Nguyễn Huy Thiệp: Chuyện văn, chuyện đờiCon người ta khi đã nếm đủ mọi đắng cay ngọt bùi của cuộc đời thì thường đúc kết được nhiều kinh nghiệm sống. Tôi nhận thấy Nguyễn Huy Thiệp là một con người có bề ngoài hiền lành, không giỏi ăn nói, nhưng khôn ngoan trong cách tránh né những câu hỏi "nhạy cảm", và có cách nhìn đời thật sâu sắc.

Tôi không muốn nói nhiều đến các sáng tác của ông, cũng không nói thêm về việc ông tham dự vào các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh. Chỉ xin nhận xét về triết lý sống của ông, một triết lý sống phức tạp và có không ít mâu thuẫn.

 

Lời đầu tiên Nguyễn Huy Thiệp nói về nghiệp văn là người ta không thể sống được bằng nghề văn, vì nó đòi hỏi sự kiên trì và đôi khi là cả sự dũng cảm. Ông khuyên tất cả các bạn trẻ hãy sống thật tốt, đọc thật nhiều và đi nhiều để tích lũy vốn sống và lúc đó bắt tay vào viết cũng chưa muộn.

Lời khuyên này có lẽ bắt nguồn từ bản thân ông với hơn mười năm sống ở miền núi làm một anh giáo làng, sống và ngụp lặn trong kho tàng tục ngữ ca dao. Và khi trở về, cái vốn sống tràn trề ấy đã làm nên một Nguyễn Huy Thiệp với giọng văn táo bạo và không thể hòa lẫn với bất kỳ ai.

Có lẽ bởi vốn sống quá nhiều đã làm nên một mảng triết lý trong tầng sâu văn hóa những tác phẩm của ông, để từ đó cái tên Nguyễn Huy Thiệp len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Và có một điều ông nói khiến tôi cứ tự hỏi rằng, tại sao con người ta khi làm văn học nghệ thuật phải gạt bỏ hết chính trị sang một bên.

Điều này có thể mâu thuẫn, bởi Nguyễn Huy Thiệp là người sống nhiều năm ở miền núi cao, cảm giác bị lãng quên rồi bỗng một ngày trở về và viết văn. Trong khoảng thời gian mười năm ấy, ông đã đọc rất nhiều sách triết học với những triết lý sống riêng biệt của mình, ông cũng đã tham khảo nhiều kiến thức của cha ông với những kinh nghiệm về đời sống chính trị và xã hội nhưng ông vẫn một mực cương quyết như vậy.

Khi được hỏi, với ông văn chương có vị trí như thế nào? Ông nghĩ một lúc và trả lời rằng "Hành hữu dư lực tắc dĩ học văn" - với Nguyễn Huy Thiệp, viết văn chỉ có thể là một công việc phụ, là nghề tay trái, được làm khi ông còn dư sức. Đó có thể cũng chỉ là một câu nói khách sáo của ông để che đậy cho những tham vọng của một con người đã mất nhiều công sức cho văn chương.

Nguyễn Huy Thiệp: Chuyện văn, chuyện đời_0
(Ảnh: Xuân Anh - Vietimes)

Thực sự trong buổi nói chuyện với chúng tôi, ông không một lần nào có những câu nói hạ thấp nghề văn theo cách nghĩ "lập thân tối hạ thị văn chương" của không ít nho sĩ thời xưa. Sự khác biệt có lẽ nằm ở chính địa vị xã hội của ông: Một người thường dân phải tự bươn chải cho cuộc mưu sinh. 

Tôi thấy một Nguyễn Huy Thiệp dung hội được nhiều triết lý sống, trong ông có cả chất phương Đông và phương Tây, một Nguyễn Huy Thiệp mạnh mẽ và dám đương đầu. Ông tỏ ra thật sự am hiểu những luận thuyếtnhà Phật: Cuộc sống vốn "vô thường"; không nên quá phân biệt thiện ác, đúng sai, tất cả những thứ đó chỉ là "thị phi"; hãy yêu cuộc sống của chính mình…

Qua những gì ông nói, chúng tôi nhận ra một Nguyễn Huy Thiệp như lột xác với việc sang "bến bờ bên kia" (Đáo bỉ ngạn) và bình thản với cách úp mở "sắc không" - một Nguyễn Huy Thiệp khác với ảnh hưởng của tư tưởng Nho gia, ông thích sống "trung dung" theo cách của Mạnh Tử và cũng thích cách nói dân dã nhưng đôi lúc cũng chua ngoa của Nguyễn Khuyến.

Theo GS Nguyễn Đăng Mạnh thì Nguyễn Huy Thiệp thích hù người ta trong mớ bòng bong đủ thứ triết lý chứ thật ra ông không sâu sắc mà còn nhiều điểm mù mờ trong kiến thức. Ý kiến ấy dù đúng, dù sai thì cũng phải thừa nhận một điều rằng, trong văn Nguyễn Huy Thiệp có nhiều nét rất riêng, rất Nguyễn Huy Thiệp mà người đọc không bao giờ nhầm lẫn được với bất kỳ nhà văn nào trong đời sống văn chương hôm nay. Và trong những nét riêng ấy, ta thấy có hàm ẩn nhiều triết lý mà người đọc không dễ lĩnh hội hết được.

Trong một bài viết nào đó, Nguyễn Huy Thiệp đã mù mờ nói về nguồn gốc Chàm của mình, và nếu đúng như ông nói thì ông mang dòng máu văn minh và lắm văn tài. Và tôi đang tò mò muốn biết năm ông vua vĩ đại nhất dân tộc Việt mà ông đang chọn viết là những ai. Liệu trong đó có một ông vua của Nho học như Lê Thánh Tông?

Tôi cứ ám ảnh với câu chuyện Nguyễn Huy Thiệp dựng lên về cuộc đối chọi giữa Quang Trung và Gia Long, hay chiếc bình gốm "thời Hồ" hay "thời Bắc thuộc" mà đứa bé đã vô tình thò tay vào khi đang trên thuyền sang sông… Đó phải chăng là những ngầm ẩn phá phách của nhà văn này. 

Nguyễn Huy Thiệp: Chuyện văn, chuyện đời_1
(Ảnh: Xuân Anh - Vietimes)

Điều cuối cùng tôi xin nhận xét thêm là văn Nguyễn Huy Thiệp giầu hình ảnh và hết sức đa dạng trong cách xây dựng nhân vật. Thật hiếm nhà văn Việt Nam nào lại có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim như ông.

Những bộ phim chuyển thể ấy đều nhận được những thành công nhất định nhưng không hẳn đã nhận được sự tán thưởng của chính Nguyễn Huy Thiệp, rất có thể một con người tài năng, kiêu hãnh và luôn không bằng lòng như ông đến một lúc nào đó sẽ viết kịch bản phim - giống điều mà ông đã từng làm với sân khấu. 

Tôi nhìn cái dáng ông, một vẻ lam lũ không giống với nho sỹ văn chương, cái dáng vẻ lam lũ đã tạo nên một thương hiệu nhưng không hiểu sao trong đôi mắt ấy, trong lời nói ấy vẫn ẩn sâu phía trong một nỗi buồn vô cùng sâu xa.

Phải chăng cái tài của ông đã không được trọng dụng như ông mong muốn, và quay về với cuộc sống vô thường, với những "trung dung" và "sắc sắc không không" như ông nói với mọi người - âu đó cũng là cái số mà mỗi con người trong cuộc sống hôm nay đều phải trải qua!

Theo Kinh tế Đô thị.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC