Lễ hội của trà, hoa và tranh thêu nghệ thuậtDự án "Không gian nghệ thuật Thành cổ" tại khu di tích Hậu Lâu (thuộc Khu di tích Thành cổ Hà Nội) đã được UBND TP phê duyệt với kỳ vọng dựng lên một không gian đặc sắc, muôn màu, đậm chất thi ca cho đất và người Hà Nội trong dịp Đại lễ nghìn năm tuổi.

Đây sẽ là một lễ hội hào hoa và hoành tráng của trà, hoa và tranh thêu tay nghệ thuật. Đặc biệt là sự hiện diện của bức tranh thêu khổng lồ “Ước nguyện ngàn năm Thăng Long” mà các nghệ nhân đã kỳ công thêu trong 4 năm trời để làm quà mừng sinh nhật 1000 tuổi của đất Thăng Long.

Dự án chính thức bắt đầu từ 1/5/2010 đến 30/10/2010. Các phần trưng bày được thiết kế sang trọng trải ra trên diện tích khoảng 10.000m2 với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng (nguồn vốn xã hội hóa). Thế nên hiện giờ một phần khuôn viên trước di tích Hậu Lâu đã được Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành Cổ bàn giao cho Công ty XQ Việt Nam để các nghệ nhân bắt tay khởi động dự án. Từ đây những không gian trà, hoa, tranh cùng những góc âm nhạc truyền thống sẽ dần thành hình. Bởi “Không gian nghệ thuật Thành cổ” sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ 1/5 đến hết tháng 7/2010, là thời gian mà Công ty XQ Việt Nam thiết kế không gian cho Lễ hội hoa. Theo ông Võ Văn Quân, người sáng lập Công ty XQ, từ giờ cho đến ngày khai mạc Lễ hội hoa (tháng 7), công ty sẽ thiết kế vườn hoa, sau đó vận chuyển hoa (chủ yếu là hoa lan với nhiều chủng loại) từ Đà Lạt về Hà Nội để chăm sóc. Các loại hoa sẽ được chọn lựa kỹ, lại phải tính toán thời gian và cách thức chăm sóc sao cho hoa nở đúng khoảng thời gian khai mạc lễ hội. Khu vực trong nhà sẽ là nơi trưng bày 12 tác phẩm tranh thêu tay độc đáo nhất Việt Nam, những bức thêu đã được ghi vào kỷ lục Guiness. Giữa không gian của muôn loài hoa là một sân khấu nhỏ được dựng lên để các nghệ sỹ chơi nhạc cụ dân tộc. Lễ hội của hoa, của âm nhạc, của nghệ thuật tranh thêu tay, vì thế sẽ rất lãng mạn. Không quá kỳ vọng nhưng với những sản phẩm mà các nghệ nhân XQ đã từng cho ra mắt công chúng, có thể tin tưởng vào sức hút mà không gian lễ hội này sẽ mang đến. Bởi ở đây, ngoài những vườn hoa tươi được bài trí theo các chủ đề hướng về cội nguồn, hướng về Thăng Long - Hà Nội, nhà tổ chức còn sắp đặt những bàn trà nhỏ để khách đến chơi vừa nhâm nhi chén trà vừa trò chuyện, lắng nghe những ca khúc đậm chất dân tộc, ngắm hoa và thưởng thức những tác phẩm tranh thêu tay đặc sắc. Hơn nữa, người xem có thể thoải mái vào đây thưởng ngoạn mà không phải mua vé – điều ấy thêm phần khẳng định cái ý tưởng vì nghệ thuật mà các nghệ nhân muốn đem về Hà thành ngày Đại lễ.

Còn giai đoạn thứ 2 của dự án lại là góc lễ hội dành cho riêng cho món quà tặng khổng lồ với tên gọi “Các nghệ nhân thêu phương Nam dâng tặng Đại lễ tác phẩm “Ước nguyện ngàn năm Thăng Long””. Giai đoạn này cũng song hành khởi động với giai đoạn 1 của dự án từ 1/5, song kéo dài đến tận tháng 10/2010. Bức tranh thêu có chiều dài 4m, rộng 3m, khi hoàn tất có trọng lượng 167,5kg, trong đó chỉ tính riêng số chỉ thêu được sử dụng đã nặng tới 12kg. Theo tính toán, những chỉ số về kích thước và trọng lượng này khi kết hợp lại trong một phép nhân sẽ cho kết quả 2010 (4 x 3 x 167,5 = 2010), con số trùng với năm Thăng Long - Hà Nội tròn nghìn tuổi. Để phác thảo bức tranh thêu, Công ty XQ đã cử 6 họa sĩ đến Hà Nội vào đầu năm 2006. Trong bốn tháng liền, họ đã đến nhiều nơi ở Thủ đô lấy cảm hứng để phác thảo bức tranh thêu kỷ lục. Và 9 nghệ nhân thêu XQ đã kỳ công từ suốt từ năm 2006 đến giờ để hoàn thành món quà ý nghĩa này. Tác phẩm sẽ được các nghệ nhân rước từ Đà Lạt qua TP HCM và các tỉnh, thành miền Trung để tặng Hà Nội vào tháng 10/2010.

Không ít người băn khoăn lo ngại di tích Hậu Lâu sẽ phải “hứng chịu” một vài tác động khi người ta lắp đặt tạo không gian lễ hội. Song ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ khẳng định: “Chúng tôi bảo đảm sẽ không có sự can thiệp thô bạo nào khiến không gian di tích bị phá vỡ. Trong quá trình sắp xếp không gian, lắp đặt trang thiết bị để thực hiện Lễ hội hoa, Công ty XQ sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Ban quản lý di tích. Những vật liệu dùng để lắp ghép, tạo không gian nghệ thuật phù hợp với lễ hội được làm bằng vật liệu dễ tháo dỡ, tiện cho việc di chuyển, ví dụ như gỗ hoặc vật liệu giả gỗ”.

“Không gian nghệ thuật Thành cổ” đã bắt đầu khởi động với tràn đầy niềm hứng khởi của các nghệ nhân tranh thêu tay, cũng như niềm mong đợi của công chúng. Không gian này sẽ làm khu di tích đang được đề cử là Di sản văn hóa thế giới - Thành cổ Hà Nội – thềm phần hấp dẫn và ý nghĩa trong ngày Đại lễ.

Theo KTDT.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC