TS Hà Quang Năng, cựu học viên trường Lomonosov, với 35 năm nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ học đã thốt lên như vậy.
Tôi lần mò bước trên những bậc cầu thang nhỏ, hẹp, tối hun hút của một chung cư cũ kỹ. Nhà TS Hà Quang Năng cheo leo mãi ở tầng trên cùng, tầng 5, giữa những bếp than tổ ong khét lẹt. TS Năng tiếp tôi tại nhà riêng vào lúc trời chập tối, bởi trước đó ông còn nhiều cuộc hẹn làm việc khác nữa...
Lẫn lộn trong cách phát âm ngày càng nhiều
Trong số nhiều công trình nghiên cứu được giới chuyên môn đánh giá cao, ông có vẻ mê "lờ cao", "lờ thấp"?
Tôi đã thực hiện một số cuốn như: "Từ Điển Từ láy tiếng Việt", "Từ Điển lỗi dùng từ của học sinh", "Dạy đa nghĩa, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa trong trường phổ thông"... Giai đoạn 2000-2005, tôi là phó chủ nhiệm Dự án Điều tra tổng thể tiếng Việt trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Trong đó, có phần nghiên cứu về hiện tượng lẫn lộn trong cách phát âm (đặc biệt là âm "n" và "l") đang có xu hướng lan toả. Không chỉ ở vùng sâu, xa mà ngay cả ngoại thành Hà Nội xu hướng này đang trở nên phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu không phải là do di truyền hay nói ngọng mà do cách dạy phát âm của giáo viên chưa chuẩn xác, gây phản cảm trong giao tiếp.
TS. Hà Quang Năng. Ảnh: Hồng Anh |
Dường như ngôn ngữ đang "chạy đua" với sự phát triển của đời sống xã hội?
Đúng vậy. Có nhiều từ mới được tạo ra theo xu hướng "ghép gộp" để tạo thành từ mới (ví dụ: biên soạn + khảo cứu = biên khảo; đăng ký + kiểm tra = đăng kiểm...); tạo nên từ mới bằng một yếu tố tạo từ đã có (ví dụ: trước đây chỉ có phản tặc, đạo tặc thì nay còn có lâm tặc, sa tặc, cẩu tặc... Yếu tố "siêu" cũng gốc Hán Việt, trước kia ít được dùng độc lập thì nay đã hình thành các từ mới: "siêu sao", "siêu sạch", "siêu nạc", "siêu trứng"... và cuối cùng là vay mượn từ ngôn ngữ nước ngoài.
Việc hình thành những từ vựng mới là điều tất yếu, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, bổ sung tên gọi cho những sự vật, hiện tượng, khái niệm mới xuất hiện. Có những từ được xã hội chấp nhận hoặc không chấp nhận thì tự nó sẽ mất đi. Những từ vay mượn tiếng nước ngoài được xử lý theo cách riêng của mỗi người, mỗi nơi dẫn đến sự cản trở trong việc tiếp nhận thông tin của công chúng.
Đừng làm vẩn đục tiếng Việt
Thế hệ trẻ gần như có riêng một cách "tạo từ vựng mới", những từ mà họ dùng rất đặc biệt và lạ tai... Ông có thấy như vậy không?
Mục đích của các bạn trẻ khi tạo ra và sử dụng những từ mới là để gây ấn tượng, tạo cảm giác mạnh. Họ sử dụng thành quen những cụm từ: đẹp dã man, sướng vật vã, hay tàn bạo,... hoặc cách nói rất vần như: cứ từ từ rồi khoai sẽ nhừ, chắc chắn như củ sắn, chuyện nhỏ như con thỏ... Ở một khía cạnh nào đó thì khả năng sáng tạo của họ được mở rộng, khẩu ngữ sinh động, giúp giao tiếp bớt nhàm chán, đơn điệu nhưng khi đẩy quá lên thì nó trở nên có vấn đề về mặt chuẩn hoá ngôn ngữ, làm vẩn đục tiếng Việt.
Đặc biệt, tôi quá kinh hãi khi đọc ngôn ngữ blog của các em (chẳng hạn thế này: ặc ặc, seo mừ pậy pạ wúa; vìa dzụ nè hén, mẹc mự ló đei...). Đó không phải là sự sáng tạo mà là sự biến âm, biến dạng, méo mó về mặt ngôn ngữ. Các bậc phụ huynh thật sự lo lắng khi con giao lưu với bạn bè bằng thứ ngôn ngữ mà họ không thể hiểu được. Điều đó dựng ra cả một bức tường khổng lồ chắn giữa các thế hệ trong một gia đình.
Ảnh: Hồng Anh |
Các phương tiện truyền thông lẽ ra phải là chuẩn mực của ngôn ngữ nhưng đôi khi cũng không thoát khỏi sự lôi kéo này: Một phong cách rất Yomost (thay vì một tính từ là một danh từ chỉ tên riêng, tiếng Việt của ta không chấp nhận sự thay thế này), hoặc những từ tiếng Việt đã có nhưng vẫn dùng những từ vay mượn tiếng nước ngoài chêm vào như: "shopping", "video clip"... Tất cả những điều đó đang kéo lùi sự phát triển của tiếng Việt.
Theo ông, chúng ta nên định hướng để giữ gìn và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt như thế nào?
Từ rất lâu rồi, Quốc hội Pháp đã có quy định rõ những từ ngữ nào được vay mượn từ tiếng Anh, những từ ngữ nào không được phép vay mượn. Trước kia, cụ Phạm Văn Đồng khởi xướng việc giữ gìn, phát triển sự trong sáng của tiếng Việt. Song, ta vẫn chưa có điều luật nào quy định, hướng dẫn thực hiện.
Đã đến lúc phải có một chế tài đủ mạnh để định hướng sự phát triển của tiếng Việt theo xu hướng tích cực, phải có chuẩn mực rõ ràng. Truyền thông là một kênh quan trọng trong việc phổ biến, lưu truyền ngôn ngữ do đó cần có sự định hướng rõ rệt. Rất nhiều người nước ngoài muốn học tiếng Việt và tìm hiểu văn hoá Việt Nam. Vậy thì không lý gì chúng ta lại tự làm biến dạng, vẩn đục ngôn ngữ của chính mình.
Cảm ơn Tiến sĩ!
Tổng hợp.