Linh hồn hội Gióng Bốn ông hiệu tại lễ hội Thánh Gióng tượng trưng cho sức mạnh của Phù Đổng Thiên Vương, là nhân vật trung tâm, là linh hồn của hội Gióng. Vào vai ông hiệu là mơ ước của cả đời người, là vinh dự của mọi gia đình nơi quê hương Thánh Gióng. Hội Gióng chỉ mở vài ngày, nhưng nhiều người dân Phù Đổng phấn đấu cả đời để có cơ hội trở thành những ông hiệu. Đó là một nét đẹp cần được bảo tồn.

Những ngày đầu tháng hai âm lịch, từ trên triền đê sông Đuống, phía trong đê là đền thờ Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương, nhìn ra phía ngoài đê, thấy xa xa, những vạt ngô đang lên xanh non. Đứng giữa những bãi đất, nơi sẽ diễn ra hội Gióng, ông Nguyễn Văn Hiền bồi hồi nhớ lại thời trai trẻ. Vẫn đền thờ Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương, vẫn những bãi Đống Đàm, bãi Soi Bia đấy, hàng ngày thân thuộc là thế, thậm chí hồi bé còn đùa nghịch ngay trước cửa đền, nhưng đến quãng thời gian này, cứ đi ngang qua, trai tráng lớn lên ở tổng Phù Đổng cũ ai cũng hồi hộp... Ấy là vì tổng Phù Đổng xưa có bốn làng: Phù Đổng, Đổng Viên, Phù Dực, Đổng Xuyên, khi vào hội Gióng, một làng chỉ chọn một người đóng vai “ông hiệu”. Nói như người dân vùng này, là được “đi hiệu”, được phục vụ Đức Thánh. Vào vai những ông hiệu, nhất là làm ông hiệu múa cờ lệnh uy nghi hùng dũng với đoàn quân hàng trăm người hộ vệ là mơ ước của mọi người đàn ông trên quê hương Thánh Gióng. Mơ ước ấy bắt đầu từ thuở bé, khi theo bố mẹ đi hội. Gia đình, họ tộc nào có thanh niên được vào vai ông hiệu, đều thấy tự hào. Cứ quãng cuối tháng hai âm lịch, các cụ bốn làng sẽ họp để chọn ra bốn người đi hiệu. Càng gần hội, những bãi Đống Đàm, Soi Bia, con đê diễn ra đám rước bỗng trở nên thiêng liêng đến lạ, mỗi lần đi qua, những chàng trai Phù Đổng lại thầm ước mình được đi hiệu hiên ngang giữa vạn người...

Ông Nguyễn Văn Hiền là người làng Đổng Xuyên, xưa thuộc tổng Phù Đổng. Nay, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chỉ còn ba thôn của tổng Phù Đổng cũ, Đổng Xuyên tách về xã Đặng Xá. Nhưng hội vẫn giữ nếp xưa, lấy người của bốn làng làm bốn ông hiệu, gồm: hiệu cờ, hiệu trống, hiệu chiêng, hiệu trung quân. Ông Hiền là người hiếm hoi có hai lần đi hiệu, cả hai lần ông đều vào vai hiệu cờ - vai diễn tượng trưng cho sức mạnh của Đức Thánh Gióng. Là người tổng Phù Đổng, đã bao lần xem hội, nhưng khi được đi hiệu, ông Hiền vẫn cảm thấy bất ngờ về những quy định ngặt nghèo mà người vào vai ông hiệu phải trải qua. Để được chọn làm ông hiệu, phải là thành viên trong những gia đình có uy tín, có đạo đức. Hầu như năm nào cũng có nhiều người xung phong đi hiệu. Khi có nhiều thanh niên đạt tiêu chuẩn lọt vào “chung khảo”, thì các cụ phải tổ chức bốc thăm. Sau khi trải qua cuộc bình chọn gắt gao như thế, bắt đầu từ ngày 20 tháng ba âm lịch, người vào vai ông hiệu phải ở một phòng riêng trong nhà, không được giao tiếp trực tiếp với ai. Ngay cả khi muốn giao tiếp với bố mẹ, ông hiệu chỉ được phép nói thông qua người phục vụ riêng. Nếu người vào vai ông hiệu đã lập gia đình, thời gian đó, chuyện chăn gối càng cấm kỵ. Trong suốt nửa tháng, việc duy nhất ông hiệu làm là cùng thầy luyện tập. Thầy dạy là người từng đi hiệu, được gia đình mời về hướng dẫn. Ông Hiền nhớ lại: “Lần đầu tôi đi hiệu là năm 1987. Lá cờ lệnh các cụ truyền lại rộng 0,35 mét, nhưng dài tới 9 vuông vải (khoảng bốn mét). Lá cờ nhỏ, dài, nên múa cờ giữa bãi đất mênh mông gió lộng là điều cực kỳ khó. Không những thế, cả vạn người trông vào màn múa với niềm tin múa đẹp thì Đức Thánh phù hộ. Được vào vai hiệu cờ, cả họ mừng, nhưng cũng rất lo. Nếu để cuốn cờ, người dân cả vùng cho rằng năm đó mọi người sẽ làm ăn thất bát, chẳng những ông hiệu mà cả gia đình họ hàng đều tự thấy xấu hổ. Đã đi hiệu, ai ai cũng luyện tập công phu để có những màn biểu diễn tuyệt vời nhất”. Thế nên, đến giờ, ngoài hai lần đi hiệu, ông Hiền còn có gần chục lần được mời đi dạy các ông hiệu thành công. Tiếng tăm của thầy hiệu cờ Nguyễn Văn Hiền nổi tiếng cả vùng.

Hàng năm, ngày lễ chính của hội Gióng được tổ chức vào mùng 9 tháng tư âm lịch. Cứ 5 năm thì hội được tổ chức lớn, gọi là hội chính. Những năm khác, gọi là hội lệ. Sau những màn tập luyện kỹ càng của các ông hiệu, ngày mùng 9 tháng tư, bốn ông hiệu được rước long trọng từ đền thờ Đức Thánh ra nơi diễn ra “chiến trận”. Ông hiệu trống – ông hiệu chiêng tượng trưng cho hai cánh quân, tả và hữu, hiệu trung quân tượng trưng cho quân triều đình (năm hội chính còn có thêm hai ông hiệu tiểu cổ). Nhưng quan trọng nhất, được chờ đợi nhất là màn trình diễn của ông hiệu cờ. Động tác đánh trống, đánh chiêng, động tác của đoàn quân phù giá (quân của Thánh Gióng) đều được biến thể từ những động tác võ thuật cực kỳ đẹp mắt. Ông hiệu cờ phải múa cờ tại hai “chiến trường” là bãi Đống Đàm, bãi Soi Bia (gọi là đánh ba ván cờ thuận và đánh ba ván cờ nghịch). Mọi con mắt đều đổ dồn về ông hiệu cờ, đường đi của lá cờ hợp thành chữ “lệnh” trong tiếng Hán cổ với vũ đạo mạnh mẽ mà đẹp mắt. Vừa múa, ông hiệu cờ vừa đá tung những chiếc bát úp, tượng trưng cho sức mạnh dời núi, đạp mây của Đức Thánh. Năm hội chính, có hơn 1000 người tham gia màn diễn xướng. Riêng mỗi ông hiệu có 30 người hộ vệ, dẹp đường. Đoàn quân của Thánh Gióng gồm quân phù giá có 120 trai tráng khoẻ mạnh cởi trần đóng khố, các phường áo đỏ, áo đen (tượng trưng cho quân địa phương), phường Ải Lao (lực lượng dân binh), mỗi phường có tới vài chục người... Mỗi khi nghe lệnh, cả đoàn quân hò reo dậy đất. Lực lượng phía 'quân giặc' hùng hậu không kém, 28 bé gái được vào vai 28 tướng giặc, gọi là cô tướng. Mỗi cô tướng có một đoàn rước khoảng 20 người. Tại 'chiến trường', sau khi ông hiệu múa cờ lệnh, kiệu các 'cô tướng' được khiêng quay đầu, tượng trưng cho sự thất bại. Năm hội lệ, dù không có sự hiện diện của tướng giặc và giản lược bớt màn múa, số người tham gia diễn xướng cũng lên tới vài trăm. Đám rước và chiến trận diễn ra trên một không gian rộng từ đền thờ Đức Thánh đến các bãi “chiến trường” tạo nên cảnh tượng vô cùng hoành tráng.

Năm 2010, lễ hội Gióng ở Phù Đổng và Đền Sóc đã được UNESCO cộng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Điều mà UNESCO đánh giá rất cao về di sản Hội Gióng chính là tính cộng đồng. Cộng đồng là chủ thể và là những người đã gìn giữ hội Gióng qua hàng ngàn năm. Nhưng điều gì khiến bao năm trôi qua, dấu ấn của đô thị hóa, của kinh tế thị trường không thể len lách vào trong phong tục nơi đây? Điều gì khiến người dân vẫn giữ nguyên khát vọng được tham gia lễ hội như thủa ban đầu?

Cùng những bậc cao niên trên quê hương Đức Thánh ôn lại những chuyện xưa, chuyện nay về lễ hội, chúng tôi nhận ra một điều rằng: Những người từng đi hiệu thường là những người thành đạt, đặc biệt hơn, gần như tất cả họ, sau khi trở về từ lễ hội đều trở thành những tấm gương mẫu mực để mọi người trong thôn, xã noi theo. Người ở tổng Phù Đổng bảo rằng, khi đã đi hiệu, ông hiệu là người của Đức Thánh. Vì thế, trở về sau lễ hội, ông hiệu càng phải phấn đấu giữ chữ “đức”, để gìn giữ sự linh thiêng của Đức Thánh, đồng thời, để lại tiếng tăm với xóm làng. Cứ thế, đời nọ nối đời kia, cái quan niệm “phục vụ Đức Thánh” chỉ là cái vỏ ngoài, còn gốc rễ để được mọi người tôn trọng là cách đối nhân xử thế của người từng đi hiệu. Truyền thuyết Thánh Gióng, giá trị cốt lõi chính là chữ ‘tâm”, chữ “đức”, đã trở thành tâm nguyện của mọi người, mọi nhà ở quê hương Phù Đổng. Ông Đinh Minh Tỉnh, Phó Ban Thường trực Khu Di tích đền Phù Đổng kể rằng: Có những thanh niên 17, 18 tuổi, chưa thực sự chín chắn, đôi khi còn ăn nói ngỗ ngược, nhưng nhờ gia đình nề nếp, nên có thể dân làng vẫn cho đi hiệu. Sau khi đi hiệu về, cậu nào cũng ngoan ngoãn, gương mẫu trong hành vi, trong ứng xử với người nhà, với hàng xóm.

Dù ai cũng khát khao một lần được vào vai ông hiệu, nhưng trên mảnh đất quê hương Phù Đổng Thiên Vương, có năm việc chọn ông hiệu gặp nhiều khó khăn. Thậm chí các cụ trong làng cùng các ban, ngành, đoàn thể phải đi vận động mãi mới tìm được người vào vai ông hiệu. Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hiền, chúng tôi được biết, ông đi hiệu lần thứ hai cách đây vài năm, khi đã khá cao tuổi, trong một lần làng Đổng Xuyên không tìm được ông hiệu. Tiếc rằng, nguyên nhân không phải ở phạm trù đạo đức, mà lại liên quan đến yếu tố kinh tế. Ông Hiền tâm sự: “Năm đó làm ăn kém, làng không ai dám đi hiệu, tôi đã khá cao tuổi nhưng vì trách nhiệm chung nên nhận vào vai ông hiệu”. Mỗi ông hiệu luôn có một “đạo quân” 30 người hộ vệ, dẹp đường. Để đám rước diễn ra uy nghiêm, long trọng, không chỉ ông hiệu mà cả mấy chục người như thế cũng phải luyện tập kỹ càng. Ông Đinh Minh Tỉnh cho biết: “Mỗi buổi tập, ít nhất nhà ông hiệu cũng phải lo ba, bốn mâm cơm. Từ lúc luyện tập đến lúc hội tan là quãng nửa tháng, gia đình ông hiệu phải chi một khoản tiền đáng kể. Khi vào hội, theo tục lệ từ xưa thì gia đình ông hiệu phải làm vài chục mâm cỗ mời họ hàng, làng xóm để khao cái vinh dự này. Thế nên năm nào làm ăn không thuận, không phải gia đình nào cũng dám đảm nhận…”. Vài năm trở lại đây, các cụ trong Ban Quản lý Di tích có một sáng kiến là vận động nhân dân trong làng quyên góp hỗ trợ gia đình các ông hiệu. Tuy nhiên, tổng cộng một lần hỗ trợ không quá bốn triệu đồng, trong khi đó, nhà có người đi hiệu chi phí khoảng 50-60 triệu đồng, số tiền hỗ trợ chẳng thấm tháp vào đâu. Để được đi hiệu, phải là gia đình khá giả. Không thể phủ nhận yếu tố này có tác dụng khiến mọi người phấn đấu làm ăn hơn. Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, vấn đề kinh tế đã phần nào khiến nhiều trai tráng trong tổng Phù Đổng cũ, dù đạt nhiều chuẩn mực về đạo đức, nhưng lại lỡ mất cơ hội vào vai ông hiệu. Dân làng truyền rằng, thủa xa xưa, có gia đình đã sạt nghiệp vì các chức dịch trong làng ép làm ông hiệu, do không chọn được người…

Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, vấn đề bảo tồn, phát huy Hội Gióng càng trở nên quan trọng. Hội Gióng là sản phẩm của cộng đồng, nên để cộng đồng mãi là chủ thể. Việc can thiệp của các ngành chức năng là cần thiết, nhưng phải có nghiên cứu, chọn lựa kỹ càng nên can thiệp ở những phần việc gì. Khi can thiệp, nhất thiết phải được đông đảo nhân dân thông qua. Năm 2011 này, năm đầu tiên hội Gióng ở Phù Đổng và đền Sóc được tổ chức sau khi được công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, nhân dân Phù Đổng và các làng lân cận đã xin phép được mở hội chính. Hội chỉ mở vài ngày, nhưng nhiều người dân phấn đấu cả đời để có cơ hội được tham gia biểu diễn trong lễ hội, được trở thành những ông hiệu. Đó là một nét đẹp hiếm có cần được bảo tồn.

TH.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC