Nhà báo khóc, cười vì nghệ sĩCó những niềm vui và không thiếu những hiểu lầm trong mối quan hệ giữa các cây viết nổi tiếng về văn hóa văn nghệ và dàn sao Việt.

Từ Nữ Triệu Vương - Tạp chí Mốt và Cuộc Sống:"Tôi đã bị nhiều người viết bôi xấu trên diễn đàn".

Trong nghề làm báo giải trí, đã đôi lần tôi bị ngã, những cú ngã khiến tôi bớt “lửa” hơn với nghề. Đó là những ngày tháng mới chập chững vào nghề, khi viết một bài phỏng vấn những người phụ nữ lấy chồng kém tuổi, tôi đã gặp phải sự cố.

Nội dung là câu chuyện người nổi tiếng kể về những mối tình và cuộc hôn nhân của mình, nhưng khi bài lên trang, cái title do người biên tập giật lên "Nạ dòng yêu trai trẻ, tại sao không?" đã khiến tôi giật mình.

Tôi đã bị nhiều người viết bôi xấu trên diễn đàn, blog. Điều đó không ảnh hưởng gì đến tôi. Nhưng có lẽ tôi thật sự buồn khi mất đi một người chị, người mà tôi đã đưa vào làm nhân vật trong bài viết của mình. Chị đã tin tôi, trò chuyện rất cởi mở, và không nghĩ là tôi sẽ đưa lên mặt báo với nội dung và cái title “ác” như thế. Sau này, tôi luôn cố gắng nói lời xin lỗi với chị, nhưng chị đã không nhìn mặt tôi. Tôi đã rất buồn và ân hận vì bài viết đó.

Khi có dịp vào công tác Sài Gòn, cuộc gặp gỡ giữa tôi và Vũ Lynn Cathy (vợ cũ Johnny Trí Nguyễn) như một cái duyên. Cathy đã rất kín tiếng sau khi ly dị chồng. Tôi vẫn nhớ cuộc gặp gỡ ấy, Cathy là một phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp và nhạy cảm.

Trong cuộc trò chuyện về cuộc hôn nhân đổ vỡ của mình, Cathy đã khóc rất nhiều. Tôi luôn tự hỏi tại sao Cathy đẹp như vậy, yêu người đàn ông của mình đến vậy, hy sinh bản thân và hậu thuẫn cho người đàn ông của mình hết mực vậy, sao anh ta vẫn ra đi? Tôi đã cố gắng ru ngủ mình bằng cách cho rằng: Bản chất của đàn ông là phản bội.

Tôi đã rất yêu mến đôi mắt mầu nâu buồn của Cathy, và đôi bàn tay gân guốc của cô ấy. Một phụ nữ có đôi bàn tay gân guốc như vậy sẽ khó có một cuộc sống viên mãn.

Có một điều khiến tôi ân hận trong lần phỏng vấn Cathy, tôi đã vô tình để cô Tư, người giúp việc của gia đình Cathy bị đuổi việc. Sau khi bài báo được lên trang nhất, cô Tư thút thít gọi điện cho tôi nói rằng Johnny rất tức giận. Johnny đã đuổi việc cô vì lời chia sẻ của cô trong đó. Tôi bối rối vì vô tình đẩy một người đàn bà nghèo khó vào tình cảnh mất việc.

Dương Bình Nguyên - Báo Công An Nhân Dân: "Bi kịch của mỗi người chỉ chính họ mới hiểu".

Nhà báo khóc, cười vì nghệ sĩ_0

 

Một trong những nghệ sĩ tôi rất ấn tượng là NSƯT Chí Trung. Anh hẹn phỏng vấn ở quán bia hơi thịt chó, nói chuyện tưng bừng, vui vẻ. Dù 3 năm sau bạn gọi điện lại, anh ấy vẫn còn lưu số của bạn và chào hỏi rất tình cảm. Chí Trung cũng là một trong số hiếm hoi nghệ sĩ phía Bắc biết chia sẻ khó khăn với phóng viên, rất nhiệt tình và... rất biết điều nữa. Tôi nói thế vì thấy có nhiều ngôi sao luôn không rõ ràng, cứ ậm ừ rồi đặt phóng viên vào tình huống khó xử, mất thời gian. Có những người bắt phóng viên làm quá nhiều thứ để rồi lại nói, thôi, không lên báo nữa hoặc là không chịu hợp tác.

Một trường hợp khác là diễn viên Mỹ Uyên. Mỹ Uyên cũng là một nghệ sĩ mà từ các bài phỏng vấn, thường xuyên hỏi thăm nhau, qua lại rồi thành chia sẻ với nhau như những người bạn. Uyên rất sẵn lòng và sẽ là "cứu tinh" trong những tình huống hạn nộp bài ngặt nghèo, điều mà phóng viên nào cũng phải đối mặt. Chưa hết, Uyên còn giúp sức phóng viên khi liên hệ với những nhân vật ít xuất hiện trên báo chí. Thông qua Uyên, tôi mới có thể gặp được Huy Khánh và trong cuộc trò chuyện đó, vì có Mỹ Uyên... bảo lãnh, nên Khánh rất vui vẻ, trò chuyện rất thành thật và chúng tôi đã đạt được tới mức tâm sự, chia sẻ như hai người bạn. Và từ cuộc trò chuyện đó, tôi cũng thấy chia sẻ với Huy Khánh nhiều điều. Khánh không đáng lên án như nhiều người vẫn nghĩ. Bi kịch của mỗi con người chỉ chính họ mới có thể hiểu và giải quyết được mà thôi.

Lương Trọng Nghĩa - Tạp chí Người Đẹp: "Sau những trải nghiệm đau đớn, tôi luôn đặt mình vào vị trí của nhân vật để viết sao cho công tâm nhất".

Tôi bắt đầu đi viết báo từ những năm đại học, vừa để có kinh nghiệm, vừa để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Khi ấy, sinh viên nghèo lắm, tôi nhớ như in cảnh mình đạp chiếc xe cọc cạch đến nhà diễn viên Văn Hiệp ở Trương Định (Hà Nội). Đến nơi mệt quá, thấy Văn Hiệp mang ra mấy chiếc kẹo lạc, tôi ngồi ăn rất nhiệt tình. Ăn xong thì uống gần hết một bình nước nhà ông.

Nhà báo khóc, cười vì nghệ sĩ_1

Sau này, khi chính thức trở thành nhà báo, nghề nghiệp gắn tôi với nhiều người đẹp. Tôi còn nhớ, lúc Mai Phương Thúy mới nổi sau cuộc thi Hoa hậu, cô ấy rất ngây thơ, không phân biệt được “les” hay “gay”. Có lần tôi - Mai Phương Thúy - nhà thiết kế Việt Hùng - ca sĩ Vân Quang Long sang Anh tham dự một chương trình văn hóa. Trong thời gian ở Anh, tôi và Vân Quang Long được một cậu người gốc Việt đưa đi thăm thú thành phố. Khi về, thấy Thúy cứ nhìn tôi chằm chằm rồi hỏi: “Chú, có phải chú và Vân Quang Long bị “ấy” không?”. Tôi ngạc nhiên: “Ấy là cái gì” - Thúy ngượng nói “Thì ấy là ấy đấy”. Mãi sau chúng tôi mới phì cười hiểu ra, ý Thúy hỏi, có phải tôi và Vân Quang Long đang “cặp” với nhau không. Khi ấy, vợ Vân Quang Long vừa sinh một cô con gái.

Kỷ niệm vui thì nhiều nhưng buồn cũng không ít. Trong những ngày đạo diễn Huỳnh Phúc Điền lâm trọng bệnh, tôi thường xuyên có mặt, theo dõi với tư cách nhà báo và tư cách một người thân vì anh Điền với tôi đã quen biết nhau một thời gian dài. Thế nhưng, tình cảm đó của tôi lại bị một số người đem ra làm trò đùa, cho rằng tôi mượn vụ việc này để nổi tiếng. Có người còn lên mạng viết bài mỉa mai tôi bằng những từ ngữ rất cay nghiệt. Tôi đau đớn vô cùng nhưng trải qua chuyện đó, tôi hiểu và thông cảm cho cái tổn thương của người nghệ sĩ khi bị hiểu lầm. Từ đấy trở đi, khi làm việc, tôi đều đặt địa vị của mình vào người nghệ sĩ để viết được công tâm nhất.

Chu Minh Vũ - Báo Sài Gòn Tiếp Thị: "Một bài viết khắc họa chân dung nghệ sĩ hoàn chỉnh, phải xuất phát từ một nhà báo gắn bó và coi người nghệ sĩ ấy như bạn của mình".

Tôi là người rất ngại tổ chức sinh nhật và luôn đón tuổi mới một cách âm thầm. Một lần, vào ngày sinh của mình, tôi bất ngờ bị Hà Anh Tuấn - Trần Thu Hà kéo ra quán café và dúi vào hai cái bánh kem. Đó là sinh nhật mà tôi rất vui, trò chuyện cả buổi bên những người bạn thân của mình.

Nhà báo khóc, cười vì nghệ sĩ_2

Thường thì, khi “tám” với Hà Trần, tôi quên hết cả thời gian. Hà lớn hơn tôi 2 tuổi, ngày xưa, tôi không thần tượng Hà mà thích ca sĩ khác. Càng lớn, gu âm nhạc thay đổi, tôi bắt đầu thích cách hát của Hà nhưng tôi làm bạn chứ không làm fan vì thần tượng thường xa vời quá. Hà ở Mỹ nhưng hầu như ngày nào cũng đọc báo Việt Nam, chat với tôi về chuyện nghệ sĩ, xem tin đồn thổi này kia có thật hay không. Hà không phải người thích lên báo và không phải nhà báo nào cũng phỏng vấn được. Nhưng với tôi, Hà luôn dễ dàng chia sẻ tất cả tâm sự về nghề và về đời. Nhờ thế, tôi có được những bài viết rất ưng ý.

Càng làm việc lâu với những người trong ngành giải trí, tôi càng nhận ra, bên cạnh những giao đãi xã giao, giả tạo, có những nghệ sĩ rất chân tình. Một bài viết khắc họa chân dung nghệ sĩ hoàn chỉnh nhất phải xuất phát từ một nhà báo gắn bó và coi người nghệ sĩ ấy như bạn của mình.

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC