NSND Lê Khanh: Sống với nghề, khó lắm! Không khó khăn để tôi hẹn gặp được chị - người mà tôi rất hâm mộ và yêu mến qua những vai diễn trong các bộ phim nổi tiếng như Người Hà Nội, Mùa hè chiều thẳng đứng… Câu chuyện về nghề, về cuộc sống như không muốn dứt trong chiều Sài Gòn mát thơm, dịu dàng, nhẹ nhàng – như chính chị vậy.

 Tủi thân, chạnh lòng cùng sân khấu kịch

Cảm xúc của chị khi cùng với đoàn kịch Nhà hát tuổi trẻ mang Hai vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ là Mùa hạ cuối cùng, Lời thề thứ 9, và hai chùm hài kịch Đời cười, Nụ cười chiến sĩ ra mắt khán giả phía Nam?

Trước đây, vào thời mà chúng tôi hay gọi là “thời hoàng kim”, với mỗi vở diễn, cứ trình làng ở thủ đô xong là chúng tôi lại Nam tiến phục vụ khán giả. Một vài năm gần đây do nhu cầu phục vụ tại chỗ và điều kiện kinh tế nên sự dịch chuyển này trở nên khó khăn hơn.

Sau một thời gian hạn chế khá dài, lần này, nhân kỉ niệm 35 năm thành lập Nhà hát tuổi trẻ, cũng là để nối dài xúc cảm của liên hoan sân khấu Lưu Quang Vũ tại Hà Nội nên chúng tôi Nam tiến khá là quy mô. Đây coi như là một sự trở về, sự tri ân khán giả, cũng là để giới thiệu cho khán giả những tác phẩm vô cùng có giá trị của một tác giả được khán giả biết đến, yêu quý. Vì thế, mọi thành viên trong đoàn đều háo hức, phấn khởi và tràn đầy hy vọng.

NSND Lê Khanh: Sống với nghề, khó lắm!_0

NSND Lê Khanh cùng các anh chị em nghệ sĩ nhà hát Tuổi trẻ đang có chuyến lưu diễn miền Nam

 Như chị vừa chia sẻ, một trong những lý do không Nam tiến là do nhu cầu phục vụ tại chỗ. Có thể hiểu là do lượng khán giả ngoài đó nhiều?

Không bạn ạ. Nói về lượng khán giả thì ngược lại. Nhu cầu phục vụ tại chỗ ở đây là chúng tôi ý thức được vai trò phục vụ của mình. Nhà hát Tuổi trẻ có một nhà hát chính, rồi phát triển thêm một sân khấu xã hội hóa, cộng thêm đó, thời gian sau này, có xu hướng phát triển thêm những sân khấu show, nằm rải rác xung quanh lịch trình cố định của một nhà hát, theo đó, mở rộng thêm nhiều chương trình, vì vậy, chúng tôi phải để dành vốn nghệ sĩ, thời gian của nghệ sĩ để phục vụ khán giả tại chỗ.

Làm trong nghề nhiều năm, chị thấy lượng khán giả đến với rạp có đủ để nuôi sống, thậm chí nuôi sống tốt người nghệ sĩ không?

Không bạn ạ. Thậm chí nó đi ngược lại. Để đi tìm câu giải thích cho việc trong khi đời sống ngày càng cao lên, nhu cầu giải trí của người dân tăng mà sân khấu ít sáng đèn, ít nhộn nhịp thì chắc chắn phải có những cuộc nghiên cứu. Đứng về phía nghệ sĩ, tôi nghĩ rằng những nguyên nhân sau khiến khán giả bớt mặn mà với sân khấu.

Đầu tiên, phải nói đến việc những tác phẩm sân khấu bây giờ cũ về đề tài và hình thức, xét về tính giải trí thì không thỏa mãn vì nó không đẹp, không sinh động, không quy mô, không hoành tráng không thiên biến vạn hóa. Một kịch bản sân khấu hay hiện nay không chỉ là vấn đề đau đầu của sân khấu mà còn của phim, điện ảnh.

Thứ hai, nội dung tư tưởng, tính giáo dục, tính dự báo, triết lý sâu sắc… cũng hạn chế. Nội dung tác phẩm xa rời thực tế, đi sau rất nhiều so với những gì báo chí phản ánh hằng ngày.

Mỗi thứ một chút, những hạn chế ở những người trực tiếp hoặc gián tiếp sáng tạo như hình thức trình diễn cũ, sân khấu không bắt mắt, hệ thống âm thanh, hệ thống chiếu sáng, nghệ sĩ không thật tài tình… cũng là những nguyên nhân không nhỏ.

Tất cả những yếu tố đó hợp lại, làm giảm sự thăng hoa của người nghệ sĩ, kéo theo sự không thể thăng hoa của khán giả…

Đã diễn ở cả hai miền Nam – Bắc, chị có nhận xét gì sự đón nhận của khán giả miền Nam đối với kịch Bắc?

Người dân miền Nam nói chung và khán giả miền Nam có những tố chất vô cùng đáng quý mà không dễ gì học được, đó là sự chân thật, cởi mở, hồn nhiên, thẳng thắn, phóng khoáng, lạc quan. Những điều ấy làm cho cuộc sống nhẹ nhàng, thú vị. Họ dễ gần, dễ mến, dễ cảm, bộc trực, làm cho cuộc sống bộn bề trở nên đơn giản. Trước đây, khi còn trẻ, cứ mỗi dịp mệt mỏi, thấy mình cũ kỹ, tôi lại “tạt” vào miền Nam, hưởng không khí đất trời cũng như con người, học hỏi đồng nghiệp nơi đây để làm mới mình, hoàn thiện mình.

Những năm trước đây, lượng khán giả đến với những vở kịch Bắc rất đông, mỗi khi có kịch miền Bắc vào thì giống như có thêm một món ăn mới lạ, hấp dẫn và khán giả hồ hởi, vui mừng đón chờ. Những năm gần đây thì thiếu vắng khán giả dần. Cũng do chúng tôi lâu lâu không vào, có khi khán giả miền Nam quên mất là có một nền nghệ thuật kịch miền Bắc.

Có bao giờ chị cảm thấy tủi thân khi thấy khán giả miền Nam luôn gần như kín rạp, trong khi đó các rạp miền Bắc lại hiu hắt?

Sự tủi thân, chạnh lòng là điều đương nhiên và thường xuyên bạn ạ. Tối đầu tiên vào Sài Gòn (tối 13-12) khi chưa có lịch diễn, tôi đã cùng một số anh em trong đoàn đã từ sân bay tới thẳng sân khấu kịch Idecaf để xem vở 12 bà mụ. Chúng tôi đã được thưởng thức một vở kịch hay, sự nhiệt tình, hăng say, cống hiến hết mình cho nghệ thuật của anh Thành Lộc và các bạn diễn viên tại sân khấu này; chúng tôi còn được thưởng thức cả lòng yêu kịch, yêu nghệ thuật, nồng nhiệt của khán giả miền Nam.

Vở kịch diễn ra trong ba tiếng 15 phút. Nói thật, miền Bắc không có vở kịch nào diễn ra trong thời gian ấy mà khán giả vẫn chăm chú theo dõi như thế. Chúng tôi vui mừng, chia sẻ niềm vui với đồng nghiệp nhưng cũng tự vấn. Để được lượng khán giả kín rạp như thế, nhiệt thành theo dõi như thế không phải đơn giản, trong đó yếu tố nghệ sĩ là vô cùng quan trọng.

Sáng tạo được vai diễn sâu sắc: Thanh lọc tâm hồn

Chị thích vai diễn nào nhất và vai diễn nào để lại ấn tượng, ám ảnh chị nhiều nhất?

Đối với một người diễn viên thì không thể nói, thích vai diễn nào hơn vì vai nào cũng thích cả (cười). Càng được trải nghiệm, càng làm được nhiều vai khó trong nhiều thể loại, càng thể hiện tính cách trái ngược thì càng thỏa mãn sự sáng tạo của bản thân. Được bận, được đóng phim càng nhiều thì càng hoan hỉ, vui vẻ, tràn đầy sức sống.

Đây có lẽ là một trong số ít nghề khiến cho mình được hóa thân vào nhiều số phận, cuộc đời; được thăng hoa trong cảm xúc; được tiếp xúc, giao lưu với nhiều người. Mặc dù rất vất vả nhưng khi nhiều người hỏi “nếu được chọn lại, chị có chọn nghề này không?”, tôi không ngần ngại mà trả lời rằng “có chứ tại sao không”.

Không thể nói vai nào thích nhất, ám ảnh nhất, nhưng trải qua năm tháng, có những vai diễn đã đánh dấu cột mốc, bản lề trong sự nghiệp của tôi.

Xuất phát điểm, có lẽ do ngoại hình lành lành nên tôi rất may mắn được chọn cho những vai đào thương, những cô thôn nữ hiền lành. Mà điển hình là vai Tấm trong vở Tấm Cám. Sau đó là vai Juliet trong vở "Romeo và Juliet". Năm 1986, là bước ngoặt lớn khi tôi được một chuyên gia người Pháp mời đóng vai Janda trong phim Chim sơn ca. Đây là một nữ anh hùng mới 17 tuổi, bị tòa án giáo hội kết tội và thiêu năm 19 tuổi. Sau đó nhiều năm bà được phong thánh. Đây không chỉ một vai đào thương nữa mà là sự kết hợp của nhiều đào. Bao nhiêu bản ngã con người hội tụ trong con người này: cá tính vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối, vừa thông minh, vừa láu lỉnh, ý chí…

NSND Lê Khanh: Sống với nghề, khó lắm!_1

Theo chị thì không có những vai diễn thích nhất mà là những vai mang tính cột mốc

Bắt đầu từ vai này, biên độ cá tính nhân vật của tôi rộng ra, lan sang cả hài (cười).

Năm 1996, tôi tham gia vở kịch tâm lý hiện đại “Bến bờ xa lắc” của tác giả Lê Thu Hạnh, đạo diễn NSND Xuân Huyền). Vở này đã đánh dấu mốc, khẳng định sự biến hóa của tôi trong thể loại kịch tâm lý một cách chín chắn.

Đến năm 1998, tôi may mắn được vào vai Lý Chiêu Hoàng vở “Rừng trúc” (Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi), hội tụ tất cả những yếu tố quý giá nhất. Nó là một vai diễn ám ảnh lớn của tôi trong việc thể hiện nhân vật trong kịch lịch sử.

Thú vị nhất thì phải kể đến năm 1999, đạo diễn Lê Hùng đã khám phá ra một khả năng của tôi mà chính tôi cũng ngỡ ngàng đó là diễn hài. Anh đã mời tôi tham gia vai bà già điếc 81 tuổi mới kết hôn trong Đời cười 1. Tôi có cảm xúc vô cùng mới mẻ, thú vị khi diễn vai này.

 Vậy ai là người có ảnh hưởng nhất đến chị trong nghề nghiệp và trong cuộc sống?

Chính những người đạo diễn đã chọn tôi cho những vai diễn bước ngoặt, dấu mốc là những người có ảnh hưởng lớn, vai trò lớn giúp tạo nên những điểm nhấn đặc biệt trong trong cuộc đời diễn xuất của tôi. Đầu tiên, phải kể đến bà Hà Nhân, bà giống như người cha, người mẹ, nếu không có bà nghiêm khắc, yêu thương thì tôi không có một gia tài diễn xuất gồm hệ thống nhân vật đa dạng như bây giờ.

Thứ hai là cô giáo Phạm Thị Thành, giáo viên chủ nhiệm và đạo diễn hầu hết các vai diễn của tôi từ khi mới ra trường. Người thứ ba là chuyên gia, đạo diễn người Pháp. Người thứ tư là NSND Xuân Huyền. Người thứ năm là nghệ sĩ Lê Hùng. Cuối cùng là đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Nguyên Đình Nghi, người mà tôi chỉ may mắn được làm việc với ông một lần xong một lần ấy thôi lại là tất cả.

Trong cuộc sống, ông bà, cha mẹ và sau này là chồng chính là những người có ảnh hưởng sâu sắc, luôn yêu thương hết lòng, vun đắp cũng như tôn trọng, ủng hộ vô điều kiện tình yêu nghệ thuật của tôi.

Diễn viên nam nào diễn chung mang lại cho chị nhiều cảm xúc nhất?

Một may mắn nữa khi làm nghề là tôi luôn được đóng chung với những diễn viên nam vừa tài, vừa đẹp. Nhờ các anh ấy mà vai diễn của tôi đẹp hơn, sâu sắc hơn, luôn được khen là ăn ý nhất, từ đó gắn kết kết tình cảm anh em. Cũng qua đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các anh Trần Vân (anh đã mất rồi), anh Thương Tín, anh Chánh Tín, Trần Lực, Mạnh Cường, Chí Trung, Đức Hải…

Vai diễn nào chị mong muốn được thể hiện mà chưa có dịp?

Nhiều lắm bạn ạ bởi vì kho tàng tác phẩm nghệ thuật trong nước cũng như nước ngoài còn rất nhiều mà chúng ta chưa khai thác hết được.

Dường như chị đứng ngoài những thị phi của cuộc sống nghệ sĩ, có khó khăn để có được điều đó không?

Tôi yêu và trân trọng cái đẹp, tôi lại làm cái nghề hướng cái đẹp, tìm cái đẹp và sáng tạo cái đẹp nên, tìm được tới đâu hạnh phúc tới đó không phải chỉ khó khăn thôi đâu mà còn là sự khắc nghiệt đấy, phải đối diện với một sự thật là đẹp và xấu là hai khái niệm trái ngược nhưng luôn luôn cùng tồn tại. Từ kinh nghiệm làm nghề của tôi cho thấy người nghệ sĩ cứ mỗi một lần sáng tạo được một vai diễn sâu sắc, ý nghĩa là một lần được thanh lọc tâm hồn. Nhiều người có nhiều vai diễn như thế sẽ cùng làm nên thánh đường sân khấu và cả thánh đường đời.

Cứ sống đúng với con người thật của mình, sống như mình có cả ưu và nhược điểm thì có gì là khó đâu, phải không?

Đối với gia đình cũng thế. Tôi sống như mình, yêu gia đình, chăm chút cho gia đình, cố gắng nâng niu, giữ gìn gia đình nhỏ ấy trong từng khoảnh khắc, giây phút của cuộc sống.

Chị có thể chia sẻ dự định nghệ thuật sắp tới?

Về phim thì trong thời gian tới, tôi chưa dám nghĩ tới phần vì quá bận, phần vì chưa tìm được một kịch bản hay, có ý nghĩa mặc dù đã nhớ nhung quằn quại lắm rồi (cười).

Hiện tại, tôi đang làm đạo diễn và mới đây đã diễn vở kịch mới mang đậm chất dân gian “Thị Hến” tại Hà Nội. Vở kịch sau khi công chiếu đã nhận được phản hồi rất tốt từ khán giả. Vở kịch này là một phần trong công việc đào tạo, tập huấn nâng cao nghề nghiệp cho diễn viên trẻ. Rồi tôi lại đang dành nhiều tâm huyết để triển khai dự án Phát triển sân khấu kịch học đường. Tôi mong muốn có những thế hệ tiếp nối, nối dài nghề của mình với không chỉ tài mà còn phải có tâm nữa.

Nhìn vào bức tranh nghệ thuật trong những năm gần đây tôi rất lo sợ. Tôi muốn mang sức lực, tâm huyết, mang những gì tôi đã được thầy cô, thế hệ đi trước chỉ dạy cho mình, truyền lại cho các em. Nói thật, nói như thế không phải để thể hiện vinh quang đâu, mà nó là sự tổn thương kinh khủng, thậm chí trống rỗng. Tôi không muốn sau này các em sẽ bị so sánh, nhìn nhận thua sút hơn những vai diễn mà cha anh ngày trước đã thể hiện.

Ngoài ra, tôi cũng muốn được tự mình sáng tác, đạo diễn những vở kịch hay, là nơi để các em diễn viên chứng minh được khả năng của mình.  

Cảm ơn chị vì những chia sẻ thú vị!

Theo Khám phá.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC