'Nghệ thuật không có quy luật nào hết ngoài quy luật của tình cảm. Nếu nó chạm đến tình cảm của con người, như thế là đủ. Thứ nhất là tôi ngu, thứ hai là tôi yêu nhạc Trịnh một cách bản năng vì thế đừng bắt tôi phân tích. Hãy nghe đi, hãy cảm đi và như thế là đủ', MC nổi tiếng Nguyễn Hữu Chiến Thắng có những chia sẻ khá thú vị về tình yêu của mình dành cho nhạc của Trịnh Công Sơn.
- Theo cảm nhận của anh, nhạc Trịnh có phải là một loại nhạc khó hiểu?
Tôi không nghĩ như vậy. Có điều bạn có chịu hiểu nó hay không. Bởi nhạc của ông có rất nhiều tầng. Tùy vào cuộc sống, cách suy nghĩ của từng người sẽ hiểu nhạc Trịnh theo cách khác nhau. Vấn đề còn lại là anh có chịu mở lòng để hiểu, để soi mình vào trong nhạc của ông hay không chứ không phải nhạc của ông quá khó hiểu.
Bằng chứng là từ năm tôi 12 tuổi, nghe ké nhạc ông Trịnh Công Sơn qua những tấm băng cát-xét bố tôi và tôi đã có thể cảm được nhạc của ông. Và tôi yêu nhạc Trịnh một cách bản năng.
- Là một người yêu nhạc Trịnh Công Sơn từ khi còn nhỏ, anh thấy nhạc Trịnh hay phần lời hay phần nhạc?
Tôi nghĩ đối với một ca khúc, lời và nhạc không thể tách rời. Cũng như anh không thể mang chiếc quần jean một ống vậy. Những người nghiên cứu âm nhạc thì cho rằng nhạc Trịnh Công Sơn giản dị đến mức thô sơ trong phần giai điệu và kết cấu. Nhưng ngược lại, phần ca từ lại đầy sự triết lý. Tôi thì nghĩ rằng âm nhạc của Trịnh rất đẹp. Đẹp trong sự giản dị. Nó dẫn dụ người ta hiểu được ý nghĩa của ca từ.
Nếu nghĩ rằng, nhạc Trịnh giản dị như vậy sẽ dễ hát, dễ nghe thì không đúng. Ngẫm nghĩ để hát được nhạc Trịnh khó lắm! Cũng giống như những nhà hiền triết, những người có trí tuệ - họ không thích sự bóng lộn mà ưu sự giản dị. Nhưng lời người ta nói ra thì nó là chân lý. Và tôi có cảm giác nhạc Trịnh Công Sơn cũng giống như một nhà hiền triết hay một bậc chân tu giữa cuộc đời thôi.
Đừng bắt nghệ sỹ làm công việc của một triết gia. Tôi không biết nhạc Trịnh nửa vời ở đâu, nó nửa vời ở khía cạnh nào. Nhưng những ngậm ngùi của thân phận, của yêu đương trong cuộc đời này ai cũng có. Và nhạc Trịnh Công Sơn chia sẻ những ngậm ngùi đó. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ thấy nhạc của Trịnh Công Sơn là một “đường link” dẫn ta đến với những triết lý rộng lớn hơn.
Nếu bạn yêu cầu 1 ca khúc hay cả gia nghiệp của một nhạc sỹ mà phải truyền tải nguyên vẹn một triết lý nào đó là điều bất khả thi. Đừng đòi hỏi những điều không thể có.
- Dường như tình yêu trong nhạc Trịnh luôn lấp ló những đắng cay, đổ vỡ?
Chả có yêu đương nào không đắng cay, không chứa đựng mầm mống đổ vỡ cả!
- Như thế liệu có làm cho người ta cảm thấy bi quan về cuộc đời?
Nếu bạn không ý thức được cái kết cục u ám thì liệu bạn có yêu hết lòng cho ngày hôm nay không. Tình yêu cũng như thời tiết, nó thay đổi liên tục. Nếu không ý thức được về sự đổ vỡ thì bạn sẽ không có ý thức vun trồng cho tình yêu hôm nay.
- Thế nên mới có ý kiến nhạc Trịnh nói nhiều đến đổ vỡ, chia ly nên nó ủy mị?
Tôi không cho đó là sự ủy mị. Bạn có bao giờ vui mãi được không? Nếu bạn không ý thức được nỗi buồn thì sẽ không thấy được giá trị của niềm vui. Đó là điều đương nhiên. Nỗi buồn dễ đọng hơn là niềm vui. Và niềm vui dễ làm cho nhạc sỹ viết khẩu hiệu thành nhạc chứ không phải là những lời tâm tình.
Chẳng ai trên cõi đời này không buồn. Vậy thì tại sao chúng ta không soi nỗi buồn của mình vào trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Nỗi buồn trong nhạc Trịnh Công Sơn rất thánh thiện, nó giúp “tẩy rửa” tâm hồn con người.
MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng. |
- Không chỉ có nỗi buồn, hình như Trịnh Công Sơn bị “ám ảnh” bởi cái chết?
Nếu như không bị ám ảnh bởi cái chết thì sẽ không có những ám ảnh về cuộc sống. Nó là hai mặt đối lập nhau và nhạc của Trịnh Công Sơn là như vậy. Anh đừng tiếp nhận nó một chiều. Nếu anh bắt gặp 1 cấu tứ nào đó trong nhạc Trịnh thì hãy soi rọi nó ở nhiều chiều khác nhau. Bởi đó có thể là sự thực hoặc là phản chiếu của sự thực qua lăng kính Trịnh Công Sơn.
Cái chết là một cái đích, ai cũng phải chết. Vậy thì khi chúng ta đã ý thức được điều đó, chúng ta có sống tử tế hơn không? Tôi tin là có! Bởi không sợ cái chết thì người ta dễ coi thường cuộc đời này lắm!
- Với góc độ một người yêu nhạc Trịnh, anh thấy điểm gì “đáng chê” nhất?
Cái tôi nói đây không phải là chê mà đó chỉ là một lời nhận xét thôi. Sau năm 1975, tình khúc của Trịnh Công Sơn giản dị hơn và vì thế nó mất đi sự lung linh của các bản tình ca đầu đời. Nó trầm hơn, lắng hơn và nó cũng đời hơn!
Hình như cách biểu đạt cảm xúc khác đi. Nhưng cái đó là chuyện đương nhiên. Không thể bắt người 20 tuổi yêu giống như một người 40 tuổi. Có thể những suy nghĩ lẩn thẩn này của tôi chỉ là đòi hỏi quá đáng của một người quá yêu nhạc Trịnh thôi.
- Xin cám ơn anh!