Việc bày bán các loại đồ chơi có tính bạo lực như súng, kiếm; tình trạng đặt giả hòm công đức; dịch vụ đổi tiền lẻ giá cao…ở hầu hết tất cả các di tích, lễ hội lớn tập trung đông người gây bức xúc trong dư luận.
Hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2013 vừa diễn ra sáng ngày 12/12 tại văn phòng Bộ với sự tham gia (qua trực tuyến) của đại diện các Sở địa phương, các ban quản lý di tích khu vực miền Bắc, khu vực miền Trung và miền Nam.
Trong năm qua, Thanh tra Bộ đã tiến hành kiểm tra tại 82 điểm lễ hội tổ chức tại các di tích trên địa bàn 17 tỉnh, thành phố. Theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ thì bên cạnh nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý lễ hội như: hầu như không còn hiện tượng thắp hương tràn lan trong nội tự; công tác phối hợp giữa các ngành chức năng được nâng cao; công khai niêm yết giá, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm… thì vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục.
Cảnh chen lấn xô đẩy tại lễ hội chùa Hương khiến nhiều người phải khiếp sợ (Ảnh: Quốc Cường- Anh Thế)
Mặc dù công tác đảm bảo an ninh trật tự được thắt chặt, tuy nhiên ở một số lễ hội vẫn chưa thực hiện được tốt, vẫn còn hiện tượng trộm cắp, móc túi… hoặc các trò chơi mang tính cờ bạc trá hình như Hội Lim, Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); tình trạng ăn xin, xóc thẻ, lên đồng, dịch vụ khấn thuê trọn gói… vẫn còn diễn ra ở một số lễ hội như: Phủ Tây Hồ, Đền Đức Thánh Cả (Hà Nội), Đền Mẫu (Lạng Sơn)…
Bà Lê Thị Tân Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng bức xúc cho biết: tại đêm khai ấn Đền Trần (Nam Định), Đền Hùng (Phú Thọ), Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) vào ngày chính hội vẫn còn tồn tại những cảnh ùn tắc, chen lấn xô đẩy rất phản cảm.
Ở một số lễ hội, việc đặt nhiều hòm công đức, khay tiền dầu đèn tại các điểm thờ tự vẫn còn, vẫn xảy ra tình trạng tiền nhét tứ tung gây mất mỹ quan và việc thu chi, sử dụng nguồn tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự vẫn chưa thống nhất; Việc bố trí các dịch vụ hàng quán còn lộn xộn, nhếch nhác.
Không những thế, theo ông Phạm Xuân Phúc, ban quản lý một số di tích còn tự ý làm thêm mái vảy, khung thép, lợp mái tôn, tiếp nhận công đức bằng hiện vật, thoải mái cho người dân bán hàng trong khu vực làm biến dạng di tích như ở Đền Bà chúa kho, Đền Côn Sơn - Kiếp Bạc hay Đền Phủ Nham…
Nhiều đồ chơi có tính bạo lực từng được bày bán tại Chùa Hương (Ảnh: Hồng Trần)
Nhìn lại hoạt động lễ hội trong năm qua, Thanh tra Bộ cũng thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện tiêu cực mới. Đó là tình trạng đặt giả hòm công đức tại lễ hội xuân Núi Bà Đen (Tây Ninh), Đền Bài Chúa Kho (Bắc Ninh). Tình trạng dịch vụ đổi tiền lẻ giá cao ở hầu hết các di tích, lễ hội lớn cũng gây bức xúc trong dư luận. Thêm vào đó, việc bày bán các loại đồ chơi hàng Trung Quốc có tính bạo lực như súng, kiếm… thản nhiên được bày bán trong nhiều gian hàng các lễ hội.
Hầu hết các ý kiến tại Hội nghị cũng tập trung đưa ra giải pháp chấn chỉnh những hành vi phản cảm tại lễ hội, đồng thời cũng yêu cầu gắt gao trách nhiệm của những người làm công tác quản lý, tổ chức lễ hội từ Trung ương đến cơ sở.
Trước tình trạng tiêu cực, nhiều biến tướng mới tại các lễ hội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh tại Hội nghị: “Cần ngăn chặn, không để lễ hội biến tướng thành phản cảm”.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đồng thời lưu ý đại diện các Sở, ban ngành địa phương cần hướng dẫn người dân tham gia lễ hội và thực hành tín ngưỡng một cách văn minh, nghiêm chỉnh. "Đây không phải là lĩnh vực dùng các mệnh lệnh hành chính để điều chỉnh mà xong. Chúng ta còn cần tới các biện pháp vận động, thuyết phục, tuyên truyền và làm gương cho người dân...", thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói.
Một trong những trọng tâm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014, theo thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái là việc bảo đảm trật tự, an toàn, vệ sinh trong thời gian diễn ra lễ hội.
Để đảm bảo mùa lễ hội 2014 diễn ra nhiều thuận lợi, Thanh tra Bộ cũng kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung các văn bản quy định các hành vi vi phạm và các chế tài xử phạt đối với người vi phạm.
Theo Dân trí.