Lật mặt âm mưu đạo nhạcCác ca sĩ Việt ngày càng có nhiều chiêu xào nấu tinh vi, dưới nhiều hình thức như ăn cắp giai điệu bài hát, hoặc viết lại lời Việt gắn mác "sáng tác" tên mình... Nhưng sẽ không đáng nói, nếu như phía sau những nghi án này, không có những âm mưu lừa khán giả.

Khi đạo nhạc là tội

Còn nhớ năm 2007, sau khi ca khúc Tình thôi xót xa bị đào xới bởi dính nghi án đạo nhạc bài hát Nhật Frontier của nữ nhạc sĩ Keiko Matsui, nhạc sĩ Bảo Chấn đã sốc đến độ phải nhập viện. Tình thôi xót xa khi ấy là một trong những làn gió mới, báo hiệu sức sống vừa trỗi dậy trong làng nhạc Việt, nên khi sự việc bị phanh phui, không ít người hâm mộ thất vọng và phẫn nộ.

Trước làn sóng chỉ trích của dư luận, Bảo Chấn suy sụp tinh thần. Ông gọi thời kỳ đó là dở dở ương ương, là cơn chấn động của cuộc đời mình. Sau tai nạn âm nhạc đó, nhạc sĩ viết ít hẳn lại. Vết thương ấy sau nhiều năm, vẫn khó lành trong tinh thần Bảo Chấn bởi đối với một nhạc sĩ tâm huyết với nghề, không có gì xấu hổ hơn tội ăn cắp đứa con tinh thần.

Đời sau Bảo Chấn, nhạc sĩ trẻ Minh Vương sau khi bị tố ca khúc Mưa đạo nhạc ca khúc Hàn Quốc Aitai, đã vô cùng hối hận và chủ động xin rút lại giải thưởng Bài hát được yêu thích nhất tháng 6.2008 trong chương trình Bài hát Việt.

Ngược lại thái độ này, nhạc sĩ Duy Mạnh khi đối diện thông tin cho rằng ca khúc Kiếp đỏ đen của anh đạo bài Srong chet (nhạc Campuchia) đã phẫn nộ tuyên bố: “Hiện tôi có 3 miếng đất ế ở Nhà Bè mãi chưa bán được. Thị trường bất động sản sụt giảm, chắc còn trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Tôi sẽ tặng cả 3 miếng đất đó cho ai đủ chứng cứ nói tôi đạo nhạc, cộng với 1 tỷ đồng như trước đây đã hứa, và... làm ôsin cho họ suốt đời”.

Trong làng nhạc, đạo bậc nhất phải kể đến công chúa bong bóng Bảo Thy. Bài phỏng vấn nào về cô cũng xoay quanh chủ đề đạo nhạc, mặc cho cô gái trẻ nhiều lần giải thích đó là viết lời Việt cho ca khúc nhạc ngoại. Nhập nhằng giữa cover và đạo nhạc, nhiều người quy “công chúa” vào tội ăn cắp, đến mức rất đông cộng đồng yêu nhạc phong cô biệt danh “Nữ hoàng đạo nhạc”. Sau bao năm không thể xóa được cái án oan lơ lửng trên đầu và để tỏ ý tôn trọng khán giả, Bảo Thy bắt tay thực hiện vol.2 – Ký ức của mưa với lời giới thiệu hăm hở: “100% nhạc Việt”.

Lật mặt âm mưu đạo nhạc_0

 Dù có đạo nhạc hay không, thì ở các nghệ sĩ kể trên đều quan niệm đạo nhạc là một tội, là hành vi xem thường bản thân và khán giả. Vì lẽ này, họ rất e ngại và sợ dư luận. Ai phạm tội thì xấu hổ, ai không phạm tội thì giận dữ vì oan ức, ai chỉ mới ngấp nghé bờ vực thôi cũng đã kịp "quay đầu là bờ".

Khi đạo nhạc đã trở thành chiêu

Tuy nhiên, thời thế đã đổi thay. Sống trong môi trường chỉ có hai lựa chọn hoặc nổi tiếng hoặc chết chìm, một vài nghệ sĩ đã chọn con đường liều mạng “được ăn cả, ngã về không”. Vậy nên, vài năm trở lại đây, án đạo nhạc không còn làm ai hoảng sợ, hồn vía thất kinh như trước nữa.

Trong thời buổi mà nghệ sĩ trọng tiếng tăm hơn lòng tự trọng, đạo nhạc không còn là tội, ngược lại, nó trở thành chiêu - dù chiêu còn mới nhưng xem chừng khá hữu hiệu. Để thực hiện chiêu này, người thực hiện cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng, một cái đầu tỉnh táo, biết liều mạng và phớt lờ những chỉ trích gay gắt. Nói gọn lại: cứ đóng bộ dạng ngây thơ là được.

Vì tuyên bố sẽ “sống chết” trong lần trở lại nên việc album tái xuất của Phạm Huy Du dính scandal đạo nhạc đã làm dư luận bán tín bán nghi. Nhiều người đồ rằng, có vẻ cảm thấy chủ đề đồng tính không đủ sức hút, Phạm Huy Du quyết định thêm “lửa” cho album vol.2 bằng việc xào nấu trắng trợn ngay chính ca khúc chủ đề. Và sự liều mạng “sống chết” ấy đã có tác dụng nhanh chóng, ồn ào hơn cả những phát ngôn gây sốc, những scandal tình ái, những pha lộ hàng…

Hãy yêu dù mất nhau ngày sau, đạo 90% ca khúc 1.000 năm sau (ca sĩ Lâm Tuấn Kiệt), vừa mới mon men lộ diện đã nhanh chóng tạo được tiếng tăm, kéo theo tên tuổi chủ nhân của nó lên hàng hot mặc dù Phạm Huy Du đã 3 năm vắng bóng trong làng nghệ. Sau nghi án đạo nhạc ầm ĩ, các bài báo thanh minh của Phạm Huy Du phủ sóng trên báo mạng, ca khúc nghi án leo hàng top.

Lật mặt âm mưu đạo nhạc_1

Trong khi Phạm Huy Du đổ lỗi cho nhạc sĩ, phân trần về sự ngây thơ không biết gì của mình thì chủ nhân ca khúc - nhạc sĩ Y Phong hoàn toàn biến mất, không hề ra mặt đối chất.

Tuy nhiên, trước đó, người viết đã “chộp” được Y Phong trong khi sự việc được phanh phui trên một tờ báo mạng. Đối chất trước sự việc này, nhạc sĩ Y Phong tỏ ra lúng túng và không muốn giải thích, bình luận gì thêm. Sự việc có lẽ êm xuôi, vì công chúng sẽ tạm nghĩ Y Phong đang xấu hổ về hành động ăn cắp của mình nếu anh không nói: “Tôi không thể giải thích bất cứ điều gì vào lúc này. Nó sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ êkíp của tôi. Tôi sẽ về bàn lại với êkíp của mình để có câu trả lời chính thức”. Sau câu trả lời nước đôi, Y Phong lặng lẽ biến mất tăm, để lại một gia tài âm nhạc vỏn vẹn chỉ 2 ca khúc đều là hàng đạo cho Phạm Huy Du (Xuân hạ thu đông và Hãy yêu dù mất nhau ngày sau).

Bàn về sự ngây thơ của Phạm Huy Du và êkíp. Trước đó gần nửa năm, đáng lẽ album của Phạm Huy Du đã ra mắt theo dự kiến nhưng rồi dự án đành tạm ngưng khi Sở VH-TT&DL quyết định rút giấy phép phát hành bởi phát hiện ca khúc Xuân hạ thu đông của Y Phong có mặt trong album là hàng đạo. Sau thời gian tìm bài thay thế, album vẫn tiếp tục mắc lỗi, thậm chí còn rất dũng cảm nhân đôi ca khúc đạo nhạc thành hai bài, chứ không dừng lại ở một bài như trước nữa.

Có vẻ Phạm Huy Du và toàn bộ nhân lực đứng sau không hề tìm hiểu, nghi ngờ hay kiểm định các sản phẩm của nhạc sĩ trẻ mang tên Y Phong. Không lẽ từng ấy con người không ai biết rằng mình đang đầu tư cho một sản phẩm ăn cắp từ một ca khúc rất nổi tiếng?

Liên kết tất cả sự việc, có thể thấy, Y Phong chỉ là một con cờ trong vụ việc này. Có thông tin cho rằng, anh chỉ là người làm trong gia đình của Phạm Huy Du và ca khúc đó do chính nam ca sĩ viết lời Việt chứ không ai khác. Như vậy, Y Phong chỉ là kẻ đứng ra chịu sào khi quyết định làm "ngôi sao chỉ sáng một lần".

Phía sau Y Phong là cả một đội ngũ đã dày công tính toán cho sự trở lại của một ngôi sao khác, bằng mọi cách để sáng càng lâu càng tốt. Như vậy, trong vụ việc này, chẳng có chuyện Phạm Huy Du bị lừa mà chính là khán giả đang bị lừa vào một âm mưu mới vừa được "khai quật" trong làng nhạc.

Lật mặt âm mưu đạo nhạc_2

Trường hợp này cũng tương tự như “âm mưu” đạo nhạc của Cao Thái Sơn vào năm 2009. Khi ca khúc Mùa thu vắng em (tác giả Như Hồng) trong album Con đường mưa bị phát hiện đã “đạo” 100% ca khúc Marionette của Ayumi Hamasaki, Cao Thái Sơn đã ngây thơ trả lời: “Tôi hoàn toàn không biết. Đây là điều rủi ro, không may mắn cho tôi khi không kiểm tra kỹ những thông tin về ca khúc trước khi đưa nó vào album của mình”.

Thật ngạc nhiên, một người có nhiều năm trong nghề như Cao Thái Sơn, luôn miệng lên tiếng sẽ chăm chút hình ảnh, sản phẩm để tỏ ý tôn trọng khán giả, lẽ nào cẩu thả đến độ cầm nhầm một ca khúc của nữ hoàng nhạc pop Nhật Bản nổi tiếng? Sau bao lần hứa sẽ điều tra ngọn ngành, cuối cùng Cao Thái Sơn "đem con bỏ chợ" khi tuyên bố: không liên lạc được với tác giả Như Hồng nữa vì người đó đã về tỉnh.

Mới đây, cũng lại trong một album tái xuất của ca sĩ Uyên Trang, bắt gặp một ca khúc dính nghi án đạo. Theo xác nhận của nhạc sĩ Trương Lê Sơn, ca khúc Một lần yêu, sáng tác của Phúc Trường có phần hòa âm giống toàn bộ ca khúc Rồi một ngày của anh. Đó là chưa kể tiết tấu đoạn A cũng hoàn toàn là sao chép.

Liên lạc với nhạc sĩ Phúc Trường, anh từ chối trả lời về câu hỏi này. Trong câu chuyện với chúng tôi, ban đầu nhạc sĩ khẳng định không biết ca khúc Rồi một ngày. Nhưng sau đó, khi buộc phải trả lời trước thông tin xác nhận giống nhau của Trương Lê Sơn, Phúc Trường hớ hênh khi cho rằng, anh sáng tác ca khúc này còn trước cả Trương Lê Sơn.

Kết thúc câu chuyện, nhạc sĩ Phúc Trường cho biết, vì mọi giải thích của anh sẽ làm ảnh hưởng đến êkíp, từ bộ phận phòng thu đến ca sĩ Uyên Trang nên anh tạm thời không trả lời mà để về... bàn tính lại. Đại diện ca sĩ Uyên Trang sau khi biết thông tin, hứa phản hồi nhưng rồi cũng "im thin thít và lặn mất tăm".

Lật mặt âm mưu đạo nhạc_3

Riêng nhạc sĩ Trương Lê Sơn chỉ khẳng định một câu: “Tôi biết tại sao có sự giống nhau này. Nhưng tôi chẳng muốn truy cứu. Nó chẳng đáng. Khán giả sẽ tự cảm nhận được”. Cảm nhận cái hay dở thì dễ rồi, nhưng khán giả sẽ chẳng dễ hiểu vì sao một ca khúc đạo nhạc rõ ràng như thế mà chính chủ nhân lại làm ngơ cho qua?

Có thể nói, đây là vụ đạo nhạc quốc nội lần đầu tiên trong làng nhạc Việt, lại xảy ra với một nhạc sĩ có tiếng. Kỳ lạ hơn bởi đây là vụ đạo mà không xảy ra bất cứ tranh chấp nào. Trương Lê Sơn nói: “So sánh tên tuổi tôi và Phúc Trường, mọi người sẽ tự hiểu ai cố tình tạo scandal?”. Như vậy, có lẽ vì biết có âm mưu tạo scandal trong nghi án cố tình đạo nhạc này nên Trương lê Sơn cho qua, không muốn cái tên mình trở thành bàn đạp cho những kẻ liều mạng, muốn vươn lên bằng mọi thủ đoạn?

Đạo nhạc là hành vi đáng lên án trong làng nhạc, cố tình đạo để gây chú ý còn đáng chỉ trích hơn. Những “con sâu” lười lao động hoành hành trong “nồi canh” nhạc Việt đã quá đủ cho một đời sống âm nhạc đang bát nháo. Với những “con sâu” bất chấp, nhiều quỷ kế, âm nhạc Việt Nam sẽ ra sao?

Cuối cùng, xin nhắc lại điều mà các nghệ sĩ chân chính luôn nói: Giá trị văn hóa nào cũng sẽ được kiểm chứng bởi thời gian, chỉ có lao động nghệ thuật nghiêm túc mới tạo được tiếng vang mãi mãi. Với những chiêu kiểu mới, cho dù các ca sĩ có quyết tâm thành "sao" thế nào mà không chịu rèn luyện chuyên môn, kết quả tất yếu họ cũng sẽ là một ngôi sao... xẹt, chết yểu như chính ca khúc mà họ cố tình đạo nhạc kia.

Theo Xzone.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC