Truyện cổ tích Việt Nam vốn là niềm tự hào của biết bao thế hệ, với những câu chuyện chân chất, gần gũi mang đậm màu sắc dân tộc và tính giáo dục. Nhưng gần đây, hàng loạt các loại truyện cổ tích biến tấu với ngôn ngữ “trẻ hóa” gây dị ứng cho người đọc và trở thành thảm họa đối với trẻ em.
Truyện cổ tích Việt Nam vốn là niềm tự hào của biết bao thế hệ, với những câu chuyện chân chất, gần gũi mang đậm màu sắc dân tộc và tính giáo dục. Nhưng gần đây, hàng loạt các loại truyện cổ tích biến tấu với ngôn ngữ “trẻ hóa” gây dị ứng cho người đọc và trở thành thảm họa đối với trẻ em.
Thấy cậu con trai 10 tuổi vừa đọc truyện vừa cười ngặt nghẽo, chị Nguyễn Thị An (ngụ Q. Phú Nhuận) tiện tay cầm một cuốn trong chồng sách có tựa đề “Tấm Cám thời hiện đại”. Vừa mở được vài trang, chị giật mình khi thấy ngôn ngữ trong truyện vừa hiện đại vừa có phần bạo lực như: “Tấm! Tao cấm mày xào nấm với dấm rồi cơ mà. Đầu mày có bị ấm không? Cẩn thận tao cho vài đấm” hay “Tấm! Mày hâm à? Mày câm à? Sao mày làm thủng cái mâm”... Mở thêm một vài truyện khác, chị thấy đúng là những câu chuyện cổ tích ngày trước mình cũng từng được học như: “Thạch Sanh”, “Cây tre trăm đốt”... nhưng những hình ảnh, lời thoại trong truyện thì xa lạ và không khác gì truyện tranh của nước ngoài. Chị chia sẻ: “Tưởng truyện cổ tích giúp cho con mình gần gũi thêm với văn hóa Việt, ai ngờ nó bị bóp méo, biến tướng thế thì làm sao dám cho con đọc những loại sách này nữa!”.
Những từ ngữ “xì tin hóa” được dùng một cách tùy tiện trong hầu hết những câu chuyện cổ tích chọn lọc, như chuyện chim phượng hoàng trong “Ăn khế trả vàng”, khi ăn xong chim bay đi, vừa hát: “Là lá la, nếu hỏi rằng em yêu ai...” hay “Làm người ai làm thế”... hoặc như hình ảnh người vợ đảm đang của Mai An Tiêm lại trở thành mỹ nhân chuyên dụ cá tới bằng nhan sắc để bắt ăn thịt mà không cần làm lụng vất vả. Sự xuyên tạc một cách lố bịch khiến cho những câu chuyện cổ tích vốn được xem là niềm tự hào của biết bao thế hệ trở nên xấu xí, kệch cỡm khiến không ít độc giả lên án. Anh Trần Văn Trường (nhân viên Công ty Trường An, Q12) cho biết: “Tuổi thơ của tôi cũng từng gắn bó với biết bao câu chuyện cổ tích, vậy mà giờ nhìn thấy hình ảnh, lời lẽ được làm mới của các nhà xuất bản tôi không còn nhận ra những câu chuyện mà mình từng được nghe thủa nhỏ”.
Trước thực trạng ngày càng nhiều thứ văn hóa “chế” ra đời, không ít nhà xuất bản đành “nhắm mắt làm liều” khi cho xuất bản những tác phẩm dị dạng nhằm thu hút sự chú ý của bạn đọc, đặc biệt là trẻ em. Việc sáng tạo để phù hợp với thời đại mới, với nhu cầu của thực tế đáng được hoan nghênh, tuy nhiên những hình ảnh, ngôn ngữ được dùng trong tác phẩm dành cho trẻ em phải hết sức thận trọng. Chị Phạm Ngọc Thanh (Q. Tân Bình) chia sẻ: “Tôi có cô con gái năm nay 8 tuổi, cháu rất mê đọc truyện cổ tích. Có lần sau khi đọc xong cuốn “Tấm Cám thời hiện đại”, cháu đã nói với tôi từ nay không thích đọc truyện cổ tích nữa vì nhân vật Tấm ác quá, không thua gì mụ dì ghẻ trong các câu chuyện cổ tích khác”.
Không ít người mừng thầm khi nghe đến truyện cổ tích hiện đại vì tin tưởng rằng trẻ em sẽ được tiếp thu thêm những tác phẩm hay, gần gũi với các em. Nhưng với những gì họ chứng kiến thì sản phẩm truyện cổ tích hiện đại chính là “thảm họa” không hơn, không kém. Chưa kể dựa trên những câu chuyện cổ tích hiện đại được xuất bản hàng loạt được “chế” trên các trang mạng cũng là một “liều thuốc độc” đối với trẻ em, như “sự tích cây thuốc phiện” dựa trên truyện “sự tích Mai An Tiêm”, từng được rất nhiều bạn trẻ săn lùng. Với nội dung xuyên tạc, bóp méo và sử dụng những ngôn từ không phù hợp, truyện cổ tích được gắn mác hiện đại đang trở thành một “liều độc dược” bôi đen tâm hồn trẻ em.
Theo Công an TPHCM