Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Có lúc phải bó tay, bất lực “Chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng gian nan của trung tâm VCPMC không khác gì thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, để lấy được chân kinh phải trải qua những năm tháng vô cùng khó nhọc” – Nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ.

 Gian nan không khác Đường Tăng đi thỉnh kinh

- Mười năm qua, ông thấy có những thay đổi gì trong nhận thức về bản quyền từ khi ông thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC)?

- VCPMC được thành lập hơn 10 năm nay, từ tháng 4/2002 mà đến 2005 mới chính thức có bộ Luật sở hữu trí tuệ, và đến năm 2009 bộ luật được sửa lại và bổ sung cho chuẩn mực, chính xác hơn. Như vậy chứng tỏ rằng sự ra đời của VCPMC là một động thái khá tích cực, năng động và có sự cảm nhận luật pháp sớm và rất rõ về quyền tác giả.

Nhận thức của xã hội đối với quyền tác giả nói riêng, quyền sở hữu trí tuệ nói chung vào năm 2002 còn khá mơ hồ nhưng đến cách đây một vài năm nó bắt đầu được phổ cập rộng rãi trên các phương tiện truyền thông cũng như trong đời sống. Điều đó chứng tỏ VCPMC đã làm được công việc vận hành nhận thức của xã hội, một quá trình lăn lộn hết sức nhiệt tình trong việc đưa khái niệm quyền tác giả vào đời sống. Chúng tôi vui mừng khi đến bây giờ khái niệm đó đã trở nên quá quen thuộc rồi.

- Từ chỗ khái niệm bản quyền tác giả âm nhạc chưa bao giờ được người sử dụng biết đến, cho đến nay mỗi năm VCPMC thu được vài chục tỉ đồng bản quyền âm nhạc cho hơn 2300 nhạc sĩ ủy thác, theo ông, đây có phải là một bước tiến lớn?

- Đó thực sự là một bước tiến khá dài. Mỗi năm chúng tôi thu được hơn 2 triệu USD, đây là con số rất nhỏ so với hoạt động kinh tế ở nước mình hay so với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả ở các quốc gia khác, nhưng với hoàn cảnh ở Việt Nam thì con số đó đã cho thấy nỗ lực của chúng tôi lớn thế nào.

- Và hẳn để có ngày hôm nay, những “cực nhọc” 10 năm qua khi ông đứng ra thay mặt anh em nhạc sĩ đi đấu tranh để thu tác quyền là không ít?

- 10 năm trước, khái niệm quyền tác giả còn lạ lẫm không chỉ với người dân mà con xa lạ với nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải đem quy định cơ bản đó để giải thích, để vận động và có lúc phải đấu tranh để luật pháp được thực thi. Mà có đấu tranh thì có tổn thương nên thật sự có những lúc vô cùng mệt mỏi. Chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng gian nan của VCPMC không khác gì thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, để lấy được chân kinh phải trải qua nhưng năm tháng vô cùng khó nhọc.

Có những lúc phải bó tay và bất lực

- Năm ngoái, vụ liveshow Chế Linh lùm xùm chuyện không đóng tiền bản quyền, ông đã phải thốt lên: “Vô cùng đau lòng, buồn tủi và bẽ bàng bởi rất nhiều bầu show không coi hàng nghìn nhạc sĩ ra gì”. Chừng đó có đủ để nói hết những bẽ bàng mà VCPMC và cá nhân ông phải gánh chịu suốt những năm qua không?

- Sự cố gắng của chúng tôi 10 năm qua là vô cùng lớn, nhưng nó đã cho kết quả rõ rệt. Ba, bốn năm về trước, thành tựu của chúng tôi là năm sau gấp đôi năm trước. Còn mấy năm nay thì mức tăng trưởng 30%. Thế có nghĩa là kết quả không phụ lòng chúng tôi.

Đúng là có những lúc mình phải bó tay và bất lực. Vì có những người cố ý trốn tránh luật pháp về quyền tác giả, chúng tôi không có cơ chế nào để bắt họ thực hiện nghĩa vụ của mình. Nhưng với quyết tâm không giới hạn, chúng tôi sẽ đấu tranh để bảo vệ niềm tin mà mình theo đuổi đến cùng.

- Hầu hết giới bầu show ở phía Bắc không sợ VCPMC bởi một số cơ quan chức năng hiện không có động thái ủng hộ VCPMC. Họ không bắt các công ty tổ chức biểu diễn đóng phí tác quyền khi xin giấy phép tổ chức biểu diễn. Ông có buồn lòng trước sự dửng dưng ngay cả của cơ quan quản lý văn hóa như thế này không?

- Đúng là nếu như các cá nhân và cơ quan liên quan cứ nghiêm túc thực thi theo quy định của luật pháp thì khó khăn sẽ giảm đi rất nhiều. Muốn những bầu show, hay những nhà tổ chức chương trình nghiêm túc thực hiện những quy định của luật pháp thì bản thân các cơ quan quản lý nhà nước phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ để luật pháp được thực thi nghiêm túc. Nhưng quả thực quy chế biểu diễn trước đây của Cục Nghệ thuật Biểu diễn lại không quan tâm đến vấn đề đó. Nếu được sự giúp đỡ như vậy của các cơ quan quản lý thì công việc chúng tôi đang làm sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều.

- Được biết hiện VCPMC thậm chí còn phải cử người đến tận nơi, tận chương trình để đòi phí tác quyền, không có động thái nào để hoạt động hiệu quả hơn sao, thưa ông?

- Chúng tôi phải kiên trì, không mệt mỏi vì nhận thức là cả một quá trình, nó thay đổi theo thời gian, theo từng tháng, từng năm. Tôi tin sự kiên trì đó mang lại kết quả.

- Gần đây Hiệp hội công nghiệp ghi âm RIAV và các cá nhân như NSND Trần Bình đều lớn tiếng đòi thành lập trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc khác để cạnh tranh với VCPMC. Cá nhân ông nghĩ sao về những động thái này?

- Nếu hiểu trung tâm tác quyền như một cơ sở kinh doanh thì đương nhiên không có ai ngăn cản tiếp tục có thêm các cơ sở kinh doanh khác, vì quy định của luật pháp là tự do kinh doanh. Thế nhưng, ở đây, chúng tôi không hoạt động như một cơ sở kinh doanh cho nên việc nhìn nhận vấn đề không tuân theo quy luật đó được.

Chúng tôi hiện là một tổ chức tập thể đại diện cho tác giả, là thành viên của Liên minh quốc tế các nhà soạn nhạc và lời (CISAC). Việc thành lập một trung tâm tương tự phải xem xét quy định của luật pháp, xem xét hiện trạng hệ thống tổ chức quản lý tập thể ở nước ta hiện nay và ý chí của tập thể các chủ sở hữu quyền nữa.

Vậy thì có nên có một tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc nữa không trong khi có một tổ chức đã bám rễ sâu vào đời sống xã hội Việt Nam cũng như vào hệ thống quyền tác giả âm nhạc thế giới như VCPMC?

Không ngại sứt mẻ tình cảm vì việc chung

- Đầu năm nay, cũng vì những khúc mắc với một số cơ quan chức năng mà VCPMC và cá nhân ông đã bị lên tiếng tố cáo đủ điều. Khi bị buộc tội và khi bị người ta phủi bỏ toàn bộ những công lao của VCPMC suốt 10 năm qua, ông cảm thấy thế nào?

- Khi tình nguyện đứng trong công việc phức tạp này thì mình phải chấp nhận những éo le và gian truân kiểu như vậy. Có lúc tôi cũng thấy buồn lòng vì toàn bộ anh em trong VCPMC đều đã hết lòng, hết sức nghiêm túc vì công việc này, để VCPMC được như ngày hôm nay. Dù sao thì mọi chuyện cũng qua rồi, chúng tôi vẫn tiếp tục cố gắng hoàn thành công việc của mình.

- Cá nhân ông cũng nhận không ít chê trách từ các nhạc sĩ như Phú Quang, Quốc Trung. Ông thấy mình có mất quá nhiều không khi đứng ra làm cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”?

- Tôi đã tự giác đi vào lĩnh vực này, mặc dù không thể chuẩn bị trước từng tình tiết nho nhỏ, nhưng cũng đã xác định tâm lý vững vàng cho mình rồi, không ngại những va chạm đôi khi là sứt mẻ tình cảm vì công việc chung. Chúng tôi đã có niềm tin tuyệt đối, thậm chí nói là ngây thơ, về những quy định của luật pháp đã được ban hành. Do đó khi có ai động đến niềm tin của chúng tôi thì chúng tôi phải bảo vệ niềm tin đó, tình yêu đó đến cùng.

 

Theo Sành điệu.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC