Ban đầu nghệ sĩ Văn Hiệp hẹn gặp tôi ở một quán nước trà đá đầu phố, điểm hẹn quen thuộc mà các nhà báo vẫn thường gặp ông để nghe ông trang trải chuyện đời, chuyện nghề.
Lần này, tôi phá bỏ cái lệ quen thuộc ấy của ông vì bắt gặp cảnh người quen chào hỏi ông quá nhiều. Có lẽ, ngay chỉ việc ông mỉm cười vài giây đáp trả đã tốn khá nhiều thời gian.
Đấy là chưa kể, có nhiều người còn tay bắt mặt mừng hỏi thăm sức khỏe và nói những điều tán tụng đã trở thành quen thuộc. Bởi vì, với bản tính của một ông "trưởng thôn" chất phác thì sự dễ gần, dễ quen, ngay cả với người lạ, của Văn Hiệp đã trở thành một chuyện hiển nhiên.
Tôi theo chân ông về ngôi nhà 5 tầng cạnh phố Hoàng Mai. Nghệ sĩ Văn Hiệp hôm ấy mặc một chiếc áo kẻ karô đã phai màu và một chiếc quần kaki cũ, tất tả trong chiếc dép lê cũ khiến tôi liên tưởng đến những nhân vật… khốn khổ mà ông vẫn thường đóng. Người ông nhỏ thó, bàn tay khẳng khiu đến nỗi khi ông mở cửa, tôi lo sợ ông sẽ không kéo nổi cánh cửa sắt to để vào nhà.
Ngôi nhà 5 tầng của ông có vẻ thiếu ánh sáng và hơi ấm của con người, mặc dù sạch sẽ gọn gàng. Tôi đem suy nghĩ này nói với nghệ sĩ Văn Hiệp, ông thở dài: "Ôi dào, chúng nó (các con, cháu) đi suốt, chập tối mới về cơm nước, có khi cũng chả ăn cơm nhà. Về thì ai lại vào phòng nấy, có thời gian đâu cô. Kệ thôi!".
Tầng 3 là căn phòng ông ở, nó nhỏ chỉ chừng 8m vuông nhưng đủ đầy tất cả các vật dụng. Ông còn kê được cả một chiếc bàn gỗ nhỏ để ngồi hút thuốc lào và tiếp đôi ba người khách. Mọi thứ trong phòng ông ở rất gọn gàng, ngăn nắp. Dường như mọi vật dụng đều được sắp xếp đúng chỗ "quy hoạch" và ông không quên cái gì để ở đâu bao giờ...
Quan sát căn phòng của ông, tôi nhìn thấy 2 bức vẽ được ông đặt trang trọng, hỏi ra thì biết một bức là chân dung vợ và một là chân dung con gái. Nói đến vợ, khuôn mặt ông chùng xuống. Nghệ sĩ Văn Hiệp đã "bị" bạn bè liệt vào danh sách "xa vợ" hơn 20 năm trời ròng rã. Ông cũng chẳng giấu giếm chuyện riêng của mình.
Ông tâm sự rằng, hồi xưa cuộc sống khốn khó, vợ ông đi xuất khẩu lao động sang Đức và cho đến nay… không chịu về. Mặc dù ông cũng đã khuyên can, thậm chí… cảnh cáo: "Về đi, không là mất chồng đấy". Ấy thế nhưng hình như vợ ông cũng… chả cần. Vậy là đất không chịu trời thì trời phải chịu đất, biết làm thế nào.
Nghệ sĩ Văn Hiệp nói: "Cũng nhiều người khuyên tôi lắm. Có người nói ra mồm, có người thì có ý giới thiệu này khác. Bỏ vợ thì cũng được thôi nhưng bỏ để làm gì? Nói chờ đợi thì "đao to búa lớn"… nhưng thú thật nếu vợ bỏ thì tôi không níu giữ nhưng nếu tự tôi thì chẳng bao giờ tôi muốn bỏ vợ cả. Có lần, chính bố vợ cũng đã khuyên tôi như vậy. Cụ bảo: "Thôi anh Hiệp ạ, anh đi lấy vợ đi!". Tôi trả nhời cụ luôn: "Thế cụ xem có cô nào được được cụ giới thiệu cho con (cười). Thế là cụ… chịu". Có lẽ, chính vì có phần thua thiệt trong đời sống riêng tư nên diễn hài cũng là cách nghệ sĩ Văn Hiệp tự mang lại cho mình những niềm vui trong cuộc sống.
Nhớ về mối duyên tình cờ với sân khấu, nghệ sĩ Văn Hiệp cho biết: "Ngày bé tôi thích khoa học tự nhiên lắm, mặc dù cũng nổi đình nổi đám khi sinh hoạt văn nghệ trong trường phổ thông. Đang học lớp 10 thì ông bạn Doãn Châu (nguyên là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam) rủ tôi đi thi vào Trường Sân khấu - Điện ảnh. Lúc đó, nhà tôi đông anh em (9 người) nên tôi thiết nghĩ, học trong trường Sân khấu có học bổng cao sẽ đỡ đần được cho bố mẹ. Thế là tôi đi thi mặc dù tiêu chuẩn chiều cao bị thiếu mất 1cm, mắt thì "híp tịt" nhưng "gỡ" được là nhờ năng khiếu tốt.
Tôi phải cảm ơn diễn viên Hòa Tâm đã "ân huệ" cho mình một "cái tát" để đời. Lúc đó tôi thi vào lớp kịch nói nên cứ lân la đi hỏi kinh nghiệm đàn anh. Ông Hòa Tâm gợi ý bảo tôi thử diễn một cảnh khóc. Khóc thế quái nào được! Thấy mặt tôi cứ trơ ra, ông ấy thẳng tay cho một cái tát như trời giáng, giữa ban ngày mà sao tóe đầy trời! Thật ức đến ứa nước mắt. Ông ấy vỗ đùi, cười ha hả: "Thấy chưa, khóc được rồi kia kìa. Chú mày hận tao quá nên mới khóc được chứ gì? Đấy chính là vấn đề, khi nhập vai phải nghĩ mình ở trong hoàn cảnh ấy, phải có nội tâm, thì diễn mới có hồn".
Những ai sống cùng thời với Văn Hiệp đều biết đến ông với những vai "nghiêm túc" đã từng để lại dấu ấn một thời trên sân khấu kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam. Vai Vinh trong vở "Bài ca Điện Biên" là một vai diễn ấn tượng. Sau vai diễn này, Giám đốc Mạnh Linh tăng cho Văn Hiệp hai bậc lương, còn đạo diễn Doãn Hoàng Giang, một người bạn đồng niên thì nhìn ông bảo: "Mày diễn như có "ma"!
Tuy nhiên, vai diễn đánh dấu sự khởi nguồn hài kịch của Văn Hiệp chính là vở "Nghêu, Sò, Ốc, Hến". Đạo diễn Dương Ngọc Đức đã chọn Văn Hiệp vào vai Ốc và với tài diễn xuất của mình, ông đã tạo được một Ốc có một không hai trong các vai Ốc của tích tuồng này. Một Ốc rất láu cá, khôn ngoan nhưng lại duyên dáng và hấp dẫn. Thời gian về sau, nghệ sĩ Văn Hiệp chuyển sang lãnh địa truyền hình và thành công với kịch bản "Trưởng họ chán cơm", đặc biệt, show truyền hình về "Trưởng thôn Văn Hiệp" cùng hai danh hài Quang Tèo và Giang Còi đã làm nên một hình tượng nhân vật "trưởng thôn" đặc sắc không hề trộn lẫn.
Nghệ sĩ Văn Hiệp tâm sự rằng, chính những vai diễn cũng đã mang lại cho ông nhiều niềm vui trong cuộc sống. Chẳng hạn, có hôm đi diễn về, tự nhiên bị đau răng quá, ông bèn vào một phòng khám răng bên đường ở thị xã Hà Đông để nhổ. Vị bác sĩ đã nhận ra danh hài Văn Hiệp và hồ hởi ra mặt. Đến khi chào ra về, Văn Hiệp nhận được túi nilong đựng card visit và... chính cái răng của ông vừa bị nhổ. Thấy ông ngạc nhiên, vị bác sĩ giải thích: "Răng thì để làm kỷ niệm, còn khi nào có vấn đề gì liên quan đến răng thì hãy đến với em, miễn phí hoàn toàn".
Lần khác, khi đi diễn ở Hải Phòng, sau giờ diễn, ông đang chờ qua đường uống cốc bia và "bắn" điếu thuốc lào, bỗng ở đâu xuất hiện một anh chàng mặc áo may ô cao lớn reo lên: "A, đây rồi, Văn Hiệp đây rồi!". Chẳng nói chẳng rằng, anh chàng nọ vác ông lên vai, chạy đến quán bia gần đó để bạn bè cùng tận mắt trò chuyện với ông. Anh chàng nọ còn nằng nặc đòi thưởng thức thuốc lào bằng chính cái điếu cày độc đáo tự chế của ông. Sau đó anh ta tháo chiếc nhẫn to ở tay đặt mạnh xuống bàn bia, giọng rất phấn chấn: "Hôm nay, giải tán cái nhẫn này đãi bố Văn Hiệp!".
Nhắc đến cái điếu cày, trong mắt người nghệ sĩ lại ánh lên nét xa xăm bởi xuất xứ của nó là do những phạm nhân trong một trại tù ở Phúc Thọ, vì yêu mến ông mà đã cùng nhau làm tặng chiếc điếu cày cho ông. Điếu cày của ông độc đáo ở chỗ nó rất đơn giản, gọn nhẹ, có thể tháo ra, lắp vào và vì thế, nó là vật bất ly thân trong những lần ông đi diễn xa nhà. Thế nhưng, chiếc điếu cày chưa phải là món quà ấn tượng nhất mà khán giả yêu mến dành tặng ông.
Một lần, khi đang tham gia làm phim ở cổng Hãng phim truyện I, tình cờ có cậu bé đánh giày đi ngang qua, túm tay định mời ông đánh giày nhưng khi nhìn rõ mặt, cậu bé reo lên: "A, bố Văn Hiệp". Sau giây phút vui mừng, cậu bé tức tốc từ đâu chạy về đem đến tặng ông một bịch thuốc lào. Nghệ sĩ Văn Hiệp ngỡ ngàng trước cử chỉ của cậu bé và phân vân không biết nên "đáp lễ" thế nào. Ông đã hẹn cũng giờ này ngày mai, cậu bé đánh giày đến gặp ông và ông đã mua tặng cậu bé một bộ quần áo.
Chưa hết, trong một lần đi quảng cáo cho chương trình biểu diễn ở tỉnh Ninh Bình, ông chứng kiến cảnh 2 đám thanh niên mặt mày hùng hổ, tay lăm lăm gậy gộc đang to tiếng với nhau. Đến gần thì hóa ra là thanh niên của 2 đám cưới xích mích nhau. Khi xe đỗ xịch, Văn Hiệp bèn đến gần tuýt còi hô lớn: "Chuyện gì đấy, trưởng thôn Văn Hiệp đây!". Hai phe thấy ông trưởng thôn thì “ồ” lên sung sướng và quên mất việc va chạm vừa rồi. Tuy nhiên, sau đó, để sự thể "êm thấm" thì "trưởng thôn" Văn Hiệp phải đến dự mỗi đám cưới một lúc. Dùng dằng cũng mất gần cả tiếng đoàn mới lại tiếp tục đi quảng cáo được.
Một lần khác đi diễn ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), đang nghỉ trưa thì có xe đến mời Văn Hiệp về trụ sở Công an huyện. Văn Hiệp đành phải theo sự "áp tải" của hai Công an viên. Tưởng có chuyện gì, hóa ra chỉ vì các đồng chí lãnh đạo Công an huyện muốn gặp mặt ông và tặng ông một cân thuốc lào đặc biệt, thứ thuốc lào tiến vua ngày xưa, đồng thời không quên xin lỗi ông vì "màn kịch" quá đường đột này.
Nhắc đến những câu chuyện vui dọc đường mưu sinh lập nghiệp, nghệ sĩ Văn Hiệp phấn chấn hẳn lên. Gương mặt ông đặc biệt rất tươi và hóm khi cười. Nhưng, kết thúc những câu chuyện tưởng như dài bất tận ấy, tôi thấy trong ông ẩn chứa những nỗi buồn nhân thế.
Ở cái tuổi gần "thất thập cổ lai hy" với đủ "chiếu" lớn nhỏ trong làng kịch, Văn Hiệp vẫn chưa có một danh hiệu nào. Giờ đây hàng ngày, ông vẫn phải đối diện với "cơm áo gạo tiền", phải tự lo cho mình như vốn dĩ xưa nay ông đã phải thế. Giờ đây, có lời mời là ông vẫn nhận "sô" ở các tỉnh và phóng xe máy đi diễn, một phần là để kiếm thêm thu nhập nhưng một phần là để ông quên đi nhiều căn bệnh mãn tính giày vò cơ thể, quên đi cả nỗi cô đơn trong căn phòng 8 mét vuông mà ông tỉ mẩn chăm chút một cách quá mức cần thiết.
Theo Văn Nghệ Công An.