Kiều Khanh không phải thần đồngĐoạt giải Người đẹp Biển tại cuộc thi HHTG Người Việt nhưng Kiều Khanh lại không có tên trong danh sách 40 thí sinh lọt vào bán kết phần thi Vẻ đẹp Biển tại cuộc thi HHTG. Khán giả Việt Nam thêm một lần loay hoay và hoang mang ....

Ngày 15/10, BTC cuộc thi HHTG 2010 công bố danh sách các thí sinh tham dự phần thi Vẻ đẹp biển. Đây là một trong hai phần thi rất quan trọng trong 4 phần thi phụ trong khuôn khổ cuộc thi HHTG 2010, vì hầu hết những người chiến thắng hoặc lọt vào Top tại phần thi Vẻ đẹp biển và Siêu mẫu luôn có cơ hội cạnh tranh ngôi vị Hoa hậu cao hơn với người chiến thắng 2 phần thi phụ còn lại.

Nhưng, trong danh sách BTC chỉ có 40 thí sinh được quyền tham dự, Kiều Khanh là một trong những cái tên bị khuyết. Tiếp nhận thông tin này, bên cạnh sự ngỡ ngàng và tiếc nuối, không ít ý kiến cho rằng Kiều Khanh thể hiện thiếu sức hút trong suốt nửa chặng đường đã qua và sẽ khó có cơ hội cho cô gái 19 tuổi làm nên điều kì diệu, thậm chí đưa ra những lời lẽ thiếu căn cứ về cô

Đi thi vì cái gì?

HHTG được xem là cuộc thi sắc đẹp lớn nhất trên thế giới và vì thế, sở hữu chiếc vương miện hay trở thành người chiến thắng một giải thưởng phụ là một niềm vinh dự cho bất cứ thí sinh nào. Điều này được chứng minh bằng sự nỗ lực đầu tư của nhiều Tổ chức Hoa hậu tại các quốc gia, các thí sinh, nhà tài trợ. Một số nước "thông minh" thường tổ chức các cuộc thi quốc gia cận kề thời điểm các cuộc thi lớn nhưng lại để thí sinh thi vào năm sau, dành trọn gần 1 năm chuẩn bị cho thí sinh. Hầu hết các quốc gia tổ chức vào dịp tháng 5 hàng năm để vừa chọn thí sinh, vừa có đủ khoảng thời gian hợp lí cho các cuộc thi lớn trải dài từ tháng 8 tới tháng 12 ( HHHV - Tháng 8, HHQT - Tháng 10, HHTD - Tháng 11, HHTG Tháng 11/12 - năm nay đã tổ chức sớm vào đầu tháng 10).

Đối với những cường quốc lớn về huấn luyện thi sắc đẹp như Venezuela, Mexico, giành vương miện không phải là mục tiêu "tối cao" khi đưa thí sinh dự thi, nhưng đó lại là kì vọng rất lớn của những người dân tại 2 quốc gia này. Lí giải một phần sự thành công liên tiếp 2 quốc gia Venezuela và Mexico trong những cuộc thi lớn gần đây chính là quá trình huấn luyện của họ rất bài bản, không chỉ về việc chăm chút cho dáng vẻ bên ngoài mà họ còn được định hướng về tư duy thẩm mỹ, xây dựng hình ảnh ( vì họ có rất nhiều thời gian chuẩn bị), cách ứng xử mà còn được học hỏi trực tiếp và rất hiệu quả từ những người đẹp đã từng đăng quang hoặc đạt được những vị trí cao tại các cuộc thi sắc đẹp.

Kiều Khanh không phải thần đồng_0

Khi được hỏi "Theo bạn, ai sẽ đăng quang tại cuộc thi HHHV 2008? " - Dayana Mendoza (người sau đó đã trở thành HHHV 2008) trả lời rất tự tin "Tại sao không phải là tôi". Trong suốt quá trình thi, cô gái trẻ 22 tuổi luôn tỏ ra rạng rỡ và thoải mái nhờ sức bền từ những bài tập thể lực rèn khả năng chịu đựng khi làm việc cường độ cao. Stefania Fernandez, người giúp Venezuela đăng quang liên tiếp lần thứ 2 tại HHHV cũng trả lời rất thành thật : "Đối với tôi, vương miện không quan trọng lắm, trước khi thi, tôi nghĩ chỉ cần lọt vào đến Top 15 đã may mắn rồi".

Có thể thấy, cách tư duy của họ là tư duy đa chiều, không giống nhau. Không một trường học hay tổ chức nào có thể huấn luyện tất cả các tình huống giao tiếp, ứng xử mà chỉ có thể rèn sự tự tin trình bày vấn đề và định hướng tư duy xử lí. Các hoa hậu sau đăng quang còn được học rất nhiều về lễ nghi, tập luyện và tiếp xúc giới giải trí, truyền thông để bản lĩnh ứng xử dày dặn, củng cố trước khi đi thi.

Tâm lý PHẢI giành vương miện gần như không có vì khi đứng trên cương vị hoa hậu một quốc gia, họ mang rất nhiều trách nhiệm khác nhau, vương miện không đơn thuần chỉ là tấm vé thi thố tại một cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Dayana Mendoza chia sẻ khi sắp hết nhiệm kì của mình: “Tôi là người phụ nữ xinh đẹp nhất cho tới tháng 8 này, sau đó một cô gái khác sẽ trở thành người xinh đẹp nhất, rồi lại tiếp tục lại có những cô gái khác cũng như thế sau những cuộc thi. Danh hiệu tạo ra sự ảo tưởng trong suy nghĩ của nhiều người. Tôi không hề cảm thấy có gì khác biệt khi tôi nói rằng mình là người phụ nữ xinh đẹp nhất hoặc không xinh đẹp bởi vì tôi chỉ là một con người bình thường. Thứ mà mọi người muốn biết và thực sự yêu mến ở một người khác, chắc chắn không phải là vẻ đẹp hình thể”.

Bản lĩnh của những hoa hậu xuất thân từ các quốc gia lớn nằm ở việc họ được học cách hoạch định phát triển bản thân, và cố gắng hoàn thành các mục tiêu. Họ thi đấu vì tính thực tế trong con người chứ không bao trùm lên bởi tâm lý ăn thua như những người dân thể hiện rất rõ ở những quốc gia này.

Kiều Khanh không phải thần đồng_1

Gần đây nhất, việc Ximena Navarette đăng quang gần như khiến rất nhiều người bất ngờ. Cô gái trẻ hơi rụt rè ghi danh Mexico lần thứ 2 đăng quang sau gần 20 năm. Truyền thông ít chú ý cũng không phải là điều cô bận tâm, thể hiện một cách bình thường, khiêm nhường và chính sự ổn định tâm lý đã giúp cô đưa ra một câu trả lời ứng xử vừa thể hiện được tính phân tích và vừa trọn vẹn về thông tin đủ để giám khảo đánh giá cao cô chỉ trong 30 giây ứng xử.

Kaiane Aldorino đăng quang HHTG 2009 cũng là một điều gây bất ngờ vì không ai nghĩ rằng cô gái đến từ Gibraltar lại ngoạn mục vượt lên nhiều ứng cử viên sáng giá. Hương Giang - một thí sinh trong Top 16 của cuộc thi cũng tỏ ra ngỡ ngàng về kết quả. Khi về đến Việt Nam, chia sẻ suy nghĩ, cô cho biết giám khảo đã chọn đúng người vì trong cuộc thi Kaiane Aldorino không phải là thí sinh được chú ý, nhưng cô luôn thể hiện sự thân thiện của mình bằng nụ cười luôn trực sẵn trên môi. Tâm lý hoàn toàn thoải mái giúp Kaine Aldorino không bị áp lực về giải thưởng, vương miện thuộc về cô hoàn toàn nhờ vào cách sống chan hòa với mọi người.

Còn ở Việt Nam,


Điều may mắn của những quốc gia có người dân hâm mộ những cuộc thi sắc đẹp là sự ủng hộ, nhưng đây cũng trở lại một sức ép về tâm lý rất lớn đối với các thí sinh đại diện. Sự ủng hộ luôn kèm theo hy vọng, thậm chí là kỳ vọng. Những góp ý chân thành, những động viên vô tư là một nhẽ, nhiều khán giả đôi khi hơi cá nhân khi đưa ra những ý kiến áp đặt thí sinh. Tâm lý chung của số đông thường không ổn định trong những tình huống "nóng" nên rất dễ xảy ra kiểu đánh "hội đồng" khi chưa tìm hiểu kĩ.

Trước khi Kiều Khanh lên đường, cô gái 19 tuổi giành được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo công chúng. Thí sinh mang SBD 588 của cuộc thi HHTGNV 2010 là gương mặt rất được yêu thích trước khi đêm chung kết diễn ra. Sở hữu giải thưởng Người đẹp biển tại cuộc thi nhưng không may mắn được lọt vào Top 40 thi Người đẹp biển tại HHTG, lập tức dư luận "dậy sóng". Người thì phân tích Kiều Khanh thiếu sự nổi bật về trang điểm, làm tóc, tư thế tạo dáng,... người thì cho rằng BGK thiên vị và gu giám khảo quốc tế khác với trong nước,vv...Sự việc tưởng chừng như rất bình thường trong một phần thi phụ ( vì có tới hơn 60 thí sinh khác cũng không được chọn) bỗng dưng trở nên ồn ào, dư luận quay ra phân tích, "chỉ điểm", bắt lỗi thí sinh.

Trước cuộc thi HHTGNV 2010, mẹ Kiều Khanh đã rất lo lắng khi đứa con gái bé bỏng một thân một mình chinh chiến tại Việt Nam. Rồi tới sát ngày lên đường thi quốc tế, bà lại một lần nữa mong muốn mọi người hãy nhìn Kiều Khanh như một người còn phải trau dồi, rèn luyện thêm nhiều về bản lĩnh thi đấu, không nên dành cho cô gái trẻ hiền lành những lời khen "quá đà" dễ gây ảo tưởng, tâm lý bị áp lực. Elite - đơn vị nắm bản quyền, cử thí sinh tham dự và có nhiều kinh nghiệm huấn luyện cũng thẳng thắn nhìn nhận tình hình thực tế của thí sinh Việt Nam trong bối cảnh một cuộc thi mà Việt Nam chưa có đến 10 năm chinh chiến.
Hơn 1 năm trước, Hương Giang lên đường sang Nam Phi dự thi HHTG 2009. Báo chí, dư luận dường như không nhắc đến cô nhiều vì chỉ xem cô như một thí sinh may mắn có mặt tại cuộc thi lớn, không nhìn vào những hành trình dài trước đó để đến với cuộc thi. Tâm lý thoải mái dù Hương Giang không bị sức ép phải thể hiện mình trước truyền thông quá nhiều.

Ít người biết được rằng, dù thời gian chuẩn bị của cô chỉ có đúng 14 ngày kể từ khi nhận quyết định chính thức để học làm tóc, make up, chuẩn bị trang phục và đi thi, Hương Giang cũng đã vạch ra cho mình 5 mục tiêu lớn: Kết bạn được với ít nhất 20 cô gái, quảng bá về chương trình đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, xây dựng hình ảnh cá nhân trên phương diện báo chí, tận hưởng từng ngày trong cuộc thi để du lịch, khám phá. Trong 5 mục tiêu đó, không hề thấy có mục tiêu nào là ... đoạt vương miện.
Kiều Khanh không phải thần đồng_2

Hương Giang là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng của GB.

Hãy để họ thoải mái nhất ...

Khi nhìn lại thành công của một nhan sắc nào đó tại một cuộc thi quốc tế, người ta hay nghĩ nhiều đến sự chuẩn bị. Nhưng nhìn một cách sâu sắc,họ là người có tâm lý rất thoải mái, trước, trong và sau cuộc thi ấy. Sự ổn định tinh thần, không màu mè, lòe loẹt giúp họ luôn chủ động trước mỗi tình huống ứng xử, giao tiếp hay sự cố bất thường.

Từ thành công của Hương Giang với sự cố gắng và nỗ lực bằng một số các giải thưởng, chúng ta nên thấy rõ lợi thế thành công của một quốc gia mới góp mặt tại các cuộc thi lớn nên bắt nguồn từ điểm gì là quan trọng nhất khi không có nhiều thời gian chuẩn bị. Việt Nam luôn rơi vào tình trạng chạy cuốn gói theo các cuộc thi lớn: Hương Giang hay Mai Phương Thúy chỉ có 2 tuần, Thiên Lý chưa đến 1 tuần, Hoàng Yến lâu nhất cũng chỉ có 2 tháng.

Hãy nên có thiện cảm và độ lượng hơn với các thí sinh mới chỉ 19, 20 tuổi nếu nhìn thấy những vấp váp của họ. Lứa tuổi này không thể đòi hỏi họ già dặn và bắt ép bản thân sống theo suy nghĩ của những người lớn tuổi.
Kiều Khanh không phải thần đồng_3

Hương Giang luôn nở nụ cười trên môi

Hoa hậu là ngôi vị lớn, giúp định hướng thẩm mỹ sống cho những người khác bằng cả ý thức và trách nhiệm, nhưng hãy nhìn họ bằng con mắt thực tế và nhân văn, đừng nâng họ lên quá cao bởi những thông tin quá xa thực tế hay đưa ra những lời nhận xét thiếu thiện chí. Giá trị thực sự của họ nằm ở những hoạt động xã hội, cộng đồng, thiện nguyện còn việc tham gia các cuộc thi quốc tế chỉ là một phần nhiệm vụ.

Hương Giang không được xếp ngồi cùng với các cựu Hoa hậu, cô cũng không được trao vương miện cho một cô gái trẻ nào đó, người ta gọi cô là Hoa hậu đẹp nhất Châu Á chứ không dùng từ Hoa hậu Việt Nam như chính cô được đại diện trong cuộc thi lớn nhất thế giới. Nhưng, cô vẫn xứng đáng là một hình ảnh rất đẹp để tiếp thu, quan sát và học hỏi. Hương Giang nỗ lực trong công việc và hướng thiện bằng các hoạt động xã hội chìm lặng không có trên mặt báo chứ không phải là một câu chuyện nào đó đột nhiên trở thành hiện tượng, cũng không phải đánh bóng mặt báo bởi những ngôn từ vĩ cuồng.

Hãy nên, để cho Kiều Khanh dần trưởng thành bằng trải nghiệm của chính tuổi 19, hồn nhiên, vô tư khi xem cuộc thi là một cuộc chơi đa dạng nhiều màu sắc. Đừng quá kỳ vọng, rồi đưa ra những lời lẽ thiếu kiềm chế, biến một cuộc chơi ( Julia Morley - Chủ tịch Tổ chức HHTG đã gọi "cuộc thi" Miss World như vậy) trở thành một dấu ấn buồn mà nhẽ ra, đó lại là một niềm vui, một vinh dự của thí sinh, của công chúng và của một đất nước.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC