Phim cổ trang nội địa thường gặp nhiều khó khăn, mà khó nhất là làm vừa lòng khán giả.
Từ trước đến nay, số lượng phim cổ trang, kiếm hiệp Việt Nam không nhiều. Những lý do khiến nhà sản xuất ít làm phim dạng này thì có thể là thiếu vốn đầu tư, kịch bản không hấp dẫn... Nhưng có lẽ, cái khiến nhiều người kiêng dè nhất là khán giả. Các "giám thị" nghiêm khắc ấy đã "làm khó" phim cổ trang Việt ở điểm nào?
Tạo hình, phục trang vừa xấu vừa giống Trung Quốc
Cái đập vào mắt khán giả đầu tiên chính là tạo hình và phục trang của các nhân vật trong phim. Hiển nhiên, đây là thứ bị đem lên "thớt" đầu tiên, chưa cần biết kịch bản sẽ như thế nào.
Phim "Thái Tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" bị chê vì trang phục của diễn viên giống Trung Quốc quá. |
Trước nay hiếm có phim cổ trang Việt nào không bị chê khâu phục trang. Chuẩn mực so sánh ở đây là Trung Quốc. Điều này không quá khó hiểu bởi khán giả đã quá quen thuộc với nhiều tác phẩm Hoa ngữ cùng thể loại được trình chiếu ở Việt Nam. Nó không chỉ in sâu trong lòng khán giả mà còn ảnh hưởng đến cả các nhà làm phim.
Có thể kể ra hàng loạt cái tên không tránh khỏi "dớp" bị đem ra so sánh: từ phim truyền hình như Anh chàng vượt thời gian đến các tác phẩm điện ảnh Thiên mệnh anh hùng, Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long... Phần đông khán giả cho rằng, những phim này có phục trang chẳng nhìn ra được "hồn Việt". Ngay cả Mỹ nhân kế mới đây, dù được khen tấm tắc vì các kỹ nữ ăn vận xinh đẹp thì vẫn có người mới liếc nhìn đã thấy nhang nhác "màu sắc Trung Hoa".
Khán giả chê trang phục có cái lý của họ. Những phim được kể tên trên ít nhiều đều mang bóng dáng của "người hàng xóm". Tuy nhiên, ngay cả phim có trang phục thuần Việt như Thạch Sanh thì vẫn đồng cảnh ngộ bị chê. Thuần thì thuần Việt đấy, nhưng Thạch Sanh ăn mặc quá hiện đại như con nhà giàu vậy!
Võ thuật không xem nổi
Với một bộ phim cổ trang, yếu tố võ thuật là điều vô cùng quan trọng. Trước nay, võ thuật trong phim cổ trang Việt không được đánh giá cao vì quá... tầm thường, diễn viên khoa chân múa tay vài đường là hết chuyện.
Trước nhiều bộ phim không chú trọng vào các pha võ thuật (hoặc có muốn cũng không được vì thiếu đủ thứ), khán giả phát ngán là chuyện quá bình thường. Nhưng điều đó không có nghĩa là khắt khe với tất cả.
Thiên mệnh anh hùng là tác phẩm gần đây nhất có những cảnh quay võ thuật khá đẹp mắt. Nhưng những chi tiết thích khách vụt lên từ mặt nước phẳng lặng hay bay lượn trên mái nhà - dù mới lạ trong phim Việt vẫn bị nhiều người xem liên tưởng đến các tác phẩm kiếm hiệp của Trương Nghệ Mưu.
"Tội danh" xem thường lịch sử
Hầu hết các bộ phim cổ trang Việt Nam đều thuộc dòng lịch sử, dựa trên các sự kiện có thật như Huyền sử thiên đô, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, Tây Sơn hào kiệt... Với thể loại phim này, việc tôn trọng yếu tố lịch sử là điều không cần bàn cãi.
Tuy nhiên, bên cạnh những dự án được sản xuất để chào mừng các đại lễ kỷ niệm như trên thì còn có phim cổ trang với kịch bản phóng tác. Suy xét yếu tố lịch sử và yêu cầu đúng "từng li từng tí" là một điều khó cho các nhà làm phim.
Thiên mệnh anh hùng bị quy sai sử khi làm không đúng tuổi thật của cháu nội Nguyễn Trãi. Trong khi đó, phim dựa trên tác phẩm Bức huyết thư của Bùi Anh Tấn - một tác phẩm văn học sẽ không tránh khỏi những hư cấu, tưởng tượng.
Bộ trang phục của Thạnh Sanh trong phim cùng tên thuần Việt nhưng... là của con nhà giầu. |
Bộ phim Thạch Sanh dựa trên câu chuyện cổ tích nổi tiếng cũng "gặp hạn" tương tự. Để tạo nên hấp dẫn, các nhà làm phim buộc phải đưa vào những yếu tố mới mẻ như công chúa Quỳnh Nga mạnh mẽ, giỏi săn bắn... Không hiểu sao với khán giả Việt, điều này "không ổn".
Trong khi đó, những bộ phim cổ trang mà cụ thể hơn nữa là tác phẩm điện ảnh Hoa ngữ đều "làm quá" lên so với lịch sử. Ví như bom tấn Đồng tước đài sắp ra mắt, phim kể câu chuyện về Tào Tháo và "người tình sát thủ" Linh Thư (do Châu Nhuận Phát và Lưu Diệc Phi đóng chính) dù sai sử nhưng vẫn được người xem ủng hộ.
Bởi vì có như thế, chúng ta mới được xem những cảnh quay hoàng tráng, kịch bản ly kỳ, hấp dẫn. Những nguyên tắc lịch sử nếu nhất nhất tuân theo, suy cho cùng chỉ làm thui chột sức sáng tạo của các nhà làm phim.
Theo Thể thao & Văn hóa.