng iPhone xách tay chỉ biến mất khi luật được áp dụng mạnh tay.
Cuối tháng 5, Petrosetco đã hoàn thành hợp đồng với Apple để trở thành nhà phân phối sản phẩm táo khuyết. Như vậy, hiện có 4 nhà phân phối lớn gồm Synnex FPT, Viettel Xuất Nhập Khẩu, Digiworld và Petrosetco đang nhập khẩu sản phẩm Apple.
Để bù lại phân khúc giá do iPhone xách tay để lại, nhiều cửa hàng đang tập trung vào buôn bán máy đã qua sử dụng.
"Với khách hàng muốn mua máy giá tốt, chúng tôi có iPhone đã qua sử dụng. Bản chất hàng Apple ít lỗi phần cứng nghiêm trọng và khá ổn định nên mua hàng qua sử dụng không quá rủi ro", Minh Tuấn, chủ cửa hàng iPhone trên đường Trần Quang Khải, quận 1, TP.HCM cho biết.
Tương lai của iPhone xách tay
"Theo tôi, hãng xách tay sẽ mất nhiều thời gian để biến mất hẳn. Tâm lý người mua ảnh hưởng lớn đến việc này", ông Minh Tuấn nhận định.
Theo ông Minh Tuấn, hàng xách tay vẫn có thể tồn tại với nhiều hình thái khác nhau.
“Tâm lý người Việt rất muốn có iPhone sớm. Trong khi đó, Việt Nam lại là quốc gia không được ưu tiên bán trước. Vì vậy, hàng xách tay sẽ vẫn được bán trong thời gian iPhone mã VN/A chưa kịp nhập về. Nếu có đầy đủ giấy tờ, thuế đi kèm thì giá iPhone chắc chắn sẽ cao hơn mọi năm”, ông Tuấn cho biết.
iPhone xách tay về sớm vẫn sẽ được người Việt mua.
Bên cạnh đó, tâm lý của một số khách hàng vẫn xemcác mã LL (Mỹ), ZA (Singapore) là nguồn có chất lượng tốt hơn. Vì vậy, dù có giá cao hơn, iPhone xách tay sẽ vẫn được tiêu thụ tại Việt Nam.
Tuy vậy, dù có đầy đủ giấy tờ, VAT, iPhone xách tay vẫn không thuộc diện được bảo hành nếu không có hóa đơn từ cửa hàng Apple.
“Từ 2019, Apple áp dụng chính sách muốn bảo hành phải có hóa đơn từ Apple. Vì vậy, người dùng cần hiểu rõ hóa đơn VAT và giấy mua bán của Apple để được bảo hành là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau”, ông Phúc lưu ý người dùng cần phân biệt rõ hai loại hóa đơn của iPhone xách tay.
Đoạn Lãng
Nguồn: zingnews.vn