Mùa thi, mùa "đi" thầyBuổi học cuối cùng trước khi bước vào kỳ thi cuối kỳ, cô lớp trưởng thông báo trước lớp: “Kỳ này có mấy thầy cô cực “ke”, mỗi bạn đóng 50.000 đồng để lớp đi… “thăm” thầy”.

Đó là kể hoạch của các bạn lớp X, trường ĐH N cho kỳ thi cuối kỳ sắp tới của mình. Sinh viên trong lớp cũng đã quen, cứ đến mùa thi là chấp nhận cùng cả lớp đóng góp đi “chùa thầy” tập thể.  

L, cô lớp trưởng cho biết, lớp có hơn 50 bạn, tổng số tiền trên 2,5 triệu. Họ không “chạy” tất cả các thầy mà phụ thuộc vào môn học khó, quan trọng và cả “tính cách” của từng thầy. Khoản chi từng thầy cũng từng mức độ khác nhau.

Tuy nhiên theo L, việc tập thể “đi” thầy ngày càng giảm vì nhiều thành viên trong lớp không đồng tình, việc cá nhân hoặc từng nhóm đi thầy nhiều hơn. “Cũng có tập thể lớp đã đi nhưng vì cần thiết nên vẫn có sinh viên có kế hoạch đi riêng”. Hỏi thẳng L, việc đi thầy có thật sự cần thiết không, L cười: “Cũng có những trường hợp được “gửi mặt đặt tên” nên lớp cũng được ưu ái hơn. Nhưng phần lớn là không, mình đi chỉ để yên tâm về mặt tinh thần là chính”.

 

Phần lớn việc “đi” thầy là “chủ ý” của sinh viên nhưng nhiều sinh viên cho biết cũng có những thầy cô là người “gợi ý”. Trường hợp thầy cô dạy thiếu tiết sau đó lại tổ chức dạy bù tại nhà, và tất nhiên phải có khoản “phụ đạo” không phải là không có. Thậm chí có người còn “nhắc khéo” với học trò.

Không hề có ý định “đi” thầy nhưng cuối cùng một lớp của trường Cao đẳng T cũng đành “đóng góp” để đi cô giáo dạy tiếng Anh. Huy, một sinh viên cho biết: “Cô sinh năm 1982, “đe” chúng em trước kỳ thi ngay giữa lớp: “Các anh chị mà không biết điều tôi cho trượt tất”. Các bạn cán bộ lớp đi về thông báo cô đã “hạ nhiệt” và nói: “Các em cứ yên tâm mà thi”.

Thực tế, việc “đi chùa thầy” vẫn là vấn nạn ở nhiều trường đại học, cao đẳng, nhất là vào mùa thi. Việc “đi” thầy xuất hiện nhiều ở sinh viên năm ba và năm cuối. Lý do sinh viên năm ba, năm tư “dày dặn” và nhiều kinh nghiệm hơn. Hơn nữa, đó cũng là thời điểm sinh viên đã ước lượng được điểm các kỳ nên rất cần “chạy nước rút” cho tấm bằng của mình.

Long, năm thứ ba ĐH H cho hay, với tổng điểm 5 kỳ trước, nếu muốn yên tâm có tấm bằng khá thì kỳ này phải “đột phá”, thế là cậu lên kế hoạch “đi” thầy. “Kỳ này em đầu tư học lắm nhưng đi thì mới yên tâm được. Nếu hai môn 6 trình kỳ này được điểm 8 thì em không phải lo gì nữa”. Long hy vọng “đi” thầy sẽ được khoang vùng phần thi.

“Có người bạn của em học bên trường K, đến nhà thầy xin xỏ còn được thầy chỉ cho cách đánh dấu trên bài thi. Bõ công nửa triệu bạc cũng đổi được điểm 8 như mong muốn” - Long kể.

Long cũng tiết lộ, tháng thi cử này cậu được bố mẹ chi thêm gấp đôi tiền trợ cấp sau khi nói thẳng với bố mẹ “con đi thầy chạy điểm”. “Có hai thành phần cần đi thầy, một là những bạn quá lười học, chỉ mong đủ điểm để qua. Và những bạn cần con điểm cụ thể để đạt học bổng hoặc vì tấm bằng. Thậm chí nhiều bạn phải vay mượn để đi thầy”, Long nói.

Ngoài những thành phần như Long nói trên, có một “đôi ngũ” không nhỏ cũng phải rồng rắn đến nhà thầy vì không đủ điều kiện thi. Thảo, trường ĐH T tiết lộ: “Lớp em có gần 10 bạn không được thi môn Triết vì nghỉ học quá số tiết cho phép. Thế là cả mấy bạn cùng “đóng quỹ” đi thầy. Chạy điểm thì em không dám chắc được hay không nhưng việc đến xin để được thi thì gần như bạn nào trong lớp em cũng đều “thoát nạn”. Ngoài quà cáp ra thì các mỗi bạn thường kèm 200 - 300 nghìn đồng”.

Thế nhưng không hẳn các chuyến đi thầy của sinh viên đều suôn sẻ. Với kinh nghiệm hơn hai năm làm gánh vác việc lớp, L nhiều chuyến đi đầu không xuôi đuôi không lọt. Có những thầy, cán bộ lớp rầm rộ mang hoa mang quà đến nhưng không vào được nhà, bị thầy khước từ ngay ở cổng. “Mỗi lúc như thế chúng em rất lo thầy tự ái “trù” thì khổ cho cả lớp”.

“Trường hợp các thầy trả lại quà, phong bì cũng nhiều nhưng như thế là còn may. Có cậu lớp em đi cô dạy Kinh tế Chính trị 300.000 đồng, thế nhưng vẫn không qua, chỉ được điểm 3. Đến lớp cô còn nhận xét: “Em H yếu quá” làm cậu ấy không hiểu mình yếu “mặt” nào vì phần lớn các bạn khác đều đi 500.000 đồng” - Hoàng, sinh viên trường G kể.

Dù muốn nói đến hay không thì việc hối lộ thầy cô vẫn là vấn nạn trong môi trường giảng đường. Không ít lần, các cơ quan quản lý giáo dục đã tổ chức bàn về việc giải quyết vấn nạn này ở khối các trường ĐH, CĐ, TCCN thế nhưng mọi đáp án vẫn bỏ ngỏ… Thực tế là, đến mùa thi, sinh viên lại chăm đến “thăm” thầy!  

 Theo Dân trí.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC