Nhạc trẻ Việt đang về đâu ?Bức tranh nhạc trẻ Việt hiện hữu rực rỡ, sống động và đầy hấp dẫn. Nhưng điều đó không làm cho những người sáng tác có trách nhiệm, có tâm huyết hết âu lo...

Các sân khấu ca nhạc luôn sáng đèn, các kênh ca nhạc dành cho giới trẻ được đầu tư nhiều. Các ca khúc nhạc trẻ - nhân tố quyết định cho sự phát triển của âm nhạc đại chúng Việt (V-pop) - cũng đang nở rộ. Đó là những tín hiệu phấn khởi mà chúng ta dễ cảm nhận. Nhưng nếu bạn là người thực sự có tấm lòng với V-pop cũng không khó để nhận thấy sự loanh quanh trên con đường tự hoàn thiện, định hướng và phát triển của các ca khúc nhạc trẻ hiện đại.

Xu hướng “lai căng”

Như một điều tất yếu, ca khúc nhạc trẻ Việt mang theo sự ảnh hưởng xu hướng âm nhạc của nhạc trẻ khu vực và thế giới trên con đường phát triển của mình. Khó tránh khỏi điều này khi trong dòng chảy âm nhạc hiện đại, chúng ta không ở vị thế tiên phong về  xu hướng. Các ca khúc quen thuộc của giới trẻ ngày nay, hay các ca khúc đang “làm mưa làm gió” trên các bảng xếp hạng V-pop, vì thế mà khi thì tràn ngập hơi thở của nhạc Hoa ngữ, khi tựa như nhạc Hàn dịch lời Việt... Nhiều người cảm thấy buồn. Nhưng  thực tế, trong thị trường nhạc trẻ vẫn đang xoay theo xu hướng tìm cách tự thỏa mãn giấc mơ hiện đại hóa bằng phương pháp nhanh và ít tốn công sức nhất.

Nhạc trẻ Việt đang về đâu ?_0
Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Đức Cường- một trong những nhạc sĩ đang cố gắng làm tươi mới ca khúc nhạc trẻ Việt.

Cuộc sống chẳng thiếu người vô tư lao theo guồng quay ấy để vừa được coi là thức thời vừa giải quyết nhu cầu kinh tế. Đó đây, trên các phương tiện truyền thông, một ngôi sao hàng đầu của nhạc trẻ Việt than thở; một ca sĩ nổi tiếng cá tính trong âm nhạc cũng cảm thấy lao đao;  và gần nhất – một nhạc sĩ sáng tạo đầy cống hiến cũng phát biểu: “Vỡ mộng”... Họ không chán đời, không chán người mà chán sự loanh quanh, đã thế lại còn tưng bừng phô trương cái gọi là xu hướng hội nhập và phát triển bề nổi của nhạc trẻ Việt thông qua các sáng tạo nghệ thuật (cụ thể là nguồn ca khúc dễ dãi đang phát triển nhanh hơn cỏ dại). Đối với họ, quan trọng nhất chính là tư tưởng, là ý thức - của những người tham gia xây dựng, thúc đẩy cũng như thưởng thức một hệ thống nhạc trẻ mang tính giải trí.

Ca sĩ + bầu show + nhạc sĩ =  tiền

Đành rằng, giải trí, phục vụ khán giả là đặc tính của nghệ thuật. Nhưng về mặt thưởng thức, khán giả yêu nhạc của V-pop nổi lên hai dạng thức trong số nhiều dạng thức: Một – a dua, dễ dàng và tự tạm lãng quên quyền được thưởng thức vẻ đẹp đa dạng của âm nhạc thông qua các sáng tạo mang nét cá tính của từng nghệ sĩ. Hai – học đòi, làm sang cho mình bằng giải trí... Họ chẳng sai, chẳng cần chính kiến, chẳng lo âu sao nhạc trẻ Việt cứ phải chạy sau kẻ khác, cũng chẳng ai dám trách họ.

Còn nghệ sĩ trẻ V-pop, bước khởi nghiệp đầy đam mê nhanh chóng qua nhanh. Những cái bắt  tay với bầu show đầy “chiến lược”: đôi bên cùng có lợi. Ca sĩ – bầu show – nhạc sĩ, cùng nghiên cứu thị trường. Ngày đêm toan tính thay đổi hình tượng... Rồi show đến ào ào: biểu diễn, đóng phim, tự viết nhạc luôn. Giới truyền thông cũng góp phần tung hô. Thi thoảng, họ xuất hiện cả trong các giải thưởng danh giá của giới chuyên môn.

Nếu nhìn vào, người ta sẽ phải thốt lên: thành công quá, tài quá, lại giàu nữa – trên người lúc nào cũng là những bộ đồ vài trăm triệu. Họ có vẻ hợp thời và đi đúng đường?! Trong một mớ bòng bong như vậy, chả mấy ai dại gì thử nghiệm, trăn trở sáng tạo.

Những người hoạt động trong showbiz (thị trường giải trí) Việt nhìn ngó nhau, dựa nhau mà sống thì mới thức thời. Ai buồn cứ buồn. Ai vui cứ vui. Bí quyết của chúng ta là hãy ngợi ca đích danh và hạn chế chỉ ra những cá nhân khiếm  khuyết. Bởi trong thời buổi này, không khéo chê bai cũng lại là một chiêu quảng cáo.

Theo Người lao động.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC