Kiếm khách Lê Quân và đường gươm xanh ma mịDù trong thể loại nào, Lê Quân đều đi những nhát màu dứt khoát, dũng mãnh, như những đường kiếm của một kiếm khách.

Tôi đã xem tận mắt nhiều tranh của Lê Quân. Đủ thể loại và hầu như đủ mọi trường phái. Chủ yếu là sơn dầu, sau đó là màu nước.

Càng xem tranh Lê Quân, tôi càng có cảm giác gã vẽ như... chơi một cuộc lên đồng! Dù trong bất kỳ thể loại nào, Lê Quân đều đi những stroke (nhát) màu dứt khoát, dũng mãnh, như những đường gươm của một kiếm khách.

Lê Quân tự phân loại tranh mình làm 9 categories: abstract (trừu tượng), flowers (hoa), portrait (chân dung), seacape (biển), natural (thiên nhiên), life (đời sống), nude (khỏa thân), still-life (tĩnh vật) và animals (con vật). Lê Quân không đặt tên cho tác phẩm của mình, cứ tùy chủ đề mà đánh số.

Kiếm khách Lê Quân và đường gươm xanh ma mị_0
Life 23

Đặc điểm đầu tiên tôi nhận ra ở tranh Lê Quân là màu xanh (green) được sử dụng như một thứ ám ảnh. Đủ mọi âm sắc green. Mỗi bức tranh của Lê Quân, ngay cả những bức mà màu chủ đạo không phải là xanh, thì xanh cũng được giấu ở đâu đó...

Như bức Abstract 103, xanh được chèn khuất giữa tranh, giữa hai màu chủ đạo đen đỏ và những màu khác. Ở bức Abstract 106, xanh ẩn hiện ở góc phải tranh. Ở ba bức Abstract 108, 109, 110, xanh là màu chủ đạo, với những stroke và tảng đen… Màu xanh ở ba bức này thể hiện rõ ràng sự ma mị trong thủ thuật sử dụng màu của Lê Quân.

Kiếm khách Lê Quân và đường gươm xanh ma mị_1
Flower 45

Ở những bức vẽ hoa, màu xanh của Lê Quân được chắt lọc, ém giữ và phân tán như một màu để làm dịu sức nóng của những cánh hoa đang hiển lộng. Nhất là ở hai bức Flower 45 và Flower 46. Xanh là màu được tác giả dùng để "ém giữ" ở một góc khuất khó ngờ...

Với tranh chân dung, bức Lê Quân vẽ thi sĩ Hữu Loan, với tôi là một tác phẩm độc đáo. Thi sĩ Màu tím hoa sim trong tranh toát ra được nét khốc liệt, đơn độc của một ngọn cô sơn. Nhìn Hữu Loan trong bức tranh này, như nhìn vào một Hữu Loan bằng sắt tinh ròng đã bị thổ hóa lâu năm...

Kiếm khách Lê Quân và đường gươm xanh ma mị_2
Hữu Loan

Backdrop xanh, Hữu Loan mặc bộ quần áo xanh khác âm sắc, phần mặt mũi chân tay màu hồng chứa xanh... Và Hữu Loan ngồi trên chiếc ghế đỏ! Màu xanh Lê Quân sử dụng trong bức vẽ Hữu Loan, chủ đạo là màu xanh cổ lục, tức có trộn vào đó một giọt của màu đỏ cadium...

Đến loạt tranh biển, màu chủ đạo của loạt tranh này là xanh blue... Nhưng tất nhiên xanh green cũng đã được Lê Quân ém trộn đâu đó như một thứ âm hồn bất tán. Nhất là ở bốn bức Seacape 1, 5, 6 và Seacape 19.

Kiếm khách Lê Quân và đường gươm xanh ma mị_3
Seacape 5

61 bức thiên nhiên xanh dằng dặc như một thứ ánh sáng thuần khiết để hiển lộ một thế giới. Đặc biệt ở bức Natural 57, rừng cây xanh dạt về phía bên phải và một bệt vàng có đốm đỏ treo lửng ở giữa bức tranh như một thách đố. Bố cục bức tranh này tôi cho là một cú "chơi" của Lê Quân... Nó có sự quấy phá trong cách bố cục của họa sĩ.

Tôi khám phá ra trong tranh Lê Quân còn nhiều điều để nói hơn nữa. Nhưng cái màu xanh ma mị là thứ tôi nhìn thấy trước hết... Dùng màu xanh green một cách ma mị, Lê Quân thể hiện cái chất cuồng phóng của gã một cách hết sức thong dong... Và thật ra, cũng ít thấy trong hội họa Việt Nam đương thời.

Kiếm khách Lê Quân và đường gươm xanh ma mị_4
Natural 57

Theo VNN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC