Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chỉ hơn chục km, có một làng cổ đã trải qua hàng nghìn năm nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc của người Thăng Long xưa.
Đó là làng Đăm, xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Khác hẳn cái nhịp sống tấp nập, hối hả của phố thị Cầu Diễn, Nhổn…
Tây Tựu vốn xưa kia gọi là Tây Đăm. Thời vua Lê Thánh Tông (1573 - 1600) đổi tên là Tây Đam, thời Nguyễn (1820- 1840) gọi là Tây Tựu thuộc tổng Tây Đam. Năm 1948, Tây Tựu cùng các xã Phú Diễn, Minh Khai hợp nhất thành liên xã Trung Kiên. Năm 1956, tách Trung Kiên thành 3 xã Minh Khai, Trần Phú (Phú Diễn), Tây Tựu vẫn gọi là Trung Kiên, đến năm 1965 đổi tên xã Trung Kiên thành Tây Tựu…
Dưới mái đình cong vút chạm trổ rồng phượng, lách cách tiếng kéo của ông già 75 tuổi cắt tóc, nhẹ nhàng xua tan khoảng không im lặng. Khách hàng của ông là những người quen trong làng. Lúc rảnh rỗi, ông cầm cây đàn ghita dạo vài bản romantic điệu đà lãng mạn. Tiếng đàn da diết theo làn khói chiều như bám vào cánh cổng cổ nơi có các cụ bà quấn khăn mỏ quạ nhặt rau trước giờ hoàng hôn buông xuống.
Qua cổng làng Đăm phóng tầm mắt nhìn xa là bạt ngàn những ruộng rau, ruộng hoa thuộc hạng quy mô và nổi tiếng nhất của Hà Nội hiện nay. Những cô gái làng hoa Đăm dịu dàng đằm thắm tay thoăn thoắt thu hoạch rau, hoa mỗi độ chiều tà. Rau và hoa Tây Tựu đã rất quen thuộc và nổi tiếng với người dân Hà Nội cũng như cả nước.
Sân đình Đăm luôn rộn tiếng các em học sinh chân trần đá bóng nhựa, bên cạnh là bậc trung niên rèn luyện thể lực với quả bóng chuyền hơi quen thuộc…
Hồn xưa, nét cổ trong nhịp sống, cảnh vật, sinh hoạt như vậy của người dân đã gắn với làng Đăm từ bao đời nay, tạo ấn tượng khó quên mỗi khi khách đến.
TH.