Đằng sau thành công của nhà sản xuất, không thể không nhắc tới mồ hôi và cả nước mắt của các thí sinh.
The Voice Kids đang là game show hút khách nhất hiện tại. Vị trí độc tôn ấy được khẳng định qua con số khủng: 280 triệu đồng dành cho 30 giây quảng cáo - mức giá kỷ lục mà các chương trình truyền hình thực tế đều thèm khát. Và tất nhiên, đằng sau con số khủng ấy phải là những nụ cười...
Nụ cười đầu tiên sẽ xuất hiện rạng rỡ trên gương mặt nhà sản xuất, ban tổ chức. Với thời lượng quảng cáo dày đặc trong mỗi show, không khó để hình dung ra lợi nhuận họ thu được từ "con gà đẻ trứng vàng" The Voice Kids. Nụ cười thứ hai có lẽ sẽ nở trên môi khán giả, người hâm mộ, khi chính sự hồn nhiên, dễ thương và tài năng của các em nhỏ đang mang lại cho họ rất nhiều những niềm vui sau mỗi màn trình diễn.
Những ngôi sao nhí - "gà đẻ trứng vàng" của nhà tổ chức The Voice Kids
Nụ cười thứ 3 thuộc về các ngôi sao nhí - những nhân vật chính của The Voice Kids. Nụ cười hạnh phúc khi được tỏa sáng, được sống trong ánh hào quang của một ngôi sao. Những nụ cười ấy vẫn tràn trề niềm vui, sự hồn nhiên và vô tư, bởi ở độ tuổi của các em, những toan tính, được mất trong cuộc chơi này vẫn còn là câu chuyện xa vời. Chỉ cần biết trước mắt, các em vẫn sẽ là những ngôi sao thực thụ trong sân chơi của những người lớn tuổi...
Còn một nụ cười khác, gượng gạo hơn và đắng cay hơn: Nụ cười của những phụ huynh, người thân của các ngôi sao nhí. Đặc biệt, đối với các thí sinh đã rời khỏi game show hút khách này, vị đắng trong nụ cười còn được nhân lên gấp bội. Cuộc chơi nào cũng phải có luật chơi riêng, tính toán riêng, nhưng đối với rất nhiều người từng cắn răng theo đuổi giấc mơ của con cái mình, cuộc chơi ấy giống như một vở kịch đầy nghiệt ngã mà họ là những diễn viên quần chúng không có cát-xê.
Vụ ồn ào nhật kí đưa con gái đi thi của một phụ huynh tại The Voice Kids đã phần nào hé mở cuộc sống đằng sau sân khấu của các ngôi sao nhí. Đằng sau tấm phông màn lộng lẫy của cuộc thi, trăm nỗi vất vả đời thường đang bủa vây xung quanh cuộc sống của các cô, cậu bé. Từ ăn uống, đi lại, thậm chí là cả trang phục, tất cả đều được chi trả bằng tiền của gia đình và phần nào là lòng tốt của những người trong cuộc. Không có một đồng đến từ ban tổ chức, nhà sản xuất, ngoại trừ những thứ không thể không bỏ tiền ra...
Tất nhiên, người ta rất khó lòng trách cứ ban tổ chức, bởi với sự lọc lõi của mình, họ thừa kinh nghiệm để làm những gì có lợi nhất và không để lại bất cứ kẽ hở nào qua các bản hợp đồng. Có điều, khi làm một phép so sánh nhỏ giữa sự lạnh lùng sặc mùi tiền bạc đó và những clip hậu trường đầy nước mắt được nhà tổ chức tung ra trước mỗi show, vị đắng của làng giải trí là điều khán giả cũng dễ dàng nếm trải...
Những bức ảnh, những thông tin dễ dàng lấy đi nước mắt của người xem được tung ra tràn ngập trước mỗi show diễn. Nước mắt và cả tiền bạc của khán giả đã rơi, nhưng rốt cuộc sau khi trở về từ The Voice Kids, những "ngôi sao nhí" sẽ có được gì?
Từ chuyện thí sinh mệt mỏi phải nhập viện, gia cảnh khó khăn của các ngôi sao, chuyện "cậu bé chăn bò" Văn Phong cho tới thần đồng bán chè phụ mẹ Phương Mỹ Chi, tất cả những thông tin ấy đã được sử dụng như một chiêu câu khách hoàn hảo nhất của nhà tổ chức. Không ít khán giả đã rơi nước mắt, để rồi nước mắt ấy được chuyển hóa thành những nụ cười trên môi ai đó, theo đúng quy luật khắc nghiệt và lạnh lùng của showbiz Việt.
Nhìn vào con số báo giá kỷ lục của The Voice Kids và nhìn lại chặng đường vất vả đã qua của không biết bao nhiêu ngôi sao nhí, người thân, cả sự trắng tay của những cô, cậu bé tức tưởi rời khỏi cuộc chơi, người ta rất khó lòng kìm lại tiếng thở dài. Vẫn biết làng giải trí đầy rẫy những phép đánh đổi, những sự hi sinh, nhưng có lẽ trong một cuộc chơi dành cho những ngôi sao nhí, người ta cần thêm một chút tình người...
Theo Tri Thức Thời Đại.