Nhạc cổ điển - thính phòng đang có hướng phát triển khá vững, gần gũi hơn với đời sống và có được lượng công chúng, tuy nhiên, nhạc công chơi nhạc cụ ở bộ dây, bộ kèn... ngày càng trở thành "của hiếm".
Số buổi biểu diễn của các dàn nhạc giao hưởng, so với 10 năm trước, đã tăng rất nhiều. Hà Nội có ba dàn nhạc giao hưởng, trung bình mỗi dàn nhạc có khoảng 30 buổi biểu diễn/năm. Các chương trình biểu diễn giao lưu của những dàn nhạc nước bạn cũng luôn chật kín khán phòng.
Nhạc sĩ Võ Đăng Kính, Giám đốc Nhà hát giao hưởng & vũ kịch TP HCM cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, khán giả tới thưởng thức hai buổi diễn nhạc cổ điển định kỳ mỗi tháng của nhà hát ngày càng ổn định.
Thế nhưng, đi ngược lại sự tươi mới của âm nhạc cổ điển, nhạc công chơi một số nhạc cụ ở bộ dây, bộ kèn như viola, kèn đồng, kèn hơi ngày càng trở thành “của quý”. Giới trong nghề cho biết, hầu hết các dàn nhạc giao hưởng tại Việt Nam hiện nay không đủ nhạc công chơi bộ dây, bộ kèn. Vì thiếu nên các dàn nhạc thường xuyên phải “vay mượn” nhạc công lẫn nhau.
Theo NSND Thu Hà, sinh viên đăng ký theo học ngành này ngày càng "khiêm tốn". Trong 105 sinh viên trúng tuyển nhạc viện năm 2008, chỉ có ba sinh viên theo học viola, một kèn cla, một flute, một kèn oboe. Nguyên nhân của tình trạng “chênh lệch” sinh viên giữa các khóa, theo NSND Thu Hà, đó là bởi “xã hội chưa đánh giá đúng sự nỗ lực của họ”. “Chưa kể, mức lương họ được hưởng sau hàng chục năm khổ luyện cũng chỉ bằng mức lương của những người chỉ mất bốn năm mài dũa”, bà Hà nói.
NSND Trần Thu Hà chia sẻ, con người dù có năng khiếu thiên bẩm cũng không bỗng chốc trở thành nghệ sĩ, mà buộc phải trải qua hàng chục năm khổ luyện. Các ngành nghề khác, tre già măng mọc là bình thường nhưng với những nhạc công biểu diễn nhạc cổ điển, măng mọc không đủ để thế chỗ thế hệ tre già.
Theo Đất Việt.