“Có lẽ tác phong và cách sống khép kín, chừng mực của tôi hợp với tuýp nhân vật xuất thân từ nông thôn, chăm chỉ, đức hạnh nhưng gặp nhiều gian truân”, NSƯT Thanh Hiền, người đóng vai cô Mến trong Sao tháng Tám chia sẻ.
- Hơn 30 năm qua, khán giả quen với NSƯT Thanh Hiền trong hình ảnh gái thôn quê, cô giáo tỉnh lẻ, phụ nữ nông thôn… chịu thương chị khó, nhân hậu nhưng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chị nghĩ sao khi nhiều người nhận xét chị đang đi trên “con đường mòn”?
- Quả thật, từ vai chạm ngõ điện ảnh đầu tiên của tôi là Mến trong Sao tháng Tám đến vai bà Hiền trong Điệu nhảy xì tin mới đây nhất, đều theo “típ” là người phụ nữ đức hạnh nhưng chịu nhiều thiệt thòi. Dù vậy, mỗi vai diễn, tôi cố gắng có cách thể hiện riêng, không lặp lại chính mình vì mỗi nhân vật là một hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau.
Khi diễn, tôi không ngồi đối thoại cứng nhắc cho xong mà tìm chi tiết diễn đời thường, để chân tay mình động đậy cho nhân vật sống động. Như trong phim Làng vũ đại ngày ấy, bằng ánh mắt cúi xuống, bằng cái chau mày, khán giả biết được vợ thầy giáo Thứ đang nói dối để dành cho chồng bát cháo hoa lúc ốm. Hay người phụ nữ vợ Don trong Ngõ lỗ thủng, cái nghèo khó luôn quấn lấy chị, tương lai mịt mù phía trước. Vì thế, mặt chị lúc nào cũng cúi thấp, ánh mắt nhìn xuống buồn thảm, đăm chiêu.
Nhưng với bà Hiền trong Vũ điệu xì tin, một người giúp việc trong gia đình giàu có, được ông chủ nhà tin tưởng nhờ bà thay mẹ nó để dạy thằng bé lại thể hiện ánh mắt đầy tự tin, luôn nhìn phía trước.
Nhiều người nói tôi chỉ hợp với vai khổ thôi. Với cái mặt ấy không thể tin là đanh đá được. Nói thật, tôi cũng đã từng muốn thay đổi khi vào vai cô thiếu nữ đồn điền cao su ăn mặc sang trọng trong Tiếng gọi phía trước. Nhưng khổ nỗi, cái sang trọng, đài các trong tôi không có nên diễn như đi mượn người khác, gượng gạo lắm.
- Nhiều diễn viên từng nói vai diễn vận vào cuộc đời của họ, với chị thì thế nào?
- Thật trái ngược. Phải nói thật cuộc sống của tôi từ trước đến giờ vẫn thấy “trải thảm đỏ”. Từ thời thiếu niên, lúc cả nước khó khăn, tôi đã được ăn ngon mặc đẹp. Lớn lên, đi học, lấy chồng, làm nghề… mọi việc đến với tôi đều suôn sẻ.
Tôi cũng không hiểu sao mình vào vai khổ “ngọt” thế. Đạo diễn hễ có kiểu nhân vật như thế lại gọi cho tôi. Có lẽ bởi cách sống, tác phong của tôi có phần giống với vai diễn. Hơn nữa, nhiều năm sống với người nông dân, làm việc, ăn và ngủ cùng họ, tôi lại chịu khó quan sát, tìm hiểu nên khi bắt chước nhanh và rất giống.
- Chị thường xuất hiện với hình ảnh người phụ nữ ăn mặc xuềnh xoàng, trang điểm qua loa. Chị có sợ điều đó làm xấu hình ảnh của mình?
- Tôi thường ít hoá trang, chỉ đánh nhẹ phấn nền sẫm để bắt ánh sáng kỹ thuật mà thôi. Nhiều diễn viên muốn làm mình đẹp nhưng tôi muốn làm đẹp nhân vật, muốn sống thật với nhân vật hơn. Nhân vật khổ sở, gai góc thì làm sao có khuôn mặt nõn nà được.
Thanh Hiền cảm thấy mình không có cái sang trọng đài các nên vào vai thì diễn sung sướng rất gượng gạo. |
Da tôi vốn trắng, môi đỏ nhưng người ta thường hoá trang làm tôi xấu đi. Gặp tôi bên ngoài, nhiều người khen tôi trẻ, đẹp hơn trên phim. Nhưng tôi đồng ý để gương mặt mình hóa trang tạo hình nhân vật. Tôi nghĩ, mình làm đẹp chỗ cần đẹp chứ còn nhân vật của tôi có khi không cần soi gương thì lấy đâu ra mặt hoa da phấn được.
- Là một trong những thế hệ diễn viên thời kỳ đầu của điện ảnh Việt Nam, giờ diễn cùng thế hệ trẻ, chị thấy khoảng cách giữa các thế hệ là gì?
- Diễn viên trẻ thông minh, bắt nhịp rất nhanh nên khi diễn với họ mình trở nên năng động hơn trong lối diễn. Nhưng các bạn vẫn chưa xác định làm nghề rõ ràng, chỉ coi đó là sân chơi nên khó chú tâm vào nghề nghiệp. Họ diễn hồn nhiên, chưa biết vận dụng kỹ thuật nên nhân vật thiếu sức nặng.
Còn thế hệ như tôi vốn đã giàu kinh nghiệm nên nếu diễn cùng bạn trẻ mà họ diễn chưa “tới” cũng khó làm cho nhân vật của tôi đuối được. Chỉ có điều, mình phải dồn tâm vào nhân vật mình nhiều hơn, nhanh nhạy với bạn diễn hơn.
- Phim bây giờ thường dành “đất” cho lớp trẻ hơn là lứa tuổi như chị vì thế, đất diễn dành cho thế hệ chị không nhiều, chị nghĩ gì về vấn đề này?
- Điện ảnh không thể khắc phục hóa trang để mình vào vai trẻ được. Thời trẻ tôi cũng đã được cống hiến, được “làm mưa làm gió” trên màn ảnh nên giờ phải nhường lại cho lớp trẻ là lẽ tất nhiên. Hiện, kịch bản phim hiện hay thường lấy nhân vật trẻ làm trung tâm. Nhân vật già thường không được khai thác phong phú về tâm lý mà chủ yếu là hình hài mà thôi.
Ước mong của tôi là có kịch bản dành cho nhân vật cứng tuổi, có nhiều song gió trong cuộc đời. Đó là mảnh đất màu mỡ để thế hệ diễn viên như tôi thể hiện. Ở lứa tuổi này, có nhiều điều để nói lắm, chuyện cái hiện đại tràn vào mỗi gia đình tác động không nhỏ đến nề nếp, gia phong, chuyện người già sống hiu quạnh ở trại dưỡng lão dù có con cháu trưởng thành…
- Bạn bè diễn viên cùng lứa giờ phần lớn đã “rẽ bước sang ngang” với nhiều ngả khác nhau nhưng khán giả vẫn thấy chị miệt mài với mỗi vai diễn. Điều gì giúp chị có nhiều “năng lượng” đến thế?
- Tôi là người đang đi trên một con đường và chưa đến đích. Mỗi vai diễn vẫn thấy hụt hẫng, nhiều thiếu sót nên nếu được làm lại, tôi nghĩ mình sẽ làm tốt hơn. Chưa có vai diễn nào thực sự tôi thấy tâm đắc. Càng ngày, tôi cố gắng hoàn thiện nhân vật mình, cho nhân vật đằm hơn, thịt da hồng hào hơn. Tôi còn gắn bó với nghề diễn, còn muốn được đi diễn. Chỉ đến khi mắt mờ, chân chậm mới thôi.
Trong Ngõ lổ thủng |
Với tôi, được diễn là hạnh phúc. Ở nhà, tôi ăn kiêng dữ lắm nhưng đi ra phim trường, tôi ăn cơm hộp ngon lành. Xách túi ra đi sung sức lắm về nhà mới thấy mệt. Là người nhiều tuổi nhất đoàn nhưng tôi luôn đến sớm nhất. Tôi thấy cuộc đời ngắn ngủi lắm, như NSUT Phương Thanh bạn tôi đấy, đùng cái ra đi. Tôi còn sức thì còn cống hiến cho nghề thôi.
Mình làm nghệ thuật, lúc nào cũng muốn đóng phim để khán giả biết mình vẫn sống. Nhưng chẳng có ông chồng nào muốn vợ đi công tác dài ngày cả. Tôi may mắn được chồng và con động viên, ủng hộ nghề diễn mà hơn 30 năm qua tôi gắn bó.
- Xin cảm ơn chị!
Theo Đất Việt.