Liên quan đến thông tin Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã tới thăm nhà thờ dòng họ Phan Huy (thôn Thụy Khuê, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) và viết lưu bút vào ngày 23/5, Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, việc làm này của ông Ban Ki-moon là việc mang tính chất cá nhân, đáp ứng một nhu cầu riêng tư của vị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
"Đây không phải là một hoạt động mang tính chất ngoại giao, vì thế chúng ta nên tôn trọng sự riêng tư của ông Ban Ki-moon. Còn những thông tin cho đến nay chúng ta có được thì đúng là ông có đến thăm và thể hiện rõ mối liên hệ, liên quan đến mức độ nào đó với dòng họ Phan ở Việt Nam mà trực tiếp là Phan Huy. Còn liên quan đến mức độ nào thì chúng ta cũng đừng vội vàng", ông Dương Trung Quốc nói.
Ông Ban Ki-moon cùng vợ chụp ảnh trước nhà thờ Phan Huy ở Sài Sơn “Chúng tôi thực sự vui mừng, vinh dự khi đón một vị khách đặc biệt là ông Ban Ki-moon đến thăm nhà thờ dòng họ. Dù thời gian tiếp xúc ngắn ngủi, bất đồng ngôn ngữ nhưng ông đã để lại ấn tượng thân thiện, gần gũi.Mặt khác, theo ông Dương Trung Quốc, hiện tượng có một số người trong dòng họ đi ra nước ngoài là hoàn toàn bình thường. Không phải là hiện tượng gì quá đặc biệt.
Ông Dương Trung Quốc lấy ví dụ: "Cũng như cụ Lý Long Tường, một vị hoàng tử của Việt Nam sang nước Cao Ly (Hàn Quốc ngày nay) và sau đó đã trở thành nhân vật lịch sử bên đó và được nhân dân trọng vọng. Nghe nói, dòng họ của ông sau này còn trở thành dòng họ lớn, có đóng góp lớn cho quốc gia.
Với chuyện của ông Ban Ki-moon nếu cũng xảy ra như thế thì không có gì ngạc nhiên cả. Có lẽ, cái mà đáng nói nhất là chúng ta nói về một con người đã làm đến chức vụ đấy nhưng họ vẫn không quên gốc gác, không quên nguồn cội của mình. Còn mức độ nào thì hãy để các nhà chuyên môn hoặc bản thân chính ông Ban Ki-moon công bố hơn là chúng ta vội vàng bình luận quá sâu về chuyện này".
"Nhưng tôi cho rằng, đây là hiện tượng đáng ghi nhận, đáng suy nghĩ, nhất là tôi thấy một người như thế họ vẫn đến, rất lặng lẽ, rất kín đáo và rất lịch thiệp. Tôi cho rằng, chúng ta cũng cần tôn trọng sự kín đáo, riêng tư của ấy còn không nên bình luận quá xa khi chưa có đầy đủ dữ liệu, thông tin", ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến sự việc này, ông Phan Huy Giám, 70 tuổi, người đồng biên soạn Gia phả họ Phan cho hay, dòng họ không coi đây là căn cứ để nhận họ hàng.
Qua phiên dịch, tôi chưa nghe thấy ông ấy nhận là con cháu dòng họ Phan Huy mà chỉ dâng hương và để lại lưu bút. Chúng tôi rất trân trọng những dòng lưu bút này nhưng sẽ không dựa vào đó để nhận họ hàng”, đại diện dòng họ Phan Huy chia sẻ.
Không chỉ vậy, GS.NGND, nhà sử học Phan Huy Lê cũng cho biết, khi ông Ban Ki-moon về thăm nhà thờ họ Phan Huy, ông không tham dự do bận công chuyện nhưng có gửi tặng bốn cuốn sách của cụ Phan Huy Chú.
“Ông Ban Ki-moon đã đến thăm nhà thờ họ Phan Huy, để lại bút tích như vậy thì chắc ông ấy phải có cơ sở” - ông Phan Huy Lê nói.
Nhà sử học Phan Huy Lê cũng cho biết đang nhờ một GS người Hàn Quốc chuyên nghiên cứu gia phả để tìm gia phả của ông Ban Ki-moon, rồi đối chiếu gia phả của hai dòng họ phía ông Ban Ki-moon bên Hàn Quốc và dòng họ Phan Huy ở VN. Sau khi đối chiếu mới có thể xác định được vấn đề này.
Thanh Giang