Khoá môi" nhà sư: Ca sỹ nghiễm nhiên ... vô tội?   Không có bất kì quy định hay chế tài nào về việc phạt ca sĩ “can tội” hôn hít người tu hành trên sân khấu cả. Đành chịu.

 
 

 Biệt chúng 3 tháng là hình phạt sau buổi lễ tác pháp Yết Ma cử tội chung đối với hai nhà sư trong phút cao hứng đã lỡ “đòi” nụ hôn từ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong đêm nhạc từ thiện ngày 4/11 tại TP HCM. Hình phạt là cần thiết để giữ nghiêm giới luật nơi cửa Phật.

Dư luận lên án hai nhà sư trên không tiếc lời. Trong những ngày qua, “búa rìu” dư luận mới chính là hình phạt khủng khiếp nhất đối với hai nhà sư chứ không phải là hình phạt biệt chúng 3 tháng. Người có lỗi cũng đã nhận lỗi, đáng phạt thì cũng đã phạt rồi. Đức Phật cũng từng dạy rằng phàm là người ở đời thì ai cũng có thể mắc lỗi và khi họ đã biết lỗi, nhận lỗi thì nên mở rộng lòng vị tha, cho họ lối thoát.

Điều khiến nhiều người băn khoăn lúc này không phải là hai nhà sư kia mà lại là ca sĩ đã “khóa môi” nhà sư. Thậm chí có người còn thở dài mà rằng: Đã phạt hai nhà sư sao lại không phạt luôn cả ca sĩ cho… công bằng. Phạt ca sĩ? Nói thì dễ. Không có bất kì quy định hay chế tài nào về việc phạt ca sĩ “can tội” hôn hít người tu hành trên sân khấu cả. Đành chịu. Và ca sĩ nghiễm nhiên… vô tội. Bao nhiêu tội trạng hai nhà sư kia gánh cả.

Nhưng ca sĩ “vô tội” không có nghĩa là “vô can”, bởi như người ta thường vẫn nói “không ai vỗ tay bằng một bàn tay”, để góp phần làm nên một vụ scandal “đình đám” kia không thể không nói đến “vai trò quan trọng” của ca sĩ. Đến lúc này, hẳn nhiều người sẽ thở dài: Giá như nam ca sĩ kia có kiến thức hiểu biết về văn hóa và tôn giáo một chút thì đâu đến nỗi… Tất nhiên, “giá như” sẽ không bao giờ là sự thực.

Trong phút thăng hoa bất chợt của cảm xúc lấn át cả lý trí, hai nhà sư đã “lỡ đưa miệng đi quá xa” khi “đòi” phần thưởng là nụ hôn. Ở trường hợp này, nếu ca sĩ là người có hiểu biết về văn hóa ứng xử và tôn giáo (chỉ cần ở mức trung bình), hẳn sẽ có cách phản ứng sao cho phù hợp, như một lời từ chối khéo chẳng hạn, biết đâu, lời “đòi hỏi” của nhà sư lại trở thành một sự hài hước đầy tính thông tuệ?...

Nhưng ca sĩ quá “hồn nhiên” và “vô tư” khi trao nụ hôn cho hai nhà sư như đã hứa. Hình như trong con mắt của nam ca sĩ nọ, người tu hành cũng chẳng khác người bình thường, nụ hôn lên môi cũng chẳng khác hôn lên má, lên trán, thậm chí lên tay, lên ngực (hay một số vị trí khác nữa trên cơ thể) là bao (?). Cũng phải thôi, mất mát gì, nụ hôn là thứ “tự sản xuất được”. Lãng mạn có thừa.

Vụ "khóa môi" của ca sĩ khiến Thần Cupid cũng phải... nhăn mặt.
 
Chỉ tiếc là với người tu hành, nụ hôn lên môi lại không phải là sứ giả của “Thần Cupid” mà đó lại là một sự lăng mạ và xúc phạm ghê gớm.

Một đứa trẻ lớp ba hẳn cũng đã có ý thức nhận biết sự khác biệt giữa người bình thường và người tu hành. Với nhà sư, chúng tỏ ra e dè hơn, thành kính hơn, đôi khi… sợ sệt hơn so với người bình thường. Nhưng ca sĩ đã không phân biệt được điều đó. Người ta thấy đâu đó những “lỗ thủng” về hiểu biết văn hóa (?)…

Lại nhớ, có câu chuyện kể rằng, có một giảng viên trẻ về nhận công tác ở một trường đại học nọ, sau rất nhiều lần nộp hồ sơ vào trường nhưng đều bị trả lại, anh ta mới tìm đến vị giáo sư đã nhận hồ sơ để hỏi cho ra lẽ. Vị giáo sư lẳng lặng chỉ vào mục ghi “trình độ văn hóa” trong hồ sơ và bảo: “Anh hãy chứng minh cho tôi xem trình độ văn hóa của anh đi”.

Người giảng viên trẻ lúc này mới biết là mình đã viết sai một mục trong hồ sơ. Đáng ra anh ta phải ghi là “trình độ học vấn” thì lại ghi thành “trình độ văn hóa”. Học vấn là phạm trù hẹp, là cái có thể cụ thể hóa và chứng minh qua bằng cấp, học hàm, học vị. Còn văn hóa là phạm trù rộng, nó bao gồm cả học vấn, văn hóa chỉ được “đo” thông qua quan hệ, ứng xử, giao tiếp giữa người với người trong xã hội mà thôi. Văn hóa là thứ phải học tập cả đời. Đây là lý do khiến vị giáo sư nọ - người vốn uyên bác - nhận ra và trả lại hồ sơ.

Trở lại với vụ ca sĩ “khóa môi” nhà sư, sự nổi tiếng của ca sĩ là điều không ai có thể phủ nhận. Nhưng cũng như câu chuyện về vị giảng viên trẻ đã kể ở trên, sự nổi tiếng không phải là tất cả.

Trình độ, khả năng nhận thức về văn hóa của một người chỉ được hiện hữu thông qua quan hệ giao tiếp ứng xử giữa con người với con người, giữa cá nhân người đó với xã hội.

Theo Kiến thức.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC