"Ở cuộc thi Giọng hát Việt, quan trọng là giọng hát hay hay dở, chứ không phải là hát cái gì" - Ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Giám khảo Giọng hát Việt 2012 phát biểu.
Hồ Ngọc Hà thật vô cùng chí lý. Thậm chí nếu cô ấy không xinh đẹp đến như vậy thì vẫn chí lý như thường.
Phát biểu của Hồ Ngọc Hà như trên đúng vô cùng. Đúng vì đầu tiên cô ấy xinh đẹp. Người đẹp nói gì mà chả là chân lý. Mà chả cần nói, chỉ cần cười, chỉ cần nghiêng đầu hay liếc mắt cũng chả ai dám cãi rồi.
Cá nhân tôi, nếu gặp Hà, cô chỉ con gà bảo đấy là vịt, tôi cũng vội vã tin ngay.
Đúng tiếp theo do Hà đang làm giám khảo. Trên đời này có 3 dạng người: trọng tài đá bóng, quan tòa và giám khảo đã nói thì chả khi nào sai được. Chả tin cứ tới pháp đình, đã thấy đứa nào cãi quan tòa sau đó thoát tội chưa?
Đúng thứ ba là do Hà là ca sĩ. Ai mà không biết ca sĩ chả phải dân thường. Đặc biệt là ca sĩ ngôi sao. Cả nước chỉ có vài người, cả cuộc thi chọn được có 4 vị, đâu phải tự dưng mà được. Ví dụ nổi tiếng như Củng Lợi hay Rô nan đô thử xin vào đấy xem có được không. Chắc chắn không! Thậm chí xin thi còn chưa được nói gì xin chấm.
Nhưng điều quan trọng nhất khiến Hà nói đúng là nội dung các “nhạc phẩm” hiện nay có gì để chú ý, để quan tâm nào? Nhắm mắt, nhắm tai, nhắm mũi cũng biết chỉ bao gồm: anh yêu em, em yêu anh, anh yêu em mà em có chồng, em yêu anh mà anh đã đi xa (chả bao giờ tiết lộ đi đâu), anh yêu em mà chúng ta xa cách (chả bao giờ hiểu xa tới cỡ nào), hoặc em yêu anh sao anh không biết, hay có biết cũng lờ đi. Nếu sâu sắc hơn nữa, thì anh yêu mà trái tim buốt giá, em yêu mà cả tim cả gan cả dạ dày đều tan nát. Anh yêu trong cô đơn, em yêu trong lạnh lùng hoặc cao lắm là trong bão tố. Cứ loanh quanh như thế, xào đi xào lại như đĩa rau muống xào trên chảo mỡ.
Các bản nhạc chỉ cho mọi người hiểu tình yêu là đau khổ, là tuyệt vọng, là chết từng giai đoạn hay chết cả cuộc đời chứ không hề có nội dung gì khác. Ví dụ bạn muốn mua xăng, sẽ không có bài hát nào chỉ ra cây xăng ở đâu bán rẻ. Ví dụ bạn bị kẹt xe, chả nhạc phẩm nào cho biết mấy phút nữa thì hết kẹt. Còn nếu bạn phải vào bệnh viện, âm nhạc cũng chả giúp cho biết phải tới bác sĩ nào và mua thuốc ở đâu sẽ không quá đắt. Còn biết bao những bức xúc trong cuộc sống mà âm nhạc không thể chỉ ra. Nào giữ xe quá giá, nào trái cây nhiễm độc, nào người mẫu lộ hàng… Tuyệt nhiên chả thấy các nhạc sĩ đả động. Đừng nói chuyện của kẻ khác, chuyện của chính mình cũng chả thấy giới sáng tác đưa vào lời ca. Album không được cấp phép, bài hát bị chôm hay tiền cát sê bị bầu sô ăn chặn cũng chả thấy ai đưa vào giai điệu.
Nói tóm lại âm nhạc hoàn toàn chả có thông tin, chả hề thông báo, cảnh báo hoặc kính báo điều gì cho khán giả. Nghe hát chả ai giật mình, chả ai toát mồ hôi, chả ai xem lại túi tiền hoặc quyết định thi đại học nên vào khoa nào, trường nào cả. Vậy thì hát gì mà chả được, hát với ai chả được, hát chỗ nào chả được, có gì khác lạ đâu, miễn có giọng và miễn dám hát. Có ai giao nhiệm vụ gì cho mình đâu mà mình phải hoàn thành một cách vẻ vang?
Theo Duyên dáng Việt Nam.