Hoa khôi Lại Hương Thảo hồn nhiên kể về những điều mà nhiều người đẹp showbiz không dám hé môi để giữ hình ảnh cho mình.
Người đẹp nào đăng quang một cuộc thi nhan sắc cũng đều nói đến nhiệm vụ tương lai họ phải thực hiện là làm từ thiện, cống hiến cho cộng đồng, xã hội... Nhưng rồi người ta thường thấy các nhan sắc ấy chỉ hay xuất hiện ở những buổi tiệc, sự kiện với chiếc túi, bộ đầm giá vài chục ngàn đô thay cho việc họ phải đến những nơi khó khăn, những số phận éo le cần giúp đỡ như họ đã hứa khi đội chiếc vương miện lên đầu.
Lại Hương Thảo, một nhan sắc mới tinh của showbiz Việt sẽ nói gì về việc này, về bản thân và trách nhiệm của mình trong những ngày tới?
Thảo xuất hiện trong bộ đồ ít tiền nhưng cá tính. Chiếc áo bò buộc nơ tai thỏ ngang eo, để hở khoảng bụng trắng nõn, phẳng lì. Chiếc quần ôm sát đôi chân lạc tông với đôi giày màu vàng lạc đà thấp đế, nhưng trông Thảo vẫn cao hơn số đo thực của mình.
Lại Hương Thảo nói: “Chắc là cặp kè vớ vẩn thì mới mua chứ nếu bảo tự bỏ tiền mồ hôi nước mắt hàng tháng, hàng năm của mình ra chỉ để mua một cái túi có mà... điên”. (cười). |
Trang điểm nhẹ, cột tóc cao như đuôi ngựa để lộ rõ chiếc trán dô “không giống ai trong nhà” cùng chiếc “mũi hin của bố”, cô ngồi xuống trước mặt tôi, gọi một ly nước hoa quả. Đôi mắt tít lại rúc rích cười, cùng lúc cái miệng rộng khoe hàm răng trắng tinh, Thảo trả lời đầy cá tính, nhưng đôi lúc nước mắt cũng vòng quanh mi khi nói về bố mẹ.
Nói được và làm được là tính cách của tôi
- Nhiều hoa hậu bước ra từ các cuộc thi đều nói đến những từ: từ thiện, giúp đỡ, vì cộng đồng... Thế nhưng, khi trên mặt báo nhan nhản các vấn đề tệ nạn xã hội, bạo hành hôn nhân, thiên tai thì có mấy ai xuất hiện đúng lúc. Chỉ thấy các cô váy vóc, giày dép hàng hiệu rồng rắn ở các sự kiện?
- Tôi nghĩ mình sẽ tham gia các sự kiện, vì những gì liên quan đến PR hình ảnh là cần thiết, nhưng nói ra là phải có trách nhiệm với lời nói.
Tôi sẽ bắt đầu từ những điều nhỏ nhất và hành động, chứ nói quá vĩ mô tôi sợ không làm được. Từ trước tới giờ: nói được và làm được là tính cách của tôi.
- Nhưng nếu lợi ích cá nhân, gia đình mâu thuẫn với lợi ích xã hội, khi đó chị sẽ làm gì?
- Mình phải biết giữ mọi thứ cân bằng. Khi làm một điều tốt, cái mình nhận không phải là những gì người ta đền đáp, mà sẽ có nhiều điều tốt khác đến với mình. Chuyện mình cho đi ấy không việc gì phải cảm thấy băn khoăn vì trước hết nó làm mình vui, sau đó được gia đình ủng hộ và xã hội nhìn nhận.
- Vậy chị đã bao giờ làm từ thiện, giúp đỡ một ai chưa?
- Tham gia từ thiện tập thể thì nhiều lắm, nhưng cá nhân thì hai lần. Tôi không làm từ thiện bằng tiền tiết kiệm, nhưng cứ hết năm học, tôi gom sách vở cũ bán đi rồi giúp người khác bằng tiền đó.
Tôi nhớ năm chưa tròn 18 tuổi, lần từ thiện trong cuộc thi Người đẹp Hạ Long, chúng tôi đến thăm một em bé có HIV ở đảo Tuần Châu (Quảng Ninh). Bố mẹ đã mất, em sống với bà và bà lại không thể lao động được.
Trong cuộc thi, các thí sinh thể hiện tốt hơn tôi vì tôi không phải người hay thể hiện cảm xúc. Các cô ấy nắm tay em bé thân mật lắm, nhưng khi nghe trường hợp của em có HIV thì chẳng ai dám nắm tay nữa. Tôi thấy buồn cười! Từ bé sống ở chỗ rất nhiều người nghiện và chết trẻ, bố đã ghim rất sâu vào đầu óc tôi những kiến thức ấy rồi.
Tôi chỉ thấy rất thương em và bà, cuộc thi kết thúc là lúc tôi học xong lớp 12, tôi bán sách vở cuối năm học, đi mua vở mới mang đến tặng em ấy. Sau này, tôi có quay lại thăm hai bà cháu.
- Còn phần thưởng cuộc thi lần này, chị sẽ dùng vào việc gì?
- Khi đạt được danh hiệu Hoa khôi, mọi người nhìn thấy tôi là nói: “Ơ! Một tỉ kìa!” vì cái vương miện đội trên đầu tôi trị giá 1 tỉ đồng, nhưng vương miện này tôi phải trao lại cho tân hoa khôi chứ không được sở hữu.
Tổng giải thưởng tôi được nhận là 550 triệu đồng, chỉ có 100 triệu tiền mặt và 450 triệu là dịch vụ sản phẩm đi kèm. Với một sinh viên như tôi, 100 triệu tuy lớn nhưng với một người đi làm thì đó là khoản tiền không quá khó.
Số tiền này sau khi trừ thuế, tôi sẽ dùng vào mục đích từ thiện hay giúp ích cộng đồng xã hội.
Tôi sai, bố cứ dây điện chập bốn mà vụt
- Chị đã lớn lên trong một gia đình như thế nào? Ai là người có ảnh hưởng nhiều nhất đối với chị để trở thành một người đẹp tự tin như hôm nay?
- Bố tôi làm bên xây dựng nhưng không phải là người kiếm tiền chính, mẹ tôi mới làm ra nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, mọi quyết định trong gia đình phải được phép của bố, ngay như họ hàng muốn cho tôi tiền cũng phải được bố chấp thuận.
Từ bé, bố quản lý tôi rất chặt chuyện tiền nong, đến năm 18 tuổi tôi mới có 100 ngàn đồng trong người đi ra đường. Còn thì sáng nào, tôi chỉ nhận được đủ tiền ăn sáng, nếu muốn tiêu vặt thì phải nhịn đói.
Ngay cả trong chuyện quần áo, con gái thích làm điệu nhưng bố rất hạn chế việc mua đồ cho tôi. Cứ thấy tôi mặc đồ đẹp là bố hỏi ở đâu ra, sơn móng tay nước bóng dù chỉ một ngón thôi, bố cũng bắt tẩy ngay.
Cô cho biết trên cô dùng toàn hàng Trung Quốc. |
Trước đây, tôi thấy ông là người chi li, nhỏ nhặt, khó chịu, sau này va chạm cuộc sống mới nhận ra những gì mình được trang bị quá ý nghĩa. Tôi luôn thầm cảm ơn bố vì điều đó! Ông biết lắng nghe, luôn cho lời khuyên chính xác khi tôi cần. Tôi thần tượng bố lắm!
- Nếu làm gì sai, chị sẽ bị bố “xử” như thế nào?
- Đầu tiên bố sẽ chỉ ra những lỗi sai, ít thì cảnh cáo, nhiều thì cứ dây điện chập bốn mà vụt, lỗi nặng bao nhiêu vụt bấy nhiêu. Khi bố đánh, tôi cứ nhảy lung tung nên roi cũng không trúng mông mà trúng... lung tung. Bố đánh rất nhiều nhưng không ai lì như tôi đâu (cười).
Đến giờ, người tôi vẫn bị vết sẹo lồi do bố đánh chảy máu. Tôi không biết bố có biết sự tồn tại của vết sẹo đó không, còn tôi mỗi lần thay đồ nhìn thấy, nó như nhắc nhở tôi cần phải sống tốt hơn nữa.
- Bố đánh dữ vậy, mẹ chị có bênh không?
- Mẹ tôi khóc lắm mà không dám bênh. Bố không thích chúng tôi ăn quà ngoài chợ, ăn cơm nhà bạn. Chị em tôi muốn ăn gì, mẹ sẽ mua về làm cho cả nhà ăn, ngay cả mẹ, chưa khi nào tôi thấy ngồi ngoài chợ ăn quà. Mẹ là người chịu thương chịu khó, luôn có mặt trong bếp, là người nấu ăn chính trong gia đình nhưng người dạy tôi nấu ăn lại là... bố.
Tôi gần gũi với bố nhiều hơn, còn mẹ lại gần với em trai nên nhiều khi cả nhà chia thành hai phe (cười). Là con gái nhưng tôi lại thủ thỉ với mẹ không nhiều bằng với bố, vì nhiều lúc không hợp với mẹ.
Nhưng khi xa gia đình, tôi lại rất nhớ mẹ, những lúc đó mẹ không quát mắng, chỉ tình cảm như “Con gái có nhớ mẹ không? Con đã ăn uống gì chưa?” thì ai cầm lòng được.
Trong cuộc thi, tôi đã học được cách an ủi người bên cạnh khi họ mềm yếu, trong khi trước đó tôi không biết chia sẻ cảm xúc của mình đâu. Nếu em trai khóc, tôi chỉ biết nói: “Đừng khóc nữa”. Mẹ khóc, tôi chỉ nắm tay mẹ thôi. Tôi có tình yêu với mẹ nhưng không dám thổ lộ. Còn giờ nếu nhớ, tôi sẽ cầm điện thoại và nhắn tin: “Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm”.
Tôi mặc trên người toàn hàng Trung Quốc
- Từ lúc đoạt giải, không thấy chị ăn mặc như các mỹ nhân trong showbiz, ít nhất cũng phải “tone-sur-tone” chứ nhỉ?
- Trước cuộc thi một tháng, tôi có ngồi nói chuyện với bố mẹ về trào lưu hàng hiệu làm hỏng giới trẻ. Tôi buột miệng nói: “Sao người ta có thể bỏ mấy chục, thậm chí mấy trăm triệu chỉ để mua một cái túi thôi bố nhỉ?”.
Bố hỏi tôi nghĩ sao, tôi nói: “Chắc là cặp kè vớ vẩn thì mới mua chứ nếu bảo tự bỏ tiền mồ hôi nước mắt hàng tháng, hàng năm của mình ra chỉ để mua một cái túi có mà... điên”. (cười).
Bố nói: “Cái đó không cần thiết, bố cũng dặn con sau này nếu làm được tiền thì nên cân nhắc mua sắm hợp lý, đồng tiền không phung phí thế được”.
- Khi mới đăng quang, Hoa hậu Mai Phương Thúy từng xuất hiện với bộ đồ hàng Trung Quốc, cũng ít nhiều bị góp ý là ăn mặc không đẹp đấy!
- Hiện tại đồ trên người tôi toàn đồ Trung Quốc hết (cười), hoa tai Chanel mỹ ký Trung Quốc của một người bạn cùng thi Miss Sport tặng, vòng bạc, nhẫn bạc thì tự mua. Cái áo bò có 150 ngàn đồng, quần jeans 300 ngàn đồng, đều hàng Trung Quốc. Đến “đôi giày Hermes” này cũng 250 ngàn đồng thôi.
Có nhiều người khuyên tôi nên ăn mặc đẹp một chút, nhưng tôi bảo “tiền đâu ra mà mua” hay “làm gì có tiền mà mua?” (cười).
Sau này khi có thu nhập cao, đến những chỗ sang trọng thì mình phải mặc đồ đúng mục đích, còn đời thường bao nhiêu người dùng hàng chợ có sao đâu. Họ thế nào mình cũng thế nấy sẽ hay hơn.
Nhiều người nghĩ dùng hàng hiệu sẽ tự tin hơn, nhưng chẳng lẽ người đời tin vào đống đồ hiệu mình mặc mà không tin vào chính con người mình hay sao?
Theo Mốt và cuộc sống.