Chuyện, "tuy "chẳng có gì ầm ĩ", nhưng người khác vẫn phải lắng nghe" chăng?!
Ánh sáng tắt dần. Âm nhạc tắt dần. Các nhạc công rút dần khỏi sàn diễn. Trên sân khấu, người còn lại cuối cùng là anh, cô độc và nhỏ bé trước khi ánh sáng lịm hết, im lặng. Đêm "Thiện Thanh" kết thúc. Đó là thời điểm năm 1995, trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, khi xung quanh Quốc Trung có đầy đủ các thành viên của ban nhạc danh tiếng nhất trong làng nhạc xứ Bắc - ban Phương Đông, có cả "nữ hoàng nhạc nhẹ" Thanh Lam đang trong thời kỳ sung sức. Vậy mà kịch bản cho đêm "Thiện Thanh" ấy - tác phẩm âm nhạc mở đầu cho con đường world music sau này, lấy cảm hứng từ một bản giao hưởng của Haydn, lại như lời tiên đoán cho "số phận" của anh.
Giống như con cái của các gia đình âm nhạc Hà Nội, Quốc Trung theo học khoa piano tại Nhạc viện Hà Nội từ năm 12 tuổi. Tuy nhiên, ca sĩ Trung Kiên, cha anh, sớm thất vọng về cậu con trai độc nhất tỏ ra không hứng thú với khuynh hướng cổ điển, với dòng "chính thống" mà sớm bộc lộ niềm ham thích nhạc nhẹ.
Sau khi hoàn thành chương trình trung cấp piano tại Nhạc viện, Quốc Trung chuyển hướng sang học sáng tác và sau đó tu nghiệp tại Học viện Sofia (Bulgaria), nơi đào tạo nhạc nhẹ nổi tiếng gần như duy nhất lúc bấy giờ trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Thời gian tu nghiệp tại đây chỉ có một năm rưỡi nhưng lại vô cùng quan trọng đối với gần như toàn bộ con đường âm nhạc và cả đường đời của Quốc Trung sau này.
Trở về từ Bulgaria, Quốc Trung cùng nhiều đồng nghiệp trẻ (nhiều người cũng vừa từ nhạc viện nước ngoài trở về) như Hà "bass", Bình "lead", Quân "trống", Tuấn "Trình" tập hợp thành ban Phương Đông để có chỗ chơi thứ nhạc mình thích: nhạc jazz. Đó là vào cuối năm 1991. Nói cho chính xác, cây saxo Quyền Văn Minh mới là thủ lĩnh khởi xướng việc thành lập ban nhạc đầu tiên "khai sáng dòng nhạc jazz" Hà thành, "làm mưa làm gió" từ MetPub (khách sạn Metropole) đến Sunset Pub (khách sạn Đông Đô), vũ trường QueenBee này. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn bất đồng quan điểm, Quyền Văn Minh rời Phương Đông, ban nhạc chỉ còn lại cây saxo duy nhất Tuấn "Trình" - Trần Mạnh Tuấn.
Một cách tự nhiên, với vị trí điều khiển keyboard trong ban nhạc, đồng thời là người biên tập và phối bài, Quốc Trung trở thành thủ lĩnh của Phương Đông, ban nhạc gồm toàn các "cao thủ" đã giành vị trí quán quân tại Liên hoan các ban nhạc toàn quốc năm 1993, qua mặt toàn bộ các ban nhạc nhẹ Sài Gòn, vốn được xem là cái nôi của nhạc nhẹ cả nước (ban nhạc rock Đen Trắng của nhạc sĩ Ngọc Lễ lọt vào top 3 tại liên hoan này nhưng chỉ đứng vị trí thứ ba).
Song có lẽ quan trọng hơn cả, ở Bulgaria, Quốc Trung đã gặp Thanh Lam, khi ấy mới đoạt giải Ca sĩ được yêu thích nhất tại Liên hoan âm nhạc La Habana, Cuba, đã có một con gái và một lần đổ vỡ. Không ai biết lý do họ đến với nhau, bất chấp sự phản đối dữ dội của gia đình. Ngay cả cho tới khi họ chia tay nhau sau hơn 10 năm chung sống, ông Trung Kiên vẫn gọi cuộc hôn nhân đó là "cuộc thử nghiệm" mà cả gia đình "lặng lẽ đứng ở phía sau nín thở theo dõi".
Nhưng chắc chắn đó là một tình yêu lớn và dữ dội. Họ đến với nhau dữ dội - chỉ khi đứa con đầu tiên ra đời, bé Thiện Thanh, hai vợ chồng mới quay về nhà bố mẹ. Và họ chia tay nhau cũng trong dữ dội - thời điểm mà Quốc Trung thú nhận đó là "cú sốc" lớn nhất trong đời anh... Ở thời kỳ "đỉnh cao" nhất của cặp đôi này, một tờ báo đã gọi đó là sự kết hợp của Đen và Trắng. Một lặng lẽ, như sóng ngầm. Một ồn ào, như lửa phun. Với Quốc Trung, phải tự hiểu anh. Còn Thanh Lam, nếu không nói sẽ chẳng hiểu được! Sự đối nghịch hút họ lại với nhau và rồi cũng đẩy họ xa nhau. Thế nhưng, sự kết hợp rồi va chạm dữ dội của hai "đối cực" ấy đã mang lại cho âm nhạc sự thăng hoa.
Có Quốc Trung và Phương Đông, Thanh Lam trở thành ca sĩ đầu tiên ở Việt Nam có riêng cho mình một ban nhạc và trở thành ca sĩ được phong "diva" sớm nhất, thuyết phục nhất. Có Thanh Lam, Quốc Trung và Phương Đông từ một ban nhạc vũ trường, vùng vẫy trong cái "ao" nhạc jazz ngoại quốc, trở thành một Phương Đông rất đương đại, kết hợp với sự phóng túng và hiện đại của nhạc nhẹ phương Tây và chất liệu truyền thống Việt Nam.
Trong thập niên 1990, họ trở thành người khai phá những show diễn nhạc nhẹ ở Việt Nam với "Đêm huyền diệu", "Thiện Thanh", "Cho em một ngày"...Từ vị trí thủ lĩnh ban nhạc, Quốc Trung trở thành một trong những nhạc sĩ hoà âm hàng đầu và một nhà sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp.
Hạnh phúc và cả nỗi đau manh nha trong cuộc hôn nhân của họ cũng đều mang lại sự thăng hoa trong âm nhạc của cả hai người, đặc biệt với Quốc Trung, một người có vẻ ngoài "lạnh" nhưng thực chất lại sống rất nhiều bằng cảm xúc. Album "Thanh Lam - Mây trắng bay về" được làm năm 2001, cho tới nay vẫn được giới nhạc và những người yêu thích "người đàn bà hát" đánh giá là album hay nhất của Thanh Lam và cả ê-kíp Phương Đông, nhất là trên phương diện hòa âm phối khí.
Theo tiết lộ của các thành viên ban nhạc, được thực hiện trong thời gian xuất hiện những "cơn động đất", thời đỉnh điểm trước khi tan vỡ. Và khi họ chính thức chia tay (2004), Quốc Trung bất ngờ cho ra một loạt ca khúc đầy tâm trạng, mang dấu ấn rất riêng của anh: "Tre xanh ru", "Tình yêu ở lại", "Đố tình", "Con chim sâu", "Hòn đá trong vườn"... và hầu hết đều là những bài hát "ở lại" trong tim người yêu nhạc.
Chính những người bạn thân của Quốc Trung cũng bất ngờ với điều này. Trước đó, anh đã thử viết ca khúc nhưng kết quả đều là... vứt đi. Và sau đó, khi "đã hết buồn và hết vấn vương", thì Quốc Trung dường như cũng "hết sạch" nguồn cảm hứng với ca khúc.
Có nhiều người cho rằng, bước ra khỏi "cái bóng" của Thanh Lam (mà thực sự là tự nguyện lùi về phía sau), Quốc Trung mới thực sự được là mình và bộc lộ hết khả năng sáng tạo độc lập của mình. 10 năm sau "Thiện Thanh", anh có "Đường xa vạn dặm" (năm 2005), sau đó là "Vọng nguyệt" (2006) định hình ngày càng rõ con đường world music. Âm nhạc của anh xuất hiện tại nhiều liên hoan âm nhạc quốc tế như một đại diện của Việt Nam trong cuộc hòa nhập với âm nhạc thế giới, làm nhạc cho nhiều show diễn lớn trong nước, đưa phong cách world music lại gần hơn với công chúng trong nước, đặc biệt là giới trẻ. Quốc Trung thời kỳ "hậu Thanh Lam" nổi tiếng hơn với tư cách độc lập, có "thương hiệu", trở thành nhà sản xuất âm nhạc cho nhiều ca sĩ...
Thế nhưng, những người đã sát cánh cùng anh từ ngày Phương Đông còn dò dẫm những bước đầu tiên trên con đường âm nhạc, cũng như đã chứng kiến sự thăng hoa lẫn khủng hoảng của anh, lại không nghĩ vậy. Họ ngỡ ngàng và thán phục trước những sáng tạo đầy cảm xúc và dấu ấn cá nhân trong các ca khúc được viết trong một thời gian ngắn ngủi của người thủ lĩnh.
Họ ngi ngại với "Đường xa vạn dặm" và "Vọng nguyệt", khi ở đó, cái sáng tạo cá nhân dường như chỉ là thứ "bột ma-tít" (chất kết dính) những tinh hoa từ dân ca (những sáng tạo có sẵn); khi ở đó sự thích thú với cái mới dường như là kết quả của sự nhanh nhạy hơn là sự cực đoan; khi ở đó sự thông minh và thú chơi kỹ thuật dường như lấn át tâm trạng cá nhân của người sáng tạo. "Đúng là "đường xa vạn dặm", tôi cảm thấy sự tối tăm và ủ rũ, dường như nó không đi đến đâu" - một đồng nghiệp của anh thú nhận.
Có thể người đồng nghiệp ấy đã qúa bi quan. Nhưng kịch bản của "Thiện Thanh" năm 1995 đã thực hiện. Phương Đông rã đám dần, từ cuộc ra đi của Trần Mạnh Tuấn, Lương Bình, Vũ Hà. Bây giờ Thanh Phương - người thay thế ở vị trí lead guitar theo đuổi những dự án độc lập. Ngọc Quân - bộ gõ, "theo nàng" vào Nam, cũng có những dự án độc lập khác. Quốc Trung ở lại một mình với những dự án âm nhạc của riêng anh.
Thực ra, những người bạn, người đồng nghiệp, người anh em này không muốn "bỏ" Quốc Trung, nhưng sau khi chia tay Thanh Lam, Quốc Trung mất động lực "dâng hiến" (làm cho người khác), sự ích kỉ có sẵn trong bản tính người nghệ sĩ, và lại là con một, trỗi dậy. Là người ham mê cái mới và rất nhạy cảm với những xu hướng âm nhạc mới trên thế giới, một người gần như "hoàn toàn không bảo thủ", anh sẵn sàng lọ mọ hàng tháng trời trong phòng thu.
Không tìm ra ý tưởng mới, anh sẵn sàng để ca sĩ chờ dài cổ 2 -3 năm cho một album để rồi mang tiếng "lười". Và trước sự hấp dẫn của cái mới, anh sẵn sàng lao theo, sẵn sàng bỏ lại con đường cũ còn dang dở.
Mà con đường âm nhạc thì vạn dặm đường xa. Tình yêu đã dẫn anh đi những ngã rẽ quan trọng. Tình yêu đã cho anh sự dâng hiến. Và giờ đây tình yêu có ở lại cùng anh trên đường xa vạn dặm.
Theo Đẹp.