Trước nhà ông nội tôi có cái ao to. Ao hình chữ nhật, chiều dài bám theo mép đường làng. Tên là ao Bồ Quân, có người gọi là Bù Quân. Bồ Quân hay Bù Quân đều được cả, gọi gì thì nó vẫn là cái ao của làng.
Nếu là mắt Bồ Quân thì đúng là con mắt đẹp, hình quả bồ quân to và sáng, má bồ quân đỏ hồng. Còn Bù Quân nghĩa cái đấu đong quân thì đó là cái đấu to, đựng được rất nhiều quân sau mỗi lần đong.
Mấy chục năm trước, nước ao trong veo long lanh như mắt thiếu nữ. Bèo tây xanh mơn mởn bám quanh như đường viền kẻ đậm quanh mắt, khiến vẻ đẹp mắt ao càng trở nên xao xuyến. Sáng sáng người làng kéo nhau ra giặt quần áo chăn chiếu, mặt nước sóng sánh e thẹn chớp liên hồi.
Chẳng ai bảo nhưng từ lâu tôi thấy tất cả các ao đều giống con mắt người. Vì sao ư? Chẳng phải nó nhìn thấu cả trời xanh kia. Ao hồ nào chẳng chứa trời xanh trong nó.
Từ đôi mắt thiếu nữ ngây thơ, bốn năm mươi năm sau những con mắt ao hồ ấy cũng giống con người, già đi theo thời gian. Ao cũng đau mắt hột, lông quặm rác rưởi lua tua. Con mắt ao nhỏ đi vì bị đổ đất, lấn chiếm đến hai phần ba, sụp xuống, bầu trời không còn đọng trong con mắt mờ đục màu nước gạo bị ô nhiễm ấy nữa.
Làng còn nhiều ao nhỏ khác: Ao Hồng xinh xắn tròn như mắt nai, ao Dài giống hình chiếc bumerien của thổ dân Úc. Càng nhỏ bé càng dễ bị bắt nạt nên chỉ mấy năm sau mở cửa, ao Hồng bị san lấp làm nền nhà, ao Dài bị chém mất một nửa đem bán cũng để làm nhà. Phần còn lại ủy ban xã cho nốt xóm làm “nhà văn hóa”. Thôn có ba con mắt thì mù chột hai, con mắt cuối cùng là ao Bồ Quân chung của cả làng cũng đau nặng.
Ngôi đình của thôn cũng hẩm hiu. Tả hữu mạc, nơi thờ hậu bị xắt ra để chia. Tên thôn là Hiệp Phù thì đổi, đánh thành số 9. Giếng bán nguyệt xinh xắn nhất cũng bị chôn lấp. Suýt nữa cũng thành đất nền nhà nếu không có các cụ tiên chỉ kiện lên kiện xuống giữ lại.
Cây muỗm cổ thụ gốc to hai ba người ôm, lá dày và xanh đen, cành cao vươn tới trời xanh lồng lộng, dưới gốc thờ hòn đá có tên mỏ Quặm, bị chặt sớm hơn nữa.
Tôi là đứa con xa quê, hằng năm mới đảo về đôi lần nên thấy rõ những biến đổi đến đau lòng không gian làng. Người làng chắc không thấy điều đó, bởi họ bận bịu với cuộc sống riêng, mảnh trời riêng. Mở cửa, đồng tiền lên ngôi, người ta mở mang bầu trời riêng mà quên đi bầu trời chung.
Theo Tiềnphong.