"Làm nghệ thuật mà không có kinh tế thì không làm được""Làm nghệ thuật mà không có kinh tế thì không thể làm được, nhưng nếu nặng về kinh tế để bỏ nghệ thuật thì tôi không làm. Tôi cũng tin chắc rằng, không có một người nghệ sĩ chân chính nào làm như vậy".

 Với Kim Tử Long lúc nào anh cũng có suy nghĩ, con đường nghệ thuật của mình còn rất dài nên luôn đặt mình vào những thử thách mới, mình thử thách được vai này, vai kia, sao cho thành công để hoàn thiện con đường nghệ thuật đa chiều của bản thân.

20120922 03 26 20 0

 Người thầy đầu tiên

Nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long bắt đầu nghiệp hát lúc 14 tuổi. Một năm sau, cùng một lúc anh gia nhập hai đoàn cải lương trong đó có đoàn cải lương Trần Hữu Trang. Nói về điều này, chính anh từng thừa nhận, cái máu nghệ sĩ len lỏi trong tim từ khi anh còn là cậu học trò cấp hai. Người thầy đầu tiên dạy Kim Tử Long biết ca câu vọng cổ là một người bạn ngoài đời tên là Tám Đen nghệ danh là Dương Quang.

Dương Quang chính là em ruột của NSƯT Minh Vương đã dạy cho Kim Tử Long biết thế nào là ca một câu vọng cổ. "Tôi và Dương Quang chơi với nhau suốt ngày, nó ca thì tôi nghe, thấy mùi và vui lắm. Song, lúc đó còn nhỏ, chưa biết cảm nhận thế nào là một câu vọng cổ. Do bạn tôi là con nhà nòi, thành thử ra, khi Dương Quang ca, mình nghe có một cái gì đó rất truyền cảm, nên cảm phục và thích thú. Từ đó, tôi đi theo bạn học ca vọng cổ".

Trước đây, nhiều người cứ nhầm nghệ sĩ Minh Vương là người thầy đầu tiên của Kim Tử Long, nhưng kỳ thực không phải: "Minh Vương là lớp nghệ sĩ đàn anh, những điều tôi học được từ anh ấy là những khi diễn cùng. Những lúc đó, nếu tôi hát chưa đạt, chưa sâu, cảm xúc chưa tới và kỹ năng chưa hợp với nhân vật thì anh ấy chỉ bảo tận tình. Nhưng để nói người ảnh hưởng tới sự nghiệp ca hát của tôi nhất thì lại chính là anh Minh Vương. Khi Dương Quang dạy cho tôi nghe một vài câu vọng cổ nằm trong số những bài mà Minh Vương đã hát, tôi lại chạy vụt qua nhà anh Minh Vương xem anh ấy tập, nghe anh ấy hát, rồi cả chất và giọng của anh ấy đã nhiễm vào tôi", Kim Tử Long nhớ lại.

Trốn gia đình đi hát

Chàng trai Hoàng Kim Long (tên thật của Kim Tử Long) trốn nhà đi hát được khoảng một năm thì bị cha phát hiện. Đó là năm anh đang học lớp 11. Ba Kim Tử Long phát hiện anh đi hát nhưng không đánh. Khi về nhà, ông chỉ hỏi nhẹ nhàng: "Tại sao con lại bỏ học đi hát?". Anh trả lời ba mình một cách cương quyết: "Tại con thích và mê hát cải lương quá thôi ba". Sau đó, anh hát cho ba nghe. Hát xong, ba anh khuyên: "Nếu con thích đi hát thì con phải đi học đàng hoàng, theo học thầy, học trường, học lớp, chứ không thể đi hát chơi như vậy được".

Sau này anh lý giải: "Vì lúc đó tôi đi hát chỉ để thỏa niềm đam mê, được đứng trên sân khấu là vui rồi, chứ không cần tiền. Lúc ấy, chỉ cần được ăn cơm chung với đoàn hát, được người ta cho cái này, cái kia là thích, chứ không nghĩ tới là có lương hay hoa hồng gì hết".

Được ba chấp nhận, Kim Tử Long bắt đầu tìm tòi những nơi đào tạo, những cuộc thi để đưa mình vào với môn nghệ thuật đậm chất Nam bộ này. "Tôi tìm đến học thầy Út Trâm. Được 1 năm thì ba tôi khuyên nên thi vào trường Đào tạo diễn viên Trần Hữu Trang và tôi đã đậu điểm cao", anh kể.

Sau khi học hết kỳ I của năm học đầu tiên, trong một buổi học, cô Bảy Phùng Há mới cho Kim Tử Long biết nguyên nhân anh đạt số điểm cao nhất trong vòng thi chung kết năm đó là do cái thần sắc khi anh biểu diễn đã chinh phục được ban giám khảo. Nhớ lại buổi học ấy, Kim Tử Long kể lại rõ ràng: "Cô Phùng Há hỏi: "Tại sao trong số các trò, trò nào cũng đều tài giỏi, hát hay, mà trò Long lại đạt điểm cao nhất. Các em có biết vì sao không?" Cả lớp ngớ ngẩn nhìn nhau, lắc đầu. Sau đó, cô Bảy Phùng Há mới diễn giải cho chúng tôi nghe: "Hôm nay cô dạy cho các em về kỹ thuật biểu diễn, thả lỏng cơ bắp. Tại sao trò Long lại đạt số điểm cao nhất? Là tại vì, trong lúc trò Long hát và diễn không bị căng cứng, không sợ sệt, không bị gò bó"”.

Đến giờ phút này, nghệ sĩ Kim Tử Long vẫn nhớ như in những lời của NSND Phùng Há trau dồi: "Đối với bộ môn cải lương, khi nhận một vai nào đó, lúc ra biểu diễn thì phải buông lỏng tất cả cơ bắp mình ra, tinh thần phải hoàn toàn thoải mái và chỉ nghĩ tới vai diễn đó thôi thì mình sẽ đạt được yêu cầu của vai diễn đó. Và điều này sẽ đạt điểm tối đa trong nghệ thuật cải lương".

Thành công từ  vai kép phụ

Ngày tốt nghiệp, các bạn cùng khóa với Kim Tử Long như Quang Châu, Đức Long, Tô Châu được chọn để đóng kép chánh (người hát chính), còn anh chỉ được giao những vai kép hề hoặc kép lắng. Trong cuộc đời làm nghệ thuật của Kim Tử Long, để cảm ơn Tổ nghiệp, cảm ơn những người thầy đã vun đúc tinh thần cho mình thì anh tâm đắc nhất chính là vai Gia Đồng trong vở Nàng tiên Mẫu Đơn.

Đây là vai đầu tiên anh đảm nhận khi mới ra trường, anh tâm sự: "Tất cả các học viên của cải lương, khi đã bước ra trường thì ai cũng đều ước muốn được làm kép chánh, trong khi ai cũng được đóng kép chánh thì cô Bảy Phùng Há lại giao cho tôi một vai hề Gia Đồng. Lúc đó, tôi buồn lắm và kỳ thực không muốn nhận vai, nhưng cô Bảy nói: "Không có vai nào gọi là vai lớn, vai nhỏ, chỉ có người diễn viên có đảm nhiệm được vai diễn quan trọng hay không thôi". Thành thử, tôi nghĩ lại và nhận lời thủ vai Gia Đồng, nhưng không ngờ, khi diễn xong và bước ra ngoài sân khấu, khán giả đã biết đến tên của Kim Tử Long".

Kể từ đó, Kim Tử Long không từ bất kỳ một vai diễn nào. Anh cho biết: "Tôi không nghĩ đến những vai diễn của mình để phân chia nó thành vai diễn để đời hay không, chính hay phụ. Tôi chỉ chắt lọc và lựa về những vai diễn đã từng đi theo quãng đời nghệ thuật của mình. Tất cả những vai mà tôi đảm nhiệm, diễn đạt đều là những "đứa con" mà tôi "đẻ" ra, mong rằng nó luôn là những vai diễn được khán giả yêu mến. Chứ chưa bao giờ đặt nặng vấn đề rằng đó là vai diễn đã làm nên tên tuổi của tôi. Khán giả biết tên Kim Tử Long không phải là một diễn viên nổi danh qua một vai diễn mà khán giả biết đến Long là một diễn viên đa năng. Kim Tử Long làm được tất cả các vai mà khán giả rất yêu mến vì tôi dám làm những vai diễn mà trước đó các nghệ sĩ gạo cội - kép chánh không dám làm".

Từ năm 1991, Kim Tử Long bắt tay vào dàn dựng lại những vở diễn (trước 1975) mà trước đó các bậc tiền bối, các nghệ sĩ nổi danh một thời trong lĩnh vực cải lương đã từng đảm nhiệm. Với mỗi vở diễn, Kim Tử Long luôn biết rút tỉa kinh nghiệm của mình, kinh nghiệm của các bậc tiền bối để dàn dựng cho mình một vở diễn mới, mang phong cách Kim Tử Long. Tính đến thời điểm hiện tại, Kim Tử Long đã dàn dựng (với vai trò đạo diễn dàn dựng) được hơn 20 vở diễn cho riêng mình, có những vở rất thành công.

Vở mới nhất Kim Tử Long dàn dựng mang tên Má hồng xuân tóc bạc cho kênh truyền hình cáp HTVC phát ngày 2/9 vừa qua. Má hồng xuân tóc bạc là vở kịch thuộc đề tài lịch sử nên rất khó cho người đạo diễn, dàn dựng và cũng khó để lấy lòng khán giả, nhưng Tử Long đã chinh phục được tất cả. "Hy vọng rằng, con đường tôi đang đi, nếu như khán giả yêu thích thì tôi nghĩ mình đang đi đúng con đường đã chọn. Với thành công Má hồng xuân tóc bạc, tôi hy vọng trong tương lai sẽ dựng được nhiều vở lịch sử hơn nữa", anh nói.

Ngoài hát và dàn dựng kịch, Kim Tử Long còn thành lập cho mình một công ty riêng và đã hoạt động được gần 1 năm nay. Đó là Công ty Giải trí Kim Tử Long chuyên tổ chức các sự kiện, hội nghị, dàn dựng các chương trình. Chính vở Má hồng xuân tóc bạc là do công ty mình kết hợp với Đài truyền hình HTVC sản xuất.

Hơn 30 năm theo nghề, Kim Tử Long xứng đáng được ghi nhận là một trong những ngôi sao sân khấu cải lương có nhiều vai diễn để đời: Vai Lục Vân Tiên đã mang về cho anh HCV triển vọng Trần Hữu Trang năm 1992. Vai Nhân trong vở Đôi bờ tham gia Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2003 đã giúp anh đoạt HCB. Vai Thi Sách trong vở Tiếng trống Mê Linh và vai Lục Vân Tiên trong vở Lục Vân Tiên đã giúp anh đoạt Giải Mai Vàng các năm 2002, 2003. Năm 2005, Kim Tử Long được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.       

Xuất xứ một cái tên

Nam nghệ sĩ Kim Tử Long tên thật là Hoàng Kim Long, sinh ngày 17/10 /1966 tại Sài Gòn. Thân phụ của anh là ông Hoàng Sinh, than mẫu là bà Châu Thanh Nguyên. Trong thời gian theo học, anh được thầy mình là NSND Phùng Há đặt cho nghệ danh Kim Tử Long với ước muốn sau này tài năng của anh sẽ bay cao, bay xa như rồng thiêng bất tử. Kim Tử Long để lại trong lòng khán giả bằng những vai diễn tuồng cổ như công tử, những võ tướng, hoặc những vai vua chúa. Với vai diễn xã hội thì là anh nông dân hiền lành chất phác, hay chàng trai khờ khạo trong những cuộc tình.

Theo Người đưa tin.

 

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC