Nhà hát giao hưởng mua nhạc cụ phải trình... Sở Xây dựngMuốn mua bộ nhạc cụ để chơi giao hưởng thì phải trình... Sở Xây dựng xem xét; còn mua đàn cũ để có âm thanh hay thì trên giấy tờ phải ghi là... đàn mới.

Chuyện thật như đùa xảy ra ở Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM khi nhà hát này lập dự án mua nhạc cụ dùng cho dàn nhạc giao hưởng.

Khi Sở Xây dựng duyệt mua… nhạc cụ

Nhạc trưởng NSƯT Trần Vương Thạch, phó giám đốc nhà hát kể với đoàn giám sát của các đại biểu Quốc hội hôm 12/8: "Muốn đầu tư nhạc cụ mới thì phải thông qua đấu thầu, mà muốn có đấu thầu thì phải thông qua Sở Xây dựng, đó là quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong khi sở lại không có chuyên môn về việc này".

Vị nhạc trưởng còn nêu thêm ví dụ, minh chứng cho những "tréo ngoe" gây ra bởi cơ chế đầy bất cập đối với âm nhạc giao hưởng và thính phòng hiện nay. "Các nhạc cụ dây như violon, violoncello, contrebasse mà chúng tôi đã mua qua thực ra là đồ cũ, vì đồ cũ mới có âm thanh hay. Luật quy định là phải mua đồ mới, nên trong giấy tờ chúng tôi vẫn phải ghi là đồ mới", ông nói.

Buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội đã cho thấy tâm trạng trăn trở, đầy bức xúc của những người nghệ sĩ gánh trên vai trách nhiệm trình diễn và quảng bá tác phẩm âm nhạc giao hưởng, vũ kịch Việt Nam ra thế giới.

Bức xúc của họ có nhiều điểm giống như tất cả các đơn vị hoạt động nghệ thuật công lập trên cả nước, tức: xoay quanh chuyện đầu tư của Nhà nước trên hai mặt: cơ sở vật chất và đầu ra cho tác phẩm; chế độ đãi ngộ tài năng, xét tặng danh hiệu…

Nhưng, việc "đổ đồng" âm nhạc giao hưởng, thính phòng với các bộ môn nghệ thuật khác để quản lý chung một kiểu, nhiều khi vẫn đưa họ vào tình thế dở khóc dở cười mà chỉ có họ rơi vào.

Đơn cử chuyện xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú và nghệ sĩ nhân dân, trong đó yêu cầu phải là nghệ sĩ có huy chương trong các kỳ hội diễn.

Cả nước hiện chỉ có hai nhà hát giao hưởng, một ở Hà Nội và một ở TP.HCM, nên không thể có chuyện hai nhà hát phải "đấu" với nhau bằng "hội diễn" để có huy chương. Trong khi, ra nước ngoài để tìm huy chương trong các cuộc đấu quốc tế không hề dễ dàng.

Riêng các nhạc công chơi nhạc trong một tập thể vài chục người thì không biết lấy tiêu chí nào để xét danh hiệu cho họ!

"Đội bóng một nửa cầu thủ đi chân đất"

Hay như chuyện biên chế và lương bổng. Nhạc sĩ Võ Đăng Tín, giám đốc nhà hát giao hưởng phân tích: Để có chân trong dàn nhạc giao hưởng, một nhạc công phải được đào tạo ít nhất 15 năm, trong khi cao lắm như ngành y cũng chỉ 6 năm. Nhưng khi tốt nghiệp, họ vẫn phải nhận lương bậc 1 như các sinh viên tốt nghiệp đại học khác.

Điều nghịch lý là trong khi rất thiếu tài năng và nhân lực, dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch muốn nhận một nhạc công thì lại vấp phải chuyện biên chế. Mà muốn có biên chế trong đoàn thì phải có hộ khẩu TP.HCM.

Quy mô một dàn giao hưởng ở mức vừa phải hiện gồm 60 đến 70 nhạc công. Nhưng số biên chế của nhà hát này chỉ có 68 người cho cả ba đoàn: giao hưởng, vũ kịch và nhạc kịch. Trong khi yêu cầu tối thiểu của một chương trình biểu diễn giao hưởng nhạc kịch phải có 120 diễn viên, nhạc công. Mỗi khi cần người, nhà hát lại phải "cầu viện" tới các giảng viên, sinh viên giỏi của Nhạc viện.

Ông Võ Đăng Tín ví von bất hợp lý này "giống như thành lập một đội bóng ngoài trời 11 người nhưng chỉ trang bị cho họ như là một đội bóng trong nhà gồm 6 người, số còn lại đi chân đất đá bóng".

Theo VNN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC