Khai mạc Lễ hội hoa Hà Nội 2010  Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Lễ hội hoa Hà Nội lần thứ hai chính thức khai mạc vào tối ngày 30/12/2009.

Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi 80 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức vào năm 2010, năm trọng đại trong lịch sự dân tộc, cả nước hướng về Hà Nội tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 * Lung linh sắc màu văn hóa

Đêm khai mạc Lễ hội hoa Hà Nội diễn ra dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ uy nghiêm, bên Hồ Gươm huyền thoại, trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân Hà Nội và du khách trong và ngoài nước. Từ chập tối, dòng người đồ về khu vực Hồ Gươm đã đông kín cả hai đầu đường Đinh Tiên Hoàng. Sự náo nức, hồi hộp được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật tinh tế bằng hoa được hiện rõ trên nét mặt của những người dân.

Khai mạc Lễ hội hoa Hà Nội 2010  _0 Lễ khai mạc Lễ hội hoa Hà Nội 2010 trang trọng và rực rỡ (Ảnh Viết Thành)

Đến dự Lễ khai mạc, về phía lãnh đạo Nhà nước có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành. Về phía thành phố Hà Nội có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố, Tưởng Phí Chiến, Phó Bí thư Thành ủy; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND cùng hàng nghìn người dân Thủ đô và du khách.

Tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, lễ hội hoa 2010 mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt, là lễ hội chào đón mùa xuân của đất trời, mùa xuân của lòng người. Đây là sự kiện ở đầu cho loạt sự kiện văn hóa, thể thao du lịch mừng nhiều sự kiện trọng đại của của nước như 80 năm ngày thành lập Đảng CSVN, 120 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch kính yêu, 35 năm  ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 65 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và đặc biệt là Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Lễ hội không chỉ mang đến một không gian văn hóa đẹp cho người dân Thủ đô mà còn thể hiện nét tinh hoa văn hóa trong thú chơi hoa của người Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố hy vọng rằng mỗi năm, khi Tết đến xuân về chúng ta lại có một lễ hội hoa rực rỡ, tô điểm thêm vẻ đẹp của Thủ đô. Để có được như vậy, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kêu gọi mọi người dân chung tay gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống xưa và nay; cùng đồng tâm hiệp lực, xây dựng thủ đô và đất nước ngày càng phát triển, văn minh, thanh lịch.

Trong không khí thiêng liêng của thời khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới, trong không gian đậm chất văn hóa kinh kỳ, Lễ hội hoa năm nay là một chuỗi các hoạt động với chủ đề "lung linh sắc hoa", chương trình thi cắm hoa nghệ thuật "ngàn hoa khoe sắc" và chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng năm mới. Sau màn dâng hoa lên tượng đài Lý Thái Tổ của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Tp Hà Nội là chương trình nghệ thuật đặc sắc khai màn Lễ hội hoa.

Khai mạc Lễ hội hoa Hà Nội 2010  _1 Ca sỹ Mỹ Dung và các em thiếu nhi (Ảnh Viết Thành)

Chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng nhưng cũng rất tinh tế mang màu sắc của một Hà Nội vừa cổ kính, thanh lịch, vừa hào hoa, hiện đại. Đó là màn biểu diễn trẻ trung nhí nhảnh của ca sỹ Mỹ Dung cùng những em nhỏ đến từ trung tâm văn hóa thiếu nhi quận Ba Đình với ca khúc "Hát với mùa xuân" (Lê Quốc Thắng); màn các thiếu nữ Hà Nội trình diễn áo dài của NTK Lan Hương, lấy ý tưởng từ bức họa "Thiếu nữ bên hoa huệ" của họa sỹ Tô Ngọc Vân; đó cũng là những ca khúc về Hà Nội rất quen thuộc gợi nhớ về hình ảnh một Hà Nội xưa: Hà Nội của "Làng lúa làng hoa"qua tiếng hát của NSND Thanh Hoa, hay Hà Nội trong ký ức "Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội" (sáng tác Nguyễn Cường, ca sỹ Ngọc Khuê thể hiện), "Hà Nội ba sáu phố phường" (sáng tác Lưu Hà An, ca sỹ Đinh Mạnh Ninh thể hiện)…

Khai mạc Lễ hội hoa Hà Nội 2010  _2 Màn trình diễn áo dài (Ảnh Viết Thành)

Đêm khai mạc Lễ hội hoa kết thúc bằng màn bắn pháo hoa tô điểm thêm vẻ đẹp lung linh   của Hồ Gươm trong ngày khai hội. Hồ Gươm bỗng hóa thành một "lẵng hoa" khổng lồ với muôn ngàn sắc hoa tươi được kết thành nhiều đại cảnh và tiểu cảnh hoành tráng. Từ đêm nay, Lễ hội hoa chính thức bắt đầu để mọi người dân hòa cùng thưởng thức và chiêm ngưỡng...

* Tinh hoa sắc hoa Hà Thành

Lễ hội hoa năm nay tổ chức vào thời khắc chuyển giao linh thiêng và dường như trong thời khắc ấy đất trời cũng rất chiều lòng người như lời của giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Hà Nội- Phạm Quang Long vui đùa sau nhiều ngày lo lắng tổ chức: "Sáng nay còn lất phất mưa và lạnh, hoa vì thế không bị hỏng, đến tối nay khi diễn ra Lễ khai mạc thì ấm trở lại. Đúng là được trời đất ủng hộ rồi, có lẽ là điềm lành chăng".

Khai mạc Lễ hội hoa Hà Nội 2010  _3 Một cụm tiểu cảnh hoa hoàn thiện  (Ảnh Lệ Quyên)

Theo lời vị giám đốc Sở, những ngày này Ban tổ chức không lúc nào thôi tất bật. Dù lễ khai mạc đã diễn ra, mọi khâu chuẩn bị đều kịp tiến độ, an ninh cũng nằm trong tầm kiểm soát nhưng những người tổ chức đây tâm huyết vẫn chưa thể "thờ phào", chỉ có thể tạm yên tâm khi một số khâu quan trọng nhất đã hoàn tất đúng dự kiến.

Để tránh tình trạng xô đẩy như năm ngoái, BTC Lễ hội hoa 2010 đã lên mọi phương án bảo vệ và thường xuyên nhắc nhở người dân nâng cáo ý thức khi thưởng thức Lễ hội văn hóa. Có lẽ vì vậy mà tinh thần tự giác của người dân khi tham gia lễ hội hoa năm nay cũng cao hơn hẳn. Theo quan sát của PV HNMO, cho đến thời điểm vài giờ sau khi Lễ hội hoa được khai màn, chưa có một hành động trèo rào "tấn công" những luống hoa, bởi chỉ cần ai đó "manh nha" xấn vào luống hoa, lập tức đã bị những anh bảo vệ túyt còi nhắc nhở.

Khai mạc Lễ hội hoa Hà Nội 2010  _4

Khai mạc Lễ hội hoa Hà Nội 2010  _5 Nghệ nhân Nguyễn Văn Làm và cộng sự chỉnh lại tác phẩm "Cửu Long thiên sử" trước giờ khai mạc (Ảnh Lệ Quyen)

Trong không khí bảng lảng chút sương còn sót lại của đợt không khí lạnh, những sắc hoa tươi như được tiếp thêm nhựa sống, trở nên tươi tắn và rạng rỡ hơn. Những bông hoa ngày thưởng vốn đẹp là vậy, nay qua bàn tay sắp đặt khéo léo, tinh tế của những nghệ nhân bỗng được mang hơi thở, linh hồn riêng.

Tâm điểm thu hút khách bộ hành ngoài những tác phẩm được xác lập kỷ lục như tác phẩm áo dài hoa dài nhất của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng, Bình sen mây lớn nhất của tác giả Nguyễn Văn Quang, tác phẩm "Chiếu dời đô" của nghệ nhân Nguyễn Văn Năm... một số tác phẩm kết bằng hoa và trái cây cũng rất hút du khách, điển hình là tác phẩm "Cửu Long thiên sử" dựng trước tưởng đại Lý Thái Tổ của nghệ nhân đến từ TP.Hồ Chí Minh - Nguyễn Văn Làm. Nghệ nhân này cho biết, để thực hiện "Cửu Long thiên sử" anh và những cộng sự phải mất 1 tháng rưỡi, rồi kỳ công vận chuyển từ Tp.Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Tác phẩm thể hiện 9 con rồng, tượng trưng cho 9 triều đại vua Lý. Nguyên vật liệu để làm tác phẩm cũng là những thứ rất dân dã và quen thuộc với người Việt như rơm, cau, hạt bạch quả, ớt, hoa cúc...

Khai mạc Lễ hội hoa Hà Nội 2010  _6 Đại cảnh Làng nghề Hà Nội ven sông Hồng (Ảnh Lệ Quyên)

So với năm ngoái, thì Lễ hội hoa năm nay tổ chức với quy mô hoành tráng hơn với nhiều đại cảnh được dựng cầu kỳ, tập trung nhiều loại hoa quý đến từ các miền và các mùa trong năm: Nào là hồng, lưu ly, cúc, sen, loa kèn, địa lan... nào là đào, quất, cẩm chướng... rồi có cả 30.000 bông hoa tuylip do Đại sứ quán Hà Lan tặng. Công chúng không chỉ được nhìn thấy lại hình ảnh làng lúa làng hoa của Hà Nội xưa, cảnh tàu bè tấp nập dưới chân cầu Long Biên với các làng nghề nổi tiếng như Bát tràng, nghề trồng đào, quất... mà còn mê mẩn với đại cảnh 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông với ao sen, hoa súng, lũy tre làng hiện hữu sống động bên cạnh Hồ Gươm lung linh.

Bác Nguyễn Hoan, sống tại 25 Lò Sũ không giấu được sự xúc động khi thưởng ngoạn Lễ hội hoa: "Gia đình tôi 7 đời sống tại Hà Nội, khá am hiểu thú chơi hoa của người Hà Nội. Hôm nay, được chứng kiến những tác phẩm tinh tế làm bằng hoa của các nghệ nhân tôi thấy vui lắm vì người Hà Nội có được một không gian lãng mạn và đẹp để thưởng ngoạn và ngẫm nghĩ đến thú chơi hoa ngày xưa". Cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Xuân đến từ Trung tâm Nghị Lực Sống cũng bày tỏ sự thích thú vì hôm nay tất cả thành viên của trung tâm đều được đưa đến Lễ hội hoa. Xuân tâm sự rằng, đây là một món quà cuối năm đầy ý nghĩa và bất ngờ mà cô nhận được. Sau chuyến đi chơi này, chắc chắn Xuân sẽ viết những dòng nhật ký sống động mà mình cảm nhận được từ Lễ hội.

Lễ hội hoa bắt đầu mở màn và tất nhiên, Lễ hội sẽ thành công nếu như bên cạnh nỗ lực của Ban tổ chức còn có sự hợp tác, tham gia gìn giữ của chính những người dự hội. Ngày mai, 31/12, sẽ có cuộc thi cắm hoa nghệ thuật của 29 quận - huyện Thủ đô với chủ đề "Nghìn năm Thăng Long - Ngàn hoa khoe sác" và chương trình nghệ thuật chào năm mới 2010. Lễ hội hoa sẽ kết thúc với sự kiện "Đêm hội trà hoa" vào ngày 3/1/2010.

Theo HNM.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC