Nhà văn, nghệ sĩ cầm cọ: Không chỉ là

Những tưởng viết và vẽ là hai lĩnh vực trái ngược nhau. Một đằng cần tư duy bằng ngôn từ, một nẻo tư duy bằng màu sắc. Ấy thế nhưng, các nhà văn của chúng ta ngày càng có nhiều người cầm cọ song song với tay bút. Phải chăng đây là một hướng chuyển mình của người làm công việc sáng tạo?!

Cuộc chơi tốn kém dài dài

Làng văn phía Bắc vừa chứng kiến cuộc triển lãm “Thi hứng” và “Hú họa” của hai nhà văn Trần Nhương và Nguyễn Khắc Phục. Tranh của hai vị này “phát hành” không thua kém các quyển sách mà họ đã xuất bản. Nhà thơ Trần Nhương thật thà rằng vẽ tranh để nuôi thơ: "Tôi thường ví von vui: “Thơ là vợ cả, hội họa là vợ hai”. Thời gian vừa qua, “vợ hai” nuôi “vợ cả”. Nhờ tiền bán tranh mà tôi in được thơ của mình, như tập Gió đang xoan ấy. Tính ra, tiền bán tranh cũng được cả nửa tỷ đồng. Rõ ràng thu nhập từ vẽ tranh cao hơn làm thơ rất nhiều”.

Nhà văn, nghệ sĩ cầm cọ: Không chỉ là
Hai nhà văn vẽ - Nguyễn Khắc Phục (trái) và Trần Nhương

Nghe hai nhà văn thuộc hàng “lực điền” trên “cánh đồng chữ” thổ lộ thấy mà ham, vì lâu nay có bao nhiêu nhà văn sống được bằng nhuận bút?!

Không chỉ có hai ông Nhương và Phục mới cầm cọ như thế. Danh sách các nhà văn cầm cọ “đùa vui với sắc màu” ở ta ngày càng dài. Có thể kể: Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Ước, Lê Thị Kim, Lê Minh Quốc, Đỗ Trung Quân, Phan Vũ… và người cầm cọ gần đây nhất có lẽ là nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên. Làng văn Sài Gòn đồn với nhau rằng, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên “bị” nhà thơ Lê Minh Quốc rủ rê cầm cọ.

Chắc là nhờ tài thuyết khách của nhà thơ Lê Minh Quốc nên nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên mới bị lôi cuốn bởi sắc màu. Trước đó, nhà thơ Lê Minh Quốc còn “dụ dỗ” nhà thơ Đoàn Vị Thượng vào con đường vẽ vời. Thế nhưng, Đoàn Vị Thượng đã không bị “dụ” vì cuộc chơi này quá tốn kém lại rất mất thời gian đối với anh.

Nhà thơ Lê Minh Quốc còn chỉ chỗ để các bạn văn của mình mua được cọ, toan, màu… với giá cả phải chăng. Theo Lê Minh Quốc, nên đến trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM để mua màu vì nơi đây giá bán rất… sinh viên. Lúc đầu cầm cọ, Lê Minh Quốc chỉ dám dùng màu nước vừa dễ vẽ vừa ít tốn kém.

Sau này khi vẽ đã “chắc tay”, anh mới dám dùng sơn dầu và vẽ trên khổ lớn. Còn nhà thơ Lê Thị Kim, do có thâm niên cầm cọ và hiện là chủ nhiệm CLB họa sĩ nữ Ngân Hà - TP.HCM, mỗi năm chị triển lãm chung khoảng 2 - 3 lần, nên màu chị dùng đa phần xài hàng xịn của Nhật, Pháp, Anh, Đức… Tốn kém là vậy, nhưng tranh của Lê Thị Kim được nhiều người hâm mộ sưu tập nên chưa hề… lỗ vốn.

Vui cửa nhà, vui cả láng giềng

Nhà thơ Trần Nhương vẽ để nuôi thơ thì ít nhất không phải móc hầu bao cho những tập sách giữa thời thơ phát hành rất khó này. Nhà thơ Lê Minh Quốc có những bức tranh như những món quà tặng bạn bè thì còn gì sang trọng, ý nghĩa hơn?! Lê Minh Quốc cho biết anh vẽ hoàn toàn theo cảm xúc, khi cảm xúc tượng hình thành màu sắc thì những con chữ không thể giãi bày.
 
Lê Minh Quốc đang ấp ủ một triển lãm cá nhân, trong đó sẽ trưng bày tranh của anh và độc chiêu hơn là những bức vẽ chung với các bạn văn của mình. Nhà thơ Lê Thị Kim nhờ bán được nhiều tranh, chị chẳng những dư tiền để in thơ mà còn có thể rủ các bạn viết trẻ thường xuyên đi nhậu và mua ủng hộ vài mươi cuốn sách mới xuất bản của họ.
 

Nhà văn, nghệ sĩ cầm cọ: Không chỉ là

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục bên các bức họa của mình

 
Nhà thơ cao niên Phan Vũ từ ngày có thú vui cầm cọ, dường như ông vui sống hơn khi phát hiện một nguồn năng lượng mới trong mình có tên là sắc màu. Phan Vũ đã tham gia nhiều cuộc triển lãm chung và tranh của ông được đánh giá khá cao.
 
Lâu nay, các nhà văn kể trên đã ít nhiều có người hâm mộ đồng hành cùng họ trên con đường “sáng tạo chữ” đầy gian khó. Thì bây giờ, bằng những bức tranh, các văn sĩ của chúng ta có thêm nhiều tri âm hơn nữa. Nhà thơ Lê Thị Kim cho biết, chị có một fan ở nước ngoài thường xuyên liên lạc hỏi chị có bức tranh nào mới thì gởi hình cho xem. Fan hâm mộ này mỗi năm sưu tập tranh của Lê Thị Kim khoảng 5 bức.

Không chỉ nhà văn mới vẽ

Các nhạc sĩ quá cố như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Từ Huy… ngoài nổi tiếng trong âm nhạc thì “tranh pháo” của họ cũng lung linh không kém. Tranh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được rất nhiều nhà sưu tập tìm mua, có thể vì tranh của ông có nhiều điều lạ mà cũng có khi chỉ vì “thương hiệu” nhạc Trịnh. Hai nhạc sĩ Văn Cao, Từ Huy thì vẽ có nghề hơn, bởi ngoài nhạc, hai ông “sống nhờ” các công việc liên quan đến mỹ thuật trong một thời gian dài.

Nhà văn, nghệ sĩ cầm cọ: Không chỉ là
Nhà văn, nghệ sĩ cầm cọ: Không chỉ là
NSND Trà Giang những năm gần đây cũng đã làm quen với cây cọ vẽ

NSND Trà Giang là người đến với mỹ thuật hơi muộn nhưng lại được học hành khá bài bản. Sau khi học vẽ tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, mỗi sáng thứ 6 hàng tuần tại nhà riêng, NSND Trà Giang đều cùng nhóm bạn mời thầy về dạy thêm. Đến nay, NSND Trà Giang đã có vài cuộc triển lãm chung và một triển lãm cá nhân vào năm 2006.
 
Tuy nhiên, số lượng tranh của NSND Trà Giang hiện có đủ để thực hiện khoảng 10 triển lãm nữa. Bà cho biết đã vẽ tranh để vơi bớt nỗi buồn sau khi chồng mất và con gái (nghệ sĩ piano Bích Trà) đi học xa. Xem ra ai cũng có thể cầm cọ, nhất là các nhà văn, nghệ sĩ… những người luôn xúc cảm tràn đầy với đời sống xung quanh.
 

Theo Hoàng Nhân
TTVH




 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC