Người Việt có biết chọn nhạc để nghe? Khán giả đã được trang bị gì để đối phó với cơn bão âm nhạc kiểu “chợ" đang lan tràn? Câu trả lời là gần như không. 

 Không thiếu những nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến âm nhạc đại chúng Việt Nam hầu như không có tiến bộ nào đáng kể trong vòng 10 năm qua, để so bì cạnh tranh với những tai nghe trên thế giới. Khi Thái, Hàn, Nhật, Trung, Đài... đều đã đặt chân vào MTV hay các kênh truyền hình khu vực, thì âm nhạc đại chúng Việt vẫn chỉ "quẩn quanh trong tổ" với những "ngôi sao", những "hit" không qua nổi biên giới quốc gia.

 

Khán giả bị "bỏ rơi”

Trở lại câu chuyện cách đây vài tháng, Thanh Lam gây sóng gió trên các diễn đàn với phát ngôn "Mr. Đàm, Hà Hồ sẽ dạy bằng gì?". Ngay sau đó, có nhiều ý kiến phản hồi sử dụng luận điểm rằng "chưa nói ai hát hay hơn ai, nhưng nhìn vào thực tế, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và ca sĩ Hồ Ngọc Hà có nhiều fan hơn Tham Lam, được nhiều người yêu thích vì âm nhạc gần gũi".

 

Thực tế này đúng là khó có thể phản đối, vì số lượng fan của 2 ca sĩ trên quả thực rất lớn. Nhưng tiếp tục suy nghĩ về vấn đề trên, người ta buộc phải tự hỏi, số đông công chúng yêu âm nhạc tại Việt Nam đang phản ánh điều gì? 

Không khó để nhận thấy âm nhạc mà số đông người Việt đang theo đuổi hiện giờ là âm nhạc với mục đích thương mại cao hơn mục đích nghệ thuật. Các show ca nhạc phần lớn đều chỉ đặt ra mục tiêu bán được càng nhiều vé càng tốt. Các cuộc thi âm nhạc hot nhất được phát vào giờ vàng trên sóng truyền hình là những cuộc thi thu được nhiều nhà tài trợ. Người người đi thi hát chỉ để mong được sớm nổi tiếng, hốt “cát xê” nhanh.

Nhạc dở thì thấy hay, nhạc lạ không nghe nổi

Trong bối cảnh đó khán giả Việt đã được trang bị gì để đối phó với cơn bão âm nhạc kiểu “chợ” này? Câu trả lời là gần như không. 

Nhạc sĩ Dương Thụ nhận định: “Người Việt chưa được đào tạo về tri thức âm nhạc”. Điều đó đúng khi ngoại trừ một con số rất nhỏ theo đuổi ngành nhạc chuyên nghiệp hoặc tự tìm hiểu vì yêu thích, còn lại đã số người Việt trong suốt những năm học phổ thông và kể cả đại học, kiến thức về nhạc gần như là con số 0. Trong lúc học sinh nước ngoài được học về các dòng nhạc, các xu thế âm nhạc, được nghe nhạc, được cảm thụ nhạc theo đúng nghĩa thì học sinh Việt chỉ đơn giản là học vài nốt đồ, rê, mi…

Đã thế, chúng ta lại thiếu hẳn một đội ngũ phê bình âm nhạc. Khi "thảm họa âm nhạc" xảy ra và lan rộng trong công chúng, một nhà phê bình thực sự sẽ chủ động đưa ra những nhận định của mình, làm "kim chỉ nam" cho những người đang tìm kiếm sự hiểu biết và một lời giải thích cho hiện tượng. 

Nhưng ở Việt Nam hiện nay, các nhà báo đang làm thay công việc của nhà phê nhạc đúng nghĩa!

Mà trên thực tế, phê bình đòi hỏi chuyên môn thực sự hơn là kinh nghiệm nghe cộng với tài viết lách. Đó là chưa kể rất nhiều nhà báo đăng tin âm nhạc nhằm mục đích câu “view”. Và trong số này không ít người có quan hệ thân thiết với nghệ sĩ, thậm chí là biến ca sĩ thành “gà” kiếm tiền của mình, dẫn đến việc ưu tiên trên tin bài, gây nhiễu loạn thông tin khiến công chúng không biết đâu mà lần.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng từng nói: "Mọi người làm tốt việc của mình, ấy là thiên đường". Khi nhà phê bình không phê bình, truyền thông ngập tràn tin showbiz, nhà báo đi "chăn gà", ca sĩ nổi tiếng bằng scandal - xem ca hát là nghề đi kiếm tiền nhanh hơn là vì yêu âm nhạc, nhà sản xuất lạm dụng chiêu trò, khán giả dễ chấp nhận, cho gì nghe nấy.... thì tất yếu cả một nền nghệ thuật sẽ đi xuống. Khán giả "sống quen với lũ", nhạc dở thấy bình thường, nghe quen quen, gần gũi; nhạc dở thì thấy hay, nhạc lạ thì không nghe nổi.

 

Người Việt có biết chọn nhạc để nghe?_0

Âm nhạc đang được nghe nhiều trên website nhạc trực tuyến

 

 

Nghe nhạc vì “quen”

Tất cả những yếu tố trên dẫn đến một thực trạng là người Việt đang nghe nhạc vì “quen”, vì “đám đông” chứ không phải vì chất lượng âm nhạc. Nhạc sĩ Quốc Bảo bày tỏ sự thất vọng: "Tôi không quan tâm lắm đến ‘thị trường’ bởi có quan tâm đi nữa thì cũng chẳng làm gì để kéo lên hay làm nảy nở lại một thị trường lành mạnh, tinh tế nổi.

Tôi làm nhạc đến năm nay đúng 20 năm rồi, tôi biết thị trường, đo được độ nóng của từng giai đoạn. Thời bây giờ, là của nhạc cho không, truyền hình thực tế. Tôi không phủ nhận việc vẫn có một nhóm thính giả tinh tuyển, yêu cái đẹp: vâng, thế nên tôi mới nói tôi chỉ quan tâm đến nhóm này chứ không làm đại trà”.

Vậy mà đã có một thời của "Em về tinh khôi" (1999) của Quốc Bảo với ca từ và giai điệu đẹp từng được lan truyền rất nhanh chóng và mọi người yêu thích. Tức là khán giả có rung cảm trước các đẹp. Nhưng do không được tiếp cận nhiều và bị các thể loại khác lấn át. Dần dần, bất kể chất lượng ở mức độ nào, những thứ "quen tai", "quen mắt" sẽ là thứ chiếm lĩnh thị trường.

 

Nhiều sản phẩm sáng tạo chưa kịp được thẩm thấu đã biến mất. DVD Acoustic(2011) của nhạc sĩ Lê Thanh Tâm và ca sĩ Hải Yến đề cao kỹ thuật thu âm với ban nhạc sống đúng nghĩa (thu âm 1 lần cùng ca sĩ) nhưng mất hút không sủi tăm trên thị trường. Nhạc sĩ Nguyễn Xinh Xô, người từng làm album electro After Life (2011) xứng đáng với một đề cử giải thưởng âm nhạc tốt nhất Việt Nam nhưng chẳng thấy tổ chức nào ngó ngàng đến.

Người Việt có biết chọn nhạc để nghe?_1

Bao nhiêu nhà báo văn hóa, nhà phê bình âm nhạc tại Việt Nam từng nghe  "After Life" của Nguyễn Xinh Xô để mang đến cho khán giả?

 

Nhìn ra thế giới, trừ hiện tượng Gangnam Style (thành công nhờ hình ảnh về nhảy múa hơn là âm nhạc) đang nổi như cồn, những clip ca nhạc được xem nhiều nhất trên Youtube, bảng xếp hạng Billboard hay bảng xếp hạng Ultimate (xếp hạng dựa trên số lượng link được cộng đồng chia sẻ trên các mạng xã hội), các vị trí đứng đầu luôn thuộc về Adele, Maroon 5, Kanye West hay Taylor Swift… những nghệ sĩ từng đoạt giải hay được đề cử Grammy... Điều đó có nghĩa là số đông có khả năng tự chọn và thưởng thức âm nhạc chất lượng cao.

Khán giả chọn nhạc khó hơn, nhạc sĩ sẽ đầu tư nhiều hơn

Nhạc sĩ Lê Thanh Tâm nhận định: "Mình nên thừa nhận một điều là gu chọn nhạc của nhiều khán giả hiện nay chưa nhất quán và chưa có lập trường rõ ràng. Trước thực trạng âm nhạc xuống cấp hiện nay Thanh Tâm cho rằng trước tiên cần cải thiện xu hướng thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật nói chung. Nếu khán giả chọn nhạc khó hơn một chút, nhạc sĩ sẽ phải học, đầu tư nhiều hơn. Sự kiên trì của những người làm nghệ thuật rất quan trọng. Càng nhiều người kiên trì, càng có nhiều sản phẩm hay ra đời. Và khán giả sẽ thấy rằng họ xứng đáng được thưởng thức những sản phẩm hay nhờ sự khắt khe của chính họ".

Tuy nhiên, thật khó để khán giả khắt khe khi chẳng có một cái chuẩn nào để làm mốc mà so sánh. Thiếu một kinh nghiệm nghe đa dạng, thường xuyên tiếp xúc với nhạc thị trường, lớp khán giả 9X trở thành "mồi ngon" tiêu thụ những tác phẩm kém chất lượng, được cho không nhưng vẫn giúp các "sao" kiếm được tiền thông qua ngành quảng cáo. Sự suy giảm thẩm mỹ trong số đông công chúng được dự báo có khả năng tiếp tục lùi sâu trong tương lai nếu không ai tác động.

"Để một người nghe biết cách thưởng thức âm nhạc, cần rất nhiều tác động từ bên ngoài. Đài báo và vô tuyến ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Hiện nay, việc phát sóng các thể loại âm nhạc ở Việt Nam chưa được cân đối. Âm nhạc rất rộng nhưng hiện nay phần nhạc nhẹ và nhạc thị trường rất lớn, ít nhạc cổ điển, nhạc dân tộc.

 

Khi các thể loại âm nhạc được giới thiệu đồng đều, người nghe sẽ tự tìm được những nhân tố xuất sắc nhất trong mỗi thể loại âm nhạc đó. Khi có nhiều người nghe nhạc tốt hơn, các nghệ sĩ cũng phải làm việc tốt hơn, tiếp tục cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm. Nó giống như một kim tự tháp, cứ lên cao mãi.

Báo chí, truyền thông có vai trò rất lớn. Nếu cung cấp một đời sống âm nhạc phong phú, đưa ra nhận xét đúng, kích cầu các thể loại khác nhau trong từng giai đoạn... thì cả xã hội sẽ tiếp thu được những ý kiến và tri thức đó. Khán giả sẽ đi tìm kiếm, thử nghe, trên cơ sở đó chọn được những gì mình thích và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội", Tiến sĩ Tạ Quang Đông - Học viện Âm nhạc Quốc gia chia sẻ.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC