Sáng ngày 16/8, chúng tôi nhận được thông tin phản ánh từ netizen là hàng xóm của một nữ ca sĩ A (tên ca sĩ đã được thay đổi - PV) rất nổi tiếng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Người này chia sẻ, trong nhà của nữ ca sĩ A có người nghi là F0 (nghi nhiễm Covid-19) nhưng gia đình đã tự gỡ biển thông báo và dây giăng kiểm dịch, người nhà còn ra vào, đi chợ...
Điều này khiến cho người dân xung quanh rất lo lắng về việc phòng chống dịch bệnh.
Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã liên lạc với bà H, tổ trưởng tổ dân phố khu vực ca sĩ A đang sinh sống. Bà H cho biết: "Biển gắn lên rồi nhưng bị tháo xuống, dây cũng giăng lên nhưng chắc nhà đó tháo xuống hoặc kéo dây xuống thấp đó. Cô A bị đó, cô A có bệnh đó. Hôm qua thấy xe cấp cứu tới nhưng chắc điều trị ở nhà, đem bình oxy tới rồi, xe cấp cứu hình như của bên BV quốc tế chứ không phải BV 115".
Hàng xóm của nữ ca sĩ A phản ánh về việc nhà cô tự ý tháo dây kiểm dịch, trong nhà có người nghi là F0 nhưng vẫn ra vào, đi chợ...
Hỏi thêm về việc có văn bản xác nhận F0 đang điều trị tại nhà hay không, cô tổ trưởng H cho biết vấn đề này bên công an khu vực sẽ trả lời. "Tôi chỉ được công an khu vực báo rằng gia đình này có người F0, nhà cũng đông người nhưng những người còn lại đã được tiêm một mũi vaccine rồi".
12h trưa cùng ngày, chúng tôi có mặt ngay trước nhà nữ ca sĩ A. Thời điểm ghi nhận, trước ngôi nhà này không dán biển thông báo và giăng dây cách ly y tế đối với khu vực cách ly y tế. Hỏi chuyện một người hàng xóm, anh này cho biết: "Không rõ nhà đó có F0 hay F1, nhưng nhiều người ra vào. Họ có giăng dây nhưng tháo ra rồi, vứt ngay dưới đất ấy".
Tiếp tục liên hệ với anh H.M.H, Trưởng trạm của phường (thuộc Tổ phản ứng nhanh của Quận Bình Thạnh) để tìm hiểu thực hư chuyện người nhà nữ ca sĩ có tự ý gỡ dây giăng kiểm dịch như phản ánh của hàng xóm hay không, anh H. cho biết vấn đề này thuộc thẩm quyền của công an và uỷ ban, tổ phản ứng nhanh chỉ được điều động đi giăng dây các nhà có F0 theo chỉ đạo. Tuy nhiên anh H. cũng cho biết thêm về quy định gỡ dây giăng/rào chắn như sau: "Sau 14 ngày, nếu xét nghiệm lại âm tính thì mới được gỡ bỏ dây giăng".
Vào lúc 12 giờ trưa ngày 16/8, không có bất kỳ tấm biển thông báo nào ở trước cửa nhà nữ ca sĩ này. Thế nhưng, đến 4 giờ chiều cùng ngày, một chiếc biển đỏ thông báo thời gian cách ly đã được gắn lên
Tương tự, nhà của nữ ca sĩ này vào thời điểm ghi nhận buổi trưa cũng không có sự xuất hiện của bất kỳ chiếc dây giăng kiểm dịch nào. Thế nhưng, đến 4h chiều, một chiếc dây phong toả đã được căng lên
Biển cảnh báo nền đỏ trước cửa nhà ca sĩ A bị cửa cuốn che mất một nửa
Dây kiểm dịch được giăng trước nhà của nữ ca sĩ A nghi có người là F0. Gia đình nữ ca sĩ này sẽ phải thực hiện cách ly từ ngày 10/8 đến ngày 24/8 và không được tự ý tháo gỡ dây giăng để đảm bảo an toàn
Sau khi thông tin với chính quyền địa phương, đến 4h chiều cùng ngày, chúng tôi quay trở lại tiếp tục ghi nhận tình hình. Đáng chú ý, lúc này cửa nhà của nữ ca sĩ A lại có gắn biển đỏ thông báo và giăng dây kiểm dịch.
Được biết theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F0, F1 được cách ly tại nhà nhưng phải đảm bảo là nhà riêng lẻ (biệt thự, liền kề và nhà ở độc lập). Trước cửa nhà, chủ hộ phải treo biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: "Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19". Biển đỏ thông báo trước nhà ca sĩ A ghi rõ thời gian cách ly từ ngày 10/8 đến hết ngày 24/8. Biển thông báo này bị che hơn nửa bởi cửa cuốn.
Như vậy, căn cứ vào thời gian cách ly y tế trên tấm biển thì lẽ ra biển đỏ và dây giăng đã phải xuất hiện ở đây từ ngày 10/8. Trong khi đó, theo phản ánh từ người dân và ghi nhận trực tiếp của chúng tôi vào trưa 16/8, đã không hề có cảnh báo này.
Điều kiện F1, F0 cách ly tại nhà
Từ tháng 7/2021, được sự chấp thuận của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh thí điểm cách ly, điều trị những trường hợp F0, F1 tại nhà.
Về triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng, thành phố cho thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1, tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định. Các trường hợp F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc, tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.
Ngoài ra, văn bản nêu rõ, đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), thành phố áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, toàn bộ thành viên trong nhà, gia đình không được phép đi ra ngoài, người F1 phải hạn chế tiếp xúc, bố trí khu vực phòng riêng cho người F1 nếu có thể, bố trí các đồ dùng cá nhân riêng, ăn riêng, thùng đựng rác riêng, vệ sinh khử khuẩn khu vực vệ sinh chung sau mỗi lần người F1 sử dụng.
Đến giữa tháng 8/2021, TP.HCM mở rộng đối tượng F0 được cách ly tại nhà.
Người F0 có khả năng tự chăm sóc bản thân, có máy đo SpO2 thường xuyên liên tục, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu. Đối với trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền không tự chăm sóc cá nhân được thì cần có người hỗ trợ và chăm sóc khi cách ly tại nhà.
Theo Nhịp Sống Việt