Không muốn huyền thoại hóa đời mình, thích sống như mình đang sống, làm việc hết mình và chơi cũng hết mình nhưng luôn có tinh thần trách nhiệm vì là người của công chúng. Đó là quan điểm sống của NSƯT Ngọc Giàu.
- Người trong giới sân khấu vẫn nhận xét NSƯT Ngọc Giàu còn máu lửa với cải lương lắm nhưng sao chị lại chuyển hẳn sang kịch và nhận khá nhiều vai hài?
- Mỗi chặng đường làm nghề, tôi có sự đúc kết riêng. Tôi sang hài từ sau khi được bà con thương với vai Bảy Cán Vá, một vai diễn không có trong kịch bản Đời cô Lựu. Tôi chuyển sang hài trước hết là để mưu sinh, một mình tôi thời đó nuôi cả nhà, đám con cháu lại thất nghiệp.
Tôi may mắn được tổ thương nên phải bôn ba để có tiền lo cho gia đình. Đến lúc nhìn lại, muốn quay về với sân khấu cải lương thì đời sống sàn diễn lại bấp bênh. Vở diễn tập cả tháng nhưng diễn vài suất rồi cất. Làn hơi của một nghệ sĩ về chiều lại không còn trong trẻo như xưa, về với sàn diễn cải lương lại càng thêm buồn.
- Nhưng tiếng cười trên sân khấu hài khác với cải lương, chị vẫn có thể diễn cải lương hài?
- Đành vậy, nhưng ai viết kịch bản? Chú bảy Viễn Châu chuyên trị thể loại này thì cũng đã 87 tuổi rồi, duyên hài không còn bén. Vai Bảy Cán Vá là một vai diễn ngẫu hứng, tôi tự sáng tạo rồi đắp da thêm thịt qua từng suất diễn. Diễn cải lương hài không dễ và thử đếm trên đầu ngón tay bao nhiêu vở cải lương hài đúng nghĩa.
Còn với sân khấu kịch, chất hài bây giờ dễ dãi quá, diễn viên cương ẩu, nói tục, nhiều lúc diễn chung với một số em bị "bệnh" này, tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng nên có dạo tôi nghỉ ở nhà.
- Một dạo thấy chị bay ra, bay vào giữa TPHCM và Hà Nội?
- Ông xã tôi đi làm ngoài ấy, tôi bay ra thăm rồi sẵn quan sát địa bàn và thị phần biểu diễn ngoài ấy. Có lúc tôi dự định làm kịch xã hội hóa ngoài Hà Nội với một số bạn diễn như: Xuân Hinh, Minh Vượng, Thanh Thanh Hiền... nhưng phải nói mô hình xã hội hóa kịch ở phía Bắc khác trong Nam. Các sô diễn chỉ dựa vào hội nghị khách hàng cuối năm, còn lại thì khó có tụ điểm để diễn, nên thôi.
- NSND Huỳnh Nga thường nói Ngọc Giàu có biệt tài biến không thành có, từ vai diễn mờ nhạt trên vài trang bản thảo chị đã làm nhân vật sống động?
- Tôi đâu có tài thánh gì. Anh Huỳnh Nga quá khen chứ nhiều vai diễn cũng thua đau lắm. Nếu chủ quan thì không gây được tiếng cười. Quan trọng hơn hết là sự phối hợp, một ngôi sao không thể làm bầu trời lung linh được, mà kịch ngày nay bị tủn mủn, các em diễn viên bây giờ bị sô truyền hình níu kéo nên tập dượt chán lắm, toàn tập vào 3 giờ sáng, tôi già rồi làm sao theo kịp nên có là thánh cũng không “biến không thành có” được.
- Nhiều đồng nghiệp ở tuổi chị đã bắt đầu tính chuyện viết hồi ký, còn chị?
- Cho tôi xin! Đời tôi quá buồn, lại có nhiều khúc quanh chẳng vui, mà tôi đã là người chấp nhận hy sinh để được tồn tại với nghề. Kể ra những chuyện này không khéo chỉ làm cho người đọc cảm thấy bà Ngọc Giàu xạo. Tôi sợ bị gọi là “ba xạo” lắm.
Trong năm nay, từ sau khi tôi thực hiện live show Khúc tương tư tại rạp Quốc Thanh, tôi đã từ chối nhiều cuộc trò chuyện do các đài truyền hình mời. Tôi không muốn huyền thoại hóa đời mình, tôi thích sống như mình đang sống, làm việc hết mình và chơi cũng hết mình nhưng luôn có tinh thần trách nhiệm vì là người của công chúng.
- Nhìn vẻ bề ngoài ai cũng thấy một Ngọc Giàu rất sung mãn và hạnh phúc?
- Đúng, nhưng để có được trạng thái đó, tôi đã đánh đổi rất nhiều. Sung mãn là để hướng tới làm việc trên sân khấu, hạnh phúc là hướng tới sức khỏe cho một trái tim đã có trên 50 năm rung động với sàn diễn kịch, cải lương. Hai yếu tố này không thể mất đi trong người nghệ sĩ.
- Theo chị, trái tim mình sẽ còn rung động với nghề bao nhiêu năm nữa?
- Cho tôi lấy cái mốc đã định từ kỷ lục của người mẹ trong giới sân khấu kịch, đó là NSND Bảy Nam. Ở tuổi 94, bà vẫn đường hoàng lên sàn diễn đóng vai bà Tư, mẹ cô Diệu trong vở Lá sầu riêng. Tôi xin được như bà và tin mình sẽ có đủ sức khỏe để phấn đấu.
Theo Người lao động.