Có một câu nói như thế này: "Muốn biết người đàn ông tử tế hay không, hãy nhìn vào cách cư xử của họ khi chia tay ".
Khi chia tay là lúc con người dễ tổn thương nhất, là khi đối diện với những cảm xúc đen tối và nhạy cảm nhất của trái tim khi tan vỡ. Đó cũng là lúc, chúng ta bị thử thách với cái tôi của chính mình, với những sự tiêu cực và thậm chí là thù ghét nhau. Với những người đàn ông, dù trong lúc yêu có mặc sức cưng chiều, quan tâm chăm lo đến mấy, nhưng khi chỉ đến khi chia tay, họ mới bộc lộ những mặt tối của mình.
Gần đây, có câu chuyện về dòng status chia tay vợ cũ của Hoài Lâm, cũng ít nhiều liên quan đến chuyện chúng ta đang nhắc tới. Có một bình luận cảm ơn rồi xin lỗi, Hoài Lâm cũng đắn đo hoài, mỗi lần sửa lại ngắn hơn một chút, như sợ viết càng nhiều càng buồn rồi để lại dòng ba chấm. Cuộc ly hôn không thị phi, không bóc phốt, không rườm rà lê thê… mối tình 9 năm ngọt ngào cũng kết thúc. Người trong cuộc thấy sao không ai biết, chuyện gì còn ở phía sau cũng không rõ ràng nhưng người ngoài thì tiếc nuối nhưng cũng ủng hộ họ - một cái kết văn minh và nhẹ nhàng.
Chẳng nói đến chuyện ai đúng ai sai, chỉ xin nói về cách nhẹ nhàng kết thúc của cả hai. Đánh giá một chàng trai tử tế khi yêu thì không khó nhưng một cuộc chia ly mới để bạn nhìn thấy ai tử tế ai không. Chia tay không định hình con người bạn nhưng cách bạn hành xử với cuộc chia ly có thể sẽ làm điều đó.
Không nói xấu người yêu cũ
Trong muôn vàn thứ văn chương rườm rà, lời lẽ hoa bướm, một khi lên Facebook để nói xấu người yêu cũ sau khi chia tay thì không chấp nhận được rồi - trừ khi bạn bị vu oan trước và muốn giải thích. Nhưng nói gì thì nói, giải thích là đi một lẽ, không đồng nghĩa với việc nói xấu.
Tôi thấy mọi hành động nói xấu người yêu cũ trên Facebook sau chia tay đều khiến sự tôn trọng dành cho bạn bị giảm đi đáng kể. Giống như một người vừa nghỉ việc và quay phắt ra nói xấu công ty cũ, không biết được bao nhiêu người sẽ cảm thông với bạn nhưng những "đối tác mới" chưa chắc sẽ dám bắt đầu mối quan hệ với bạn vì biết đâu một ngày, họ chính là người bị bạn "bóc phốt" và lại nói xấu trên Facebook?
Ai cũng muốn bước ra khỏi mối tình một cách trong sạch, để hết lỗi lầm cho đối phương. Càng nói xấu người yêu cũ, bạn càng chứng tỏ mình tự ti khi không thể tự lực vượt qua được mối quan hệ mà phải dựa vào sự hùa theo của người khác để cảm thấy mình đúng.
Không thanh minh - bất bình - đổ lỗi
Những cuộc chia tay có yếu tố bên ngoài tác động - với người nổi tiếng là công chúng, thường trở nên phức tạp hơn. Với các trường hợp dùng dư luận làm bàn đạp cho sự nổi tiếng, cốt chỉ để tên tuổi được báo chí nhắc đi nhắc lại thì có lẽ chẳng còn điều gì để bàn về tử tế hay không khi nỗi buồn cá nhân họ cũng sẵn sàng lôi ra làm vật dẫn truyền thông thì những điều khác có nghĩa lý gì?
Nhưng kể cả những cuộc ly hôn không có mục đích tạo scandal, dưới áp lực giải thích của công chúng, nhiều người bắt đầu tìm cách thanh minh cho bản thân, bất bình với đối phương và đổ lỗi cho một ai khác. Ở thời điểm đã kết thúc, mọi sự thanh minh - bất bình - đổ lỗi đều không có nghĩa lý khi mối quan hệ cũng không thể quay trở lại. Tại sao bạn phải bận tâm tới một đám đông mà hết tuần này thôi, họ lại quan tâm đến một nhân tố X mới lấy cô Y nào đó chứ không phải là bạn?
Nếu không thể nói lời tử tế, hãy chọn cách im lặng. Chàng trai tử tế làm nhiều hơn việc thanh minh để chứng tỏ rằng, cuộc ly hôn của hai người là một sự lựa chọn đúng đắn.
Đừng buông bỏ trách nhiệm
Ly hôn là sự kết thúc của mối quan hệ hai người nhưng mở rộng vòng tròn trách nhiệm cho cả đôi bên. Và thường người ta hay nói về những ông chồng rũ bỏ trách nhiệm với con cái như rũ bỏ một cuộc tình.
Giống như người ta hay nói "Muốn biết một người có cư xử tử tế với mọi người xung quanh không, hãy xem cách anh ta cư xử với người bồi bàn". Với người ngoài còn vậy, một người đàn ông ly dị mà giũ bỏ trách nhiệm với con cái hoặc thực hiện một cách thờ ơ, có lệ thì soi vào đâu để thấy được sự tử tế của họ?
Kết thúc mối tình, đặc biệt là ly hôn, không đồng nghĩa với việc bạn có thể dễ dàng xé toạc như tờ giấy thủ công, chỗ kia phải gắn lại một chút vì con cái, mép này cần thỉnh thoảng xích lại gần vì còn gia đình bố mẹ, chưa kể tới những ràng buộc đặc thù. Thực hiện trách nhiệm chẳng phải vì nhau hay vì người kia mà phải làm thế; đó là trách nhiệm mà khi bước vào cuộc hôn nhân, bạn hiểu rõ mình phải thực hiện.
Một chàng trai có thể lên Facebook kể trời kể biển, nói ngọt nhạt khổ sở thế nào đi chăng nữa nhưng trách nhiệm sau khi kết thúc mối tình, dù là đứa trẻ nếu đã kết hôn hay các trách nhiệm khác nếu còn độc thân, mà không thực hiện được thì đừng mong anh ta sẽ thật lòng tử tế với ai được trong cuộc đời này.
Sống tử tế với bản thân mình
Tôi tin rằng muốn xem một người đàn ông có tử tế không bằng một cuộc chia tay, hãy nhìn cách anh ấy đối xử với bản thân mình. Chỉ khi một người có thể sống tử tế với chính mình, anh ta mới có thể sống tử tế với người xung quanh.
Hậu chia tay, có những chàng trai chìm trong vũng lầy của sự tuyệt vọng hoặc chọn một lối sống phóng túng, tự do hơn. Không có sự ràng buộc của gia đình, trách nhiệm với một tổ ấm cũng vơi bớt đáng kể, có những người thả trôi cuộc đời, chờ một mối quan hệ mới tới rồi "thay đổi cũng không muộn".
Hy vọng một người bước ra từ cuộc ly hôn phải cư xử bình thường, nhịp độ cuộc sống và tâm tình vẫn như cũ là điều không thể. Dù vậy, có những điều tối thiểu họ cần duy trì như biết cách chăm sóc bản thân, không thả nổi cuộc đời mình, chấp nhận những điều thay đổi và dần thích nghi với một cuộc sống mới.
Chẳng thể kỳ vọng rằng một người không biết cách sống tử tế với bản thân anh ta sẽ sống tử tế với bạn. Tử tế với người khác đôi khi dễ hơn nhiều, cũng như chúng ta thường dễ tha thứ cho mọi người nhưng chẳng thể khoan dung với bản thân mình.
Nếu một mối tình độc hại hé lộ nhiều điều về người đàn ông thì cuộc chia tay độc hại cũng vậy. Tất nhiên, lỗi không bao giờ đến từ một phía (có điều kiện, tôi sẽ kể về những người phụ nữ).
Cuộc đời không có quá nhiều cơ hội để có thể nhìn một con người kỹ càng đến vậy và chia tay, một cách tính cờ, sẽ bộc lộ nhiều điều có muốn che giấu cũng không được. Nói như vậy không có nghĩa rằng, chúng ta sẽ phải gồng mình để chứng tỏ bản thân trong cuộc chia tay. Chỉ là dù kết thúc có vì lý do gì, có diễn biến xấu ra sao, hãy thẳng thắn, thành thật, dám đối diện với mọi điều, có trách nhiệm với bản thân và bổn phận của mình.
Được như vậy, bạn đã bước qua mối tình tan vỡ với một sự tử tế.
Nguồn: Tổ quốc