Thiếu tiền, nghèo đói khiến con người rơi vào khủng hoảng, hèn mạt và khi là tỷ phú cũng không tránh khỏi đổ vỡ, hỗn độn trong khoảng cách chênh lệch giàu nghèo quá lớn.
Những điều ấy đã được thể hiện qua "Người tốt Tứ Xuyên" và "Bà tỷ phú về thăm quê" - những vở kịch kinh điển được viết từ cách đây cả nửa thế kỷ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Lòng tốt - muối bỏ bể giữa nhân gian nghèo
Câu ca dao xưa của Việt Nam "nghèo tình nghèo nghĩa thì lo, nghèo tiền nghèo bạc chẳng cho là nghèo" xem ra không ăn nhập lắm với quan điểm của kịch tác gia người Đức Bertold Brecht (1898 - 1956). Ông là người viết kịch bản sân khấu với lý tính sắc lạnh và điều ấy thể hiện rõ qua "Người tốt Tứ Xuyên" (viết năm 1938, hoàn thành khi trong những năm Chiến tranh Thế giới thứ hai đang diễn ra).
Lòng tốt có khi không giúp cho người ta vươn lên trước thói hư tật xấu của người nghèo và khi sống giữa cái nghèo (cả về vật chất và cách đối xử giữa con người với con người) thì lòng tốt có bao nhiêu cũng là không đủ. Điều đó ứng nghiệm với cô gái điếm tốt bụng có tên Xên-Tê.
Đó là người tốt hiếm hoi còn sót lại, mang một tấm lòng trinh bạch, hồn nhiên, không vụ lợi. Khi thế gian hỗn độn, con người chỉ còn biết than thân trách phận với trời thì 3 vị thần "hạ thế" tìm kiếm một người tốt thực sự để có thêm niềm tin cho quyết định cứu giúp nhân gian đang trong chìm cơn khủng hoảng.
Khi các vị thần gần như tuyệt vọng trong công cuộc kiếm tìm thì gặp Xên-Tê, được cô tận tình cho ăn, cho nghỉ, họ hiểu rằng đã gặp được người tốt cần tìm. Họ tặng Xên-Tê những đồng vàng để mở cửa hàng sinh sống thoát nghèo, để giữ mãi được lòng tốt hiếm có của mình.
Nhưng có chút vốn liếng thì cũng là lúc người nghèo nối người nghèo tìm đến Xên-Tê xin nhờ vả, giúp đỡ. Lòng tốt của Xên-Tê chìm trong sự lợi dụng của cảnh "ăn nhờ ở đậu". Chàng phi công mơ ước được bay Yan-Xun mà Xên-Tê yêu, từng tự tử bất thành, cũng chỉ lợi dụng cô.
Cô gái cô độc Xên-Tê đóng hai vai người anh họ của mình và chính bản thân mình, với sự hiện diện của sự cứng rắn, lạnh lùng đến tàn nhẫn bên cạnh lòng tốt, sự yếu mềm.
Cửa tiệm bé nhỏ đứng trước nguy cơ tàn lụi của cô được "người anh họ" Xui-Ta vực dậy, dần thành một nhà máy ầm ầm phát triển. Những người nghèo chỉ biết dựa dẫm giờ trở thành công nhân nai lưng ra làm lụng và những mong ngóng trợ giúp ngày nào nay bị khước từ, không còn cơ hội "xin xỏ"...
Xên-Tê vẫn là người tốt như bản chất, sống khép mình với đứa con mới sinh trong sự nghèo khó ngày càng vây bủa. Người dân nghi ngờ người anh họ Xui-Ta đã hãm hại, cướp đoạt của cải của Xên-Tê, đem vụ việc ra tòa cũng là lúc không còn cách nào khác, Xui-Ta đành phải khai thật trước quan tòa là các vị thần khi xưa...
Đến lúc ấy chân dung "người tốt Tứ Xuyên" mới thực sự lộ diện và lòng tốt của một người đem đến cho người khác cả "con cá" cũng như "cần câu" mới thực sự khiến các vị thần hài lòng. Cơn khủng hoảng và đói nghèo nhờ thế có thể qua đi, trước hết là với cuộc đời "người tốt" Xên-Tê...
Toàn bộ nội dung của vở kịch của tác giả người Đức, với bối cảnh ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) kể trên đã được 30 diễn viên của đoàn kịch Tokyo Engeki Ensemble (Nhật Bản) "xuyên Việt" qua 3 thành phố là Hà Nội, Huế và TPHCM vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua.
Nói như đạo diễn, nghệ sỹ Sawako Shiga, đoàn kịch Tokyo Engeki Ensemble (TEE) mạnh dạn chọn vở “Người tốt Tứ Xuyên” để biểu diễn lần này tại Việt Nam không chỉ với mong muốn đóng góp vào những hoạt động giao lưu văn hoá giữa hai nước mà còn "bởi sự chênh lệch giàu nghèo trên thế giới hôm nay vẫn là một vấn nạn xã hội ngày càng gia tăng…”.
Vở kịch cũng trở nên ý nghĩa trong tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay, câu chuyện thoát nghèo và cư xử giữa con người với con người không phải là chuyện riêng ở một đất nước nào.
Đồng tiền và sự lựa chọn giá trị
Nếu "Người tốt Tứ Xuyên" là vở kịch của tác giả Đức do người Nhật Bản (phối hợp với Nhà hát Tuổi Trẻ) dàn dựng trên sân khấu Việt thì "Bà tỷ phú về thăm quê" của nhà viết kịch tiếng Đức người Thụy Sĩ Friedrich Duerrenmatt (1921 - 1990) lại hoàn toàn do diễn viên của Nhà hát Kịch VN thể hiện, với đạo diễn người Thụy Sĩ.
Qua câu chuyện của một bà tỷ phú mang quá nhiều đồ giả trên người (chân giả bằng sắt, tay giả bằng ngà voi và vô số các thứ giả khác…) về thăm quê để trả thù người tình khi xưa đã phụ bạc, nhà viết kịch F. Duerrenmattvới (với phong cách bi hài sâu cay và những hoài nghi chất chứa, khác với những cách tân mang đầy tính triết lý của Bertold Brecht) dự báo về một thế giới đầy rẫy nguy hiểm và bất chắc do lòng tham của con người tạo nên.
Cảnh trong "Bà tỷ phú về thăm quê". (Ảnh: VTC News) |
"Bà tỷ phú về thăm quê" được viết năm 1956, trong thời kỳ phát triển kỳ diệu của nền kinh tế châu Âu. Với tính chất ngụ ngôn sâu sắc về việc con người có thể bị mua chuộc bằng tiền, gần như ngay lập tức, vở kịch trở thành tác phẩm sân khấu bằng tiếng Đức được công diễn nhiều nhất trên thế giới, trong đó có chuyến lưu diễn tại VN cuối năm 2007.
"Sự phồn vinh nhanh chóng có sức cám dỗ mạnh mẽ như thế nào đối với một xã hội lâu nay vốn chìm trong nghèo đói? Và cái giá phải trả cho sự phát triển ấy?", đó là một trong những vấn đề được đặt ra trong vở kịch, như tác giả Hoàng Thi nêu ra trên Tạp chí Sân khấu.
Khi Cala Sắc về quê với rất nhiều tiền đã giúp bộ mặt vật chất của thị trấn Ghi-Lần dần thay đổi. Các toà cao ốc, siêu thị mọc lên, đường phố mở rộng, thị trấn vui tươi với sắc màu sinh động của xe cộ, quần áo và các bộ mặt dãn nở trong sự đầy đủ về vật chất. Nhưng cùng với đó là sự cánh cánh về món nợ đối với Cala Sắc - giết chết An Phơ In - người tình phụ bạc khi xưa.
Một tỷ đô mà tý phú Cala tung ra đã đạt được mục đích khi người dân Ghi-Lần "bán đứng" ông In. Điều này cũng như ông In từng mua họ khi ông chạy theo đồng tiền mà phụ bạc người yêu khi xưa, nay đã là bà Cala tỷ phú.
Ở đây, Cala là người vừa tốt vừa xấu, vừa là thiên thần trong tình yêu vừa là ác quỷ với đồng tiền. Tất cả các nhân vật đều vừa tốt vừa xấu, vừa tỉnh táo vừa u mê, vừa chân thành vừa giả dối.
Nhà phê bình Nguyễn Bỉnh Quân nhận ra một thông điệp khác ở vở kịch cũ mang đầy ý nghĩa hiện đại rằng: "Mất tình yêu là mất tất, tiền gây ra bất hạnh oán thù và tiền "hàn gắn" mọi thứ. Cái vòng luẩn quẩn bất tận của đồng tiền cũng là vòng bất tận của hoài nghi về các giá trị. Sự hoài nghi lan sang khán giả làm họ tự vấn về mình...".
Cả hai vở kịch kinh kinh điển của nước ngoài "Người tốt Tứ Xuyên" và "Bà tỷ phú về thăm quê" đã khiến không ít người bị ám ảnh khi đặt trong không gian của cuộc sống bộn bề hôm nay. Thấy chuyện ở đâu đó mà như ở quanh đây, khiến ta giật mình trước những sự lựa chọn thái độ sống và cũng nhận thấy rõ hơn thế giới này còn quá nhiều việc phải làm...
Theo Vietnamnet.