Quy định mới về thời lượng phim Việt chiếu trên sóng truyền hình tạo cơ hội phát triển lớn cho phim nội. Nhưng để khẳng định chỗ đứng trong cuộc cạnh tranh với phim ngoại, phim nội vẫn còn nhiều thách thức phải đối diện.
Nghị định số 54 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực từ 7/7, trong đó quy định thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim; phim Việt phải được phát vào khoảng thời gian từ 20 giờ đến 22 giờ trong ngày và các kênh giờ khác. Thực tế, chủ trương khuyến khích phim nội đã được nhà nước áp dụng từ Nghị định số 96 ban hành năm 2007.
Ông Đỗ Hoàng Nam, giám đốc nội dung trong nước của Công ty Nam Giao chuyên về phân phối phim, đánh giá, Nghị định mới sẽ tạo ra triển vọng tốt đẹp với cả nhà sản xuất lẫn nhà phân phối phim trong nước, thúc đẩy phim Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng, quy định tỷ lệ 30% trong bối cảnh hiện nay tỏ ra thực tế, hợp lý hơn. Nhưng việc thực thi được hay không còn phụ thuộc nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là chất lượng phim nội.
Khẳng định nghị định mới không ảnh hưởng đến kế hoạch phát sóng của Đài truyền hình Việt Nam, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến cho rằng, vấn đề là nhà làm phim trong nước phải nâng cao chất lượng nhằm hấp dẫn khán giả và đảm bảo doanh thu quảng cáo cho nhà Đài. "Nghị quyết là một chuyện còn việc khán giả đón nhận nó ra sao là việc khác. Người Việt muốn dùng hàng Việt chỉ khi nó tốt. Đừng nghĩ rằng chúng ta có thể ép buộc được người xem. Nếu phim VTV1 - VTV3 dở, họ sẵn sàng chuyển kênh xem phim ngoại trên truyền hình cáp. Như thế là lượng rating giảm, quảng cáo tụt, ảnh hưởng trực tiếp tới nhà đài", ông nói.
So với các đài trung ương, đài truyền hình địa phương sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều vì họ hầu như mua lại phim chứ không có kế hoạch sản xuất do nguồn thu từ quảng cáo không đủ lớn. Ông Đỗ Hoàng Nam cho biết, nhiều năm nay doanh nghiệp ông nhập phim Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và phân phối lại với các đài truyền hình với mức phí bản quyền thỏa thuận theo thời gian mua. Các đài truyền hình địa phương thường thích mua phim nước ngoài vì dễ bán quảng cáo, trong khi phim Việt hầu hết là phim cũ, khán giả đã xem nhàm. Các công ty sản xuất phim lại chủ yếu ký hợp đồng với Đài truyền hình Trung ương và đài lớn trong khu vực như Đài Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TP HCM chứ không muốn ký hợp đồng với đài địa phương.
Phim Việt được đánh giá luôn có ưu thế sân nhà so với phim nhập trong việc cạnh tranh khán giả. Nhưng chất lượng vẫn là yếu tố quyết định đến sự lựa chọn của người xem. Chị Trần Kim Cúc - làm nội trợ ở phố Phạm Đình Hổ, Hà Nội - cho biết chị thích xem phim Việt Nam vì thấy câu chuyện, cảm xúc, cuộc sống gần gũi với mình. Nhưng chị đánh giá, không phải phim Việt nào cũng có thể xem được, dù ở giờ vàng. “Rất ít phim khiến cả nhà tôi háo hức như Bỗng dưng muốn khóc” - chị cho biết. Trong khi đó, chị Thanh Huyền, nhân viên truyền thông ở Kim Mã, Hà Nội, thích xem phim nước ngoài hơn, vì phim Việt Nam kết cấu không logic, xử lý cao trào kém và nội dung nhàm chán.
Nhận thức được cơ hội phát triển phim nội từ nghị định này, nhưng các đạo diễn, diễn viên đồng thời cũng thấy trước thách thức của yêu cầu nâng cao chất lượng phim. Đạo diễn Quốc Tuấn băn khoăn: “Nghệ thuật tất nhiên mang tính giải trí nhưng chúng ta đang quá dễ dãi, trước hết là kịch bản. Lâu nay, chúng ta quá thiếu những kịch bản hay khiến đọc lên, tất cả đạo diễn, diễn viên đều muốn được làm phim đó. Vấn đề thứ hai là kinh phí, gói gọn trong mỗi tập phim chừng 200 triệu đồng. Những người bạn nước ngoài hỏi tôi kinh phí làm phim ở Việt Nam là bao nhiêu rồi khen: “Các bạn quá giỏi, với kinh phí như thế vẫn làm được”. Tuy nhiên, Quốc Tuấn tỏ ra thông cảm với đài truyền hình vì các đơn vị này cũng có cái khó riêng, là đơn vị tự hạch toán kinh doanh, hoàn toàn không nhận ngân sách nhà nước.
Diễn viên Việt Anh có một hãng phim riêng nhưng đang tạm thời ngưng công việc sản xuất vì nhiều lý do. Theo anh, Nghị định mới vừa là tin vui với anh em nghệ sĩ vì họ có nhiều cơ hội làm nghề, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Việc có quá nhiều phim sẽ khiến diễn viên mải mê chạy show, không có thời gian nghiền ngẫm, đào sâu sáng tạo để làm mới mình. Phần lớn đi vào khai thác đến hết thế mạnh bản thân dẫn đến sự "chết vai", không dám đột phá. Trong khi đó, các diễn viên tâm huyết thực sự phải 2-3 năm mới có được một vai diễn tâm đắc.
Theo VNE.