Khi "thảm họa" lên sóng (phần kết)Ông Nguyễn Đức Trường, Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương, nói về sự khó khăn của các Đài tỉnh để nâng cao chất lượng và đảm bảo số lượng các chương trình giải trí.

- Từ 7/7/2010, tỷ lệ phim Việt Nam phát sóng trên giờ vàng (20-22 giờ) của mỗi đài truyền hình phải đạt ít nhất 30% thời lượng phát sóng phim. Điều đó có làm khó BTV trong việc đảm bảo số lượng – chất lượng?

- Chúng tôi đã đạt tỷ lệ 40% phim Việt Nam trên sóng. Cái chính là có hai điểm mới ở Nghị định lần này, đó là phim Việt được phát trong giờ vàng và thời lượng ít nhất là 30%. Chúng tôi đang bàn bạc sắp xếp để chấp hành quy định đó.

- Đến thời điểm này, nhìn vào danh sách phim đang chiếu trên Truyền hình Bình Dương sẽ thấy phim Trung Quốc chiếm số lượng áp đảo. Tại sao cứ phải là phim Trung Quốc?

- Đúng ra phim Trung Quốc đang được chiếu trong khung giờ vàng, chứ còn ở các khung giờ khác có rất nhiều phim Việt Nam. Đây thường là đài nọ chiếu qua đài kia chiếu lại. Dù Đài Bình Dương có hãng phim riêng nhưng chúng tôi mới chỉ có thể sản xuất được khoảng 30, 40 tập mỗi năm. Còn lại là lượng phim từ các đơn vị khác, không thể đủ để “phủ sóng”.

Chúng tôi chọn phim Trung Quốc vì có sự tương đồng về văn hóa, tâm lý, điều kiện xã hội với Việt Nam. Phim của châu Âu, Mỹ… ít hơn vì khán giả khó theo dõi hơn phim Trung Quốc.

- Sao Đài không hợp tác với các hãng phim, nhà sản xuất tư nhân để gia tăng lượng phim Việt phát sóng và nâng cao chất lượng phim?

- Điều này khó với các đài tỉnh. Chi phí sản xuất mỗi tập phim hiện nay chí ít cũng phải 200 đến 300 triệu đồng/ tập. Đài khó có thể thu được về con số đó để đổi lấy quảng cáo cho các đơn vị sản xuất khi giá quảng cáo của đài tỉnh rất thấp. Quảng cáo trên đài tỉnh giá khoảng 10 đến 15 triệu/ spot, vậy phải có khoảng 20 – 30 spot quảng cáo mới đủ; trong khi với giá 40, 50 triệu cho 30 giây quảng cáo, VTV hay HTV chỉ cần bỏ ra 4,5 spot quảng cáo là bằng phí sản xuất một tập phim. Tóm lại, để hợp tác được thì luôn cần giải quyết hai vấn đề: sản xuất cái gì, nội dung phim ra sao và giải bài toán chi phí.

- Khó hợp tác với nhà sản xuất tư nhân nhưng Đài Bình Dương lại có nhiều chương trình ca nhạc, được truyền hình trực tiếp thường xuyên, của các đơn vị tư nhân bên ngoài. Vậy tại sao hợp tác làm các chương trình ca nhạc lại dễ hơn?

- Mỗi tháng chúng tôi có 3,4 chương trình ca nhạc trực tiếp. Sở dĩ lĩnh vực này hợp tác được toàn bộ chi phí tính ra rất thấp. Có khi chi phí do đối tác lo luôn, mình chỉ lấy chi phí phát sóng mà không phải lo gì hết. Nhiệm vụ của Đài là duyệt nội dung. Còn đối tác được quyền đưa logo nhà tài trợ lên, có thể phát chương trình đồng thời trên nhiều đài khác. Trong khi đó, để sản xuất 20 tập phim, mình phát 20 ngày là hết, chi phí rất lớn.

- Một số chương trình âm nhạc định kỳ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Bình Dương có chất lượng không cao, có ca khúc được gọi là “thảm họa”, như bài Đừng yêu em do Lê Kiều Như hát trong chương trình Thế giới Vpop. Cũng có hiện tượng các đơn vị sản xuất tận dụng sóng truyền hình để lăng xê “gà nhà”. Ông có biện pháp nào hạn chế điều đó?

- Với mỗi chương trình chúng tôi đều kiểm duyệt về nội dung, thậm chí xem xét ca sĩ là ai, hát bài gì, bài đó có được phép phổ biến không. Bài hát mà bạn nói là ở chương trình cách đây hơn một năm. Nay chương trình đã tạm ngừng.

Theo TTVH.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC