Phòng triển lãm của Sylvia Reijbroek nằm ở vị trí đặc biệt, có biên giới Bỉ - Hà Lan chạy xuyên qua. Khi có các lệnh phong tỏa, cô không biết phải theo quy định của nước nào.

42 1 Kieu Phong Toa Ky La O Thi Tran Vung Bien Phuc Tap Nhat The Gioi

Willem van Gool (trái) và Sylvia Reijbroek ở phòng triển lãm của cô Reijbroek. Vạch chữ thập trắng ở dưới đất là biên giới Bỉ

Vì vậy, để an toàn, cô Reijbroek quyết định tuân theo quy định của Bỉ, và đóng cửa, vì phòng tranh của cô được đăng ký ở Bỉ. Nhưng ngay bên cạnh, một tiệm thẩm mỹ vẫn mở, và khách hàng vẫn ra vào bình thường, vì họ đang ở Hà Lan.

"Cả dãy phố này chỉ có một tiệm phải theo luật của Bỉ và đóng cửa", cô phàn nàn. "Chính là tiệm của tôi".

Các nước châu Âu đã ban hành rồi nới lỏng phong tỏa ở các mức độ khác nhau - một số nơi đã cho phép cửa hàng mở lại, nơi khác vẫn yêu cầu đóng cửa. Các quy định khác nhau đang khiến nhịp sống khác hẳn nhau ở những vùng biên giới, nơi nhiều người thường xuyên qua lại giữa hai bên.

Nhưng không ở đâu mà sự khác biệt và phức tạp lại thể hiện rõ như ở thị trấn Baarle-Hertog-Nassau, biên giới Bỉ - Hà Lan, nơi có những quy định khác nhau từ phố này sang phố khác, nhà này sang nhà khác, thậm chí trong cùng một tòa nhà.

Có thể bạn đang theo luật của Bỉ, nhưng chỉ sau vài bước chân là bạn sang Hà Lan và phải theo luật của Hà Lan.

Hai bên có lệnh phong tỏa khác nhau

Baarle-Hertog-Nassau thường được coi là thị trấn biên giới phức tạp nhất trên thế giới. Thị trấn này ở phía trong phần đất Hà Lan vài km, nhưng được chia làm hai bên Hà Lan - Bỉ do thỏa thuận giữa các lãnh chúa phong kiến vào năm 1198.

Như chưa đủ phức tạp, trong lòng mỗi bên lại có những khu nhỏ thuộc về bên kia. Bên của Hà Lan có 22 khu của Bỉ, còn bên Bỉ thì có 8 khu của Hà Lan, khiến vạch mốc biên giới được vẽ chằng chịt bên trong thị trấn.

Tất nhiên, mỗi khu nhỏ đều phải theo luật của nước mình, tạo ra sự chắp vá của những quy định, luật lệ mâu thuẫn. Nhưng "không hề có sự bất ổn hay xung đột mà một khu biệt lập nằm trong nước khác thường có", Willem van Gool, quan chức du lịch địa phương, nói với New York Times.

Dù hai bên luôn chung sống hòa bình, các quy định mâu thuẫn ngay trong một con phố, dãy nhà vốn đã phức tạp trong điều kiện bình thường. Vào thời Covid-19, mọi thứ còn trở nên "kỳ lạ", theo cô Reijbroek, người có phòng tranh có đường biên chạy xuyên qua.

Để đối phó với dịch bệnh, Bỉ phong tỏa hoàn toàn từ tháng 3, phạt tiền bất cứ ai ra ngoài mà không có lý do chính đáng.

Nhưng Hà Lan lại mềm mỏng hơn, vẫn cho phép nhà hàng phục vụ dịch vụ gọi đồ ăn, các cửa tiệm và văn phòng chính phủ vẫn mở, mọi người vẫn đi lại. Chính phủ chỉ yêu cầu mọi người ở nhà nhiều nhất có thể và giữ khoảng cách khi ở ngoài.

42 2 Kieu Phong Toa Ky La O Thi Tran Vung Bien Phuc Tap Nhat The Gioi

Cửa hàng bên trái vạch biên giới, thuộc đất Hà Lan, được mở, trong khi cửa hàng bên phải, thuộc đất Bỉ, phải đóng. Ảnh: New York Times.

Cửa hàng chia đôi, đóng một nửa

Cách chống dịch khác nhau đó khiến cuộc sống hàng ngày của 11.000 cư dân của Baarle-Hertog-Nassau, cả người Bỉ lẫn Hà Lan, trở nên phức tạp.

"Chúng tôi theo luật của Bỉ, vì vậy chúng tôi đóng cửa toàn bộ cửa hàng trong phần đất chúng tôi", Frans de Bont, thị trưởng của Baarle-Hertog, phần thuộc về Bỉ trong thị trấn, cho biết. "Chúng tôi hy vọng phía Hà Lan cũng sẽ theo quy định của chúng tôi, ít nhất là trong thị trấn đa dạng này".

Người Hà Lan không làm vậy.

Do cách chống dịch khác nhau, chính phủ Bỉ đóng cửa mọi cửa khẩu dọc biên giới 450 km với Hà Lan. Những trạm kiểm soát, tưởng chừng chỉ là hình ảnh của quá khứ, bỗng nhiên được lập ra. Người Hà Lan muốn mua xăng rẻ ở Bỉ giờ phải quay về. Trong những ngày đầu hỗn loạn, nhiều gia đình thậm chí còn bị chia cắt, nhưng sau đó một số nhóm cư dân được phép qua lại biên giới, thăm gia đình.

Nhưng ở thị trấn Baarle-Hertog-Nassau, các chốt chặn như vậy là không thể.

"(Nếu vậy) sẽ có dây chằng chịt chạy khắp thành phố", ông Van Gool, quan chức phòng du lịch địa phương, nói. Phòng của ông là cơ quan mà hai nước cùng chia sẻ.

42 3 Kieu Phong Toa Ky La O Thi Tran Vung Bien Phuc Tap Nhat The Gioi

Cảnh sát chặn xe ở biên giới để kiểm tra. Ảnh: New York Times.

Các cửa tiệm trong phần đất Hà Lan vẫn mở cửa, khách hàng Hà Lan vẫn tươi cười mua khoai tây chiên hay kem, trong khi người Bỉ chỉ biết nhìn theo đằng sau cửa sổ.

Phòng tranh của cô Reijbroek không phải tiệm duy nhất có biên giới xuyên qua. Cuối phố, một tiệm thuộc chuỗi Zeeman bán quần áo giá rẻ cũng có đường biên giới chạy xuyên qua.

Trong tiệm, phần Bỉ bị ngăn lại, đầu tiên là bằng dải băng, sau là bằng một kệ hàng sôcôla và đồ chơi. Khách hàng tìm mua quần lót sẽ thất vọng, vì "kệ quần lót ở bên lãnh thổ của Bỉ", một nhân viên bán hàng giải thích.

"Thế nên thị trấn của chúng tôi mới rất thú vị", ông Van Gool từ phòng du lịch địa phương hồ hởi.

42 4 Kieu Phong Toa Ky La O Thi Tran Vung Bien Phuc Tap Nhat The Gioi

Vạch biên giới phân chia Bỉ (B) và Hà Lan (NL). Ảnh: New York Times.

"Ở Bỉ phải đeo khẩu trang, sang Hà Lan có thể bỏ ra"

Đây như những ngày lịch sử của thị trấn, vì qua nhiều thế kỷ nay, hai bên luôn có được thỏa thuận để cho cư dân hai bên có quyền đi sang bên kia. Nhờ vậy mà cô Reijbroek có thể sống trong căn hộ bên kia đường, thuộc về Hà Lan, mà vẫn đi làm ở bên này.

Chính quyền hai bên có cơ chế đặc biệt để phối hợp các quyết định như xây đường mới hay tổ chức sự kiện văn hóa.

"Chúng tôi như một ví dụ của châu Âu", ông Van Gool nói, và cho biết dù có khác biệt văn hóa, các quyết định luôn được đưa ra với sự tôn trọng lẫn nhau. "Ở đây, chúng tôi luôn tìm ra được giải pháp".

Tuần này, nhiều nước châu Âu bắt đầu nới lỏng phong tỏa, để khởi động lại kinh tế sao cho dịch không bùng phát. Trường học, sân bay, nhà hàng, tiệm cắt tóc... đang mở dần.

42 5 Kieu Phong Toa Ky La O Thi Tran Vung Bien Phuc Tap Nhat The Gioi

Một chốt chặn ở biên giới Bỉ - Hà Lan. Ảnh: New York Times.

Baarle-Hertog-Nassau cũng đã sẵn sàng mở lại sau khi tránh được ảnh hưởng của dịch bệnh, khi có hai ca tử vong bên phía Hà Lan và 8 ca nhiễm, chưa có ca tử vong bên phía Bỉ.

Ngày 4/5, Bỉ có bước thận trọng đầu tiên nới lỏng lệnh phong tỏa khắt khe của nước này: mở lại giao thông công cộng. Theo quy định mới, đeo khẩu trang là bắt buộc, nếu không sẽ bị phạt 270 USD.

Nhưng ở nước láng giềng Hà Lan, giới chức vẫn hoài nghi việc đeo khẩu trang.

Để mọi người đỡ khó hiểu, thị trưởng Frans de Bont giải thích: "Khi bạn đi xe bus từ Turnhout bên trong Bỉ đến đây, bạn phải đeo khẩu trang... Nhưng khi bạn sang phần đất Hà Lan, bạn có thể bỏ ra. Cũng hơi lạ một chút".

Nguồn: Trọng Thuấn/ Zing.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC