Người Pà Thèn và vũ điệu lửa huyền bíTiếng hò reo dội vào vách núi như đánh thức tất cả vạn vật nơi thâm sơn cùng cốc. Lửa bắt đầu cháy, rực sáng cả một khoảng không gian của rừng núi. Từng đôi một bắt đầu nhảy lửa. Thật kỳ diệu, bóng họ lấp loáng, chập chờn trong lửa, những đôi chân trần nhảy trên đống than rực hồng mà không có bất cứ biểu hiện của nóng rát hay đau đớn nào cả. Một vũ điệu lửa đầy huyền bí.

Lửa liếm gót chân
Khi màn đêm bao phủ núi rừng, sương giăng bảng lảng khắp các thung đèo, cũng là lúc đêm Nhảy lửa của người Pà Thèn (thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) bắt đầu.
Một đống lửa lớn được đốt lên và thầy cúng bắt đầu hành lễ, cầu xin thần lửa mang hơi ấm của mình về sưởi ấm dân làng, về vui cùng lễ hội.  Những người muốn được nhảy lửa đã ngồi thành tâm từ đầu buổi lễ, họ lấy que tre gõ liên tục vào những cái ống vầu đã chuẩn bị sẵn chờ thầy cúng khấn xin thần lửa cho đến khi thần lửa đồng ý. Và khi toàn thân họ bắt đầu bật lên là tiến ra gần đống lửa là khi vũ điệu lửa bắt đầu.
Người Pà Thèn và vũ điệu lửa huyền bí_0
Một đống lửa lớn được đốt lên và thầy cúng bắt đầu hành lễ
Từng đôi một nhảy lửa, những đôi chân trần lướt trên đống than rực hồng, lửa liếm theo từng bước chân. Trong phút xuất thần ấy, họ bỗng thăng hoa, mạnh mẽ, phi thường và biến ảo. Vũ điệu lửa càng lúc càng trở nên huyền diệu và kỳ bí hơn. Khi những người này nhảy lửa, thầy cúng vẫn tiếp tục làm lễ với những tiếng gõ đều đều. Cứ sau 20 phút nhập thần, lại có một đợt nhảy như vậy.
Người Pà Thẻn cho rằng, thời gian nhảy trên lửa của họ tuỳ theo sức mạnh được thần linh ban cho. Khi hết sức mạnh, họ tự bị đẩy ra khỏi đống lửa, trở về ngồi lễ, chờ thần linh ban sức mạnh cho đợt nhảy mới.
Điều kỳ diệu là tất cả những người nhảy vào lửa với sức nóng như vậy nhưng họ, không ai bị bỏng hay có biểu hiện của sự nóng rát, đau đớn. Tất thảy đều cảm nhận được một sức mạnh vô hình nào đó đã thôi thúc họ nhảy vào giữa đống lửa và lúc trở ra, ai cũng cùng một cảm nhận giống nhau: Toàn thân nhẹ bẫng và cảm thấy trong người thấy lạnh hơn.
Ở đợt nhảy cuối cùng, thầy cúng cũng thăng hoa cùng những bước nhảy mạnh mẽ, oai phong. Những bước chân huyền bí, lấp loáng trong ánh lửa rực rỡ, tạo nên một khung cảnh vừa huyền ảo vừa mê hoặc nơi núi rừng hùng vĩ.
Khi đống lửa chỉ còn lại tro tàn, cũng là lúc Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn kết thúc. Thầy cúng lại tiếp tục bài cúng để tiễn thần linh trở về, hẹn đến rằm tháng mười, khi mùa màng đã được thu hoạch sẽ lại mời các thần về ban phát sức mạnh cho người Pà Thẻn trong Lễ hội nhảy lửa.

Đi tìm lời giải
Theo truyền thống của người Pà Thẻn, lễ hội Nhảy lửa chỉ được tổ chức từ ngày 15/10 âm lịch và kết thúc vào ngày 15 tháng giêng năm sau. Đây là lễ hội mừng lúa mới, cầu chúc cho cả năm khoẻ mạnh, sung túc, mùa màng bội thu.
Người Pà Thèn và vũ điệu lửa huyền bí_1
Các cô gái Pà Thẻn cầm tay nhau nhảy quanh đống lửa...
Dân tộc Pà Thẻn là một trong những dân tộc ít người, chỉ có ở Hà Giang và Tuyên Quang. Riêng ở huyện Chiêm Hóa, người Pà Thẻn sinh sống tại 2 xã Hồng Quang và Linh Phú. Họ có tiếng nói riêng, thuộc nhóm ngôn ngữ Mông Dao với nhiều bản sắc văn hóa đặc trưng như về trang phục, nhạc cụ, các điệu hát và đặc biệt là lễ hội Nhảy lửa.
Lễ hội thường được tổ chức ngay tại trung tâm thôn, bản, trên một khoảng sân rộng. Ngay từ chiều, đồ cúng lễ đã được chuẩn bị, thầy cúng ngồi trên một chiếc ghế dài, trên tay cầm que sắt gõ liên tục. Hòa trong những âm thanh gấp gáp ấy giọng của ông thầy cúng khấn thần linh để báo cáo, xin phép cho người Pà Thẻn được tổ chức lễ hội và có được sức mạnh phi thường để nhảy vào đống lửa.
Hiện nay, tại các bản làng của người Pà Thẻn ở Hà Giang, lễ hội nhảy lửa vẫn tổ chức thường xuyên vào dịp đầu năm mới, nhưng đã hơn 20 năm, năm nay người Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang mới tổ chức, khôi phục lại Lễ hội nhảy lửa truyền thống của dân tộc mình.
Người Pà Thèn và vũ điệu lửa huyền bí_2
Vẻ đẹp tự nhiên của các cô gái Pà Thẻn
Thầy cúng Húng Văn Hin, xã Hồng Quang cảm động: Ơn Đảng, ơn Nhà nước người Pà Thẻn chúng tôi đã có cuộc sống ổn định. Do điều kiện, nên sau hơn 20 năm lễ hội Nhảy lửa để cúng thần linh, xua đuổi tà ma, bệnh tật, cầu chúc cho một năm mới mùa màng bội thu, dân bản khỏe mạnh được khôi phục lại, chúng tôi mừng và sướng cái bụng lắm, thế là lễ hội truyền thống của người Pà Thẻn sẽ được truyền lại cho các con cháu sau này rồi.
…Chếnh choáng men say của rượu ngô, ngất ngây với những vũ điệu lửa kỳ bí, quyến luyến cái bắt tay nồng ấm và những ánh mắt sóng sánh tình  - một đêm ở xã vùng cao Hồng Quang, Chiêm Hóa sẽ không bao giờ có thể quên. Hình như, bất cứ ai từng có mặt trong đêm nhảy lửa của người Pà Thẻn ở cả Tuyên Quang hay Hà Giang, đều muốn đi tìm lời giải cho sự huyền bí này. Còn tôi, đã có sẵn một lời giải cho riêng mình, rằng đó chỉ có thể là sức mạnh của nguồn cội – một sức mạnh được khơi dậy bằng tình cảm mãnh liệt nơi chính trái tim của mỗi người con Pà Thẻn.

Theo VTCNews.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC