Những ngôi sao hại chết doanh nghiệpNhững scandal tai tiếng của các ngôi sao thời gian gần đây không những ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp của họ, mà còn khiến các doanh nghiệp đang sử dụng hình ảnh quảng cáo bị một phen điêu đứng vì trở tay không kịp.

Việc dùng người nổi tiếng để quảng cáo hay chứng thực cho sản phẩm lâu nay đã không còn là khái niệm mới mẻ trong chiến lược kinh doanh. Các “sao” với lượng fan hùng hậu, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn nhiều trong việc tiếp cận khách hàng và khuyếch trương thương hiệu. Chưa kể, những người nổi tiếng luôn có ảnh hưởng nhất định đến thái độ, suy nghĩ và nhận thức của người tiêu dùng. Một vận động viên thể thao nổi tiếng sẽ dễ dàng thuyết phục khách hàng tin vào chất lượng sản phẩm họ đang sử dụng hơn là một người bình thường không có tên tuổi. Và khi môi trường truyền thông đại chúng đang tràn ngập quảng cáo như hiện nay, việc sử dụng người nổi tiếng được xem là cách nhanh nhất thu hút sự chú ý của khách hàng.

Rất nhiều doanh nghiệp thành công rực rỡ khi sử dụng hình ảnh người nổi tiếng quảng cáo cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, thuê "sao" để quảng cáo cũng đồng nghĩa với việc các thương hiệu phải chấp nhận rủi ro khi họ gặp rắc rối cuộc sống riêng, thua trận trong cuộc thi đấu, hoặc dính vào bê bối tình dục. Chính vì thế, những ngôi sao “nói không với scandal” luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể lường hết những rủi ro xảy ra, mà đôi khi muốn tránh cũng khó. Tiền bạc tổn thất đã đành, nhiều công ty còn điêu đứng khi vô hình chung bị gắn với hình ảnh không mấy tốt đẹp của người đại diện.

Công ty Pepsi Việt Nam từng phải gánh chịu tổn thất nặng nề khi sử dụng hình ảnh cầu thủ bóng đá Văn Quyến quảng bá cho sản phẩm của mình. Ngay sau khi Văn Quyến dính vào vụ bán độ, Pepsi đã phải dỡ bỏ tất cả hình ảnh của ngôi sao bê bối này trên các sản phẩm của hãng. Sự cố đáng tiếc và bất ngờ khiến doanh số bán hàng của hãng nước giải khát danh tiếng bị sụt giảm nghiêm trọng. Tổn thất của Pepsi lúc đó không chỉ tính bằng tiền, mà còn bằng cả uy tín thương hiệu.

Tương tự, mạng di động HT Mobile đã chi cả tỷ đồng tài trợ cho bộ phim Nhật ký Vàng Anh, nhưng rồi đành ngậm ngùi tháo bỏ tất cả biển quảng cáo có in hình Hoàng Thùy Linh khi nữ diễn viên này dính scandal sex tai tiếng. Toàn bộ kế hoạch chiến lược quảng cáo, marketing của HT Mobile cũng theo đó mà tan biến như bong bóng xà phòng. Sự cố này bị xem là một trong những nguyên nhân không nhỏ dẫn tới tình trạng "tụt dốc không phanh" của thương hiệu mạng di động mới xâm nhập thị trường Việt.

Click the image to open in full size.

Vinamit mới đây cũng đứng ngồi không yên khi phải đưa ra quyết định có nên tiếp tục ký hợp đồng với Thủy Tiên hay không, khi mà độ rủi ro của nữ ca sĩ này luôn ở trong tình trạng báo động đỏ. Và ngay sau khi cuốn tạp chí có hình bán nude “bị gài” của Thủy Tiên và Công Vinh xuất hiện trên thị trường, Vinamit đã không cần phải đắn đo thêm nữa. Hợp đồng quảng cáo béo bở bị hủy khiến cô nàng tiếc đứt từng khúc ruột mà không biết trách ai. Dường như cũng thấy mệt mỏi, Thủy Tiên tạm ngưng xuất hiện trước công chúng trong một thời gian để xây dựng hình ảnh mới. Một trong những yếu tố được nữ ca sĩ đặt lên hàng đầu chuẩn bị cho hướng đi mới khi trở lại là tránh xa scandal và cố gắng dịu dàng hết mức có thể.

Click the image to open in full size.

Siêu mẫu Trang Nhung cũng phải sống thời gian dài thấp thỏm trong lo lắng bị hủy hợp đồng. Ngay sau khi những bức ảnh "rớt áo khoe ngực" của Trang Nhung được đăng tải trên một số diễn đàn, các trang báo mạng chuyên săn tin sốt dẻo cũng vào cuộc. Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, những tấm hình nhạy cảm nhất đã được gỡ xuống. Ít ai biết rằng, chính hãng Audi đã phải tìm mọi cách can thiệp nhằm giữ sạch hình ảnh thương hiệu có dính dáng tới chân dài này.

Những ngôi sao hại chết doanh nghiệp_0

Mới đây, hai nhãn hàng nổi tiếng cũng gặp không ít rắc rối khi nữ ca sĩ xinh đẹp làm đại sứ thương hiệu “bỗng dưng mang bầu”. Nhiều chiến dịch quảng bá sản phẩm bị trì hoãn vô thời hạn khiến uy tín và hình ảnh của hai thương hiệu giảm sút nghiêm trọng. Thay vì phải xuất hiện trong tất cả sự kiện quảng bá cho tên tuổi của hai nhãn hàng, người đẹp chỉ chọn một vài show. Thậm chí, hãng mỹ phẩm sau nhiều lần bị từ chối, đã ép cô phải xuất hiện trong một chương trình truyền hình công khai chuyện bầu bí, nhằm cứu vãn uy tín của nhãn hàng. Tuy nhiên, do một vài lý do khách quan mà nhãn hàng này đành “nhón tay làm phúc”, ngừng phát sóng buổi ghi hình.

Để hạn chế những rủi ro trên, các doanh nghiệp thường phải nghiên cứu kỹ lối sống cá nhân cũng như tiểu sử của ngôi sao mà họ dự định bắt tay hợp tác. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn đưa ra những điều khoản ràng buộc để hạn chế rủi ro hay chấm dứt hợp đồng nếu “sao” lâm nạn. Nhưng khi điều không muốn xảy ra, việc tổn thương hình ảnh thương hiệu không dễ gì khỏa lấp nổi. Do vậy, những người làm quảng cáo vẫn phải học thuộc lòng phương thức tuy cổ điển nhưng luôn hiệu quả, đó là hãy thận trọng mỗi khi đặt bút ký kết điều khoản với các ngôi sao nổi tiếng nhưng cũng đầy tai tiếng.

Theo NLĐ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC