Ông Ngô Bảo Châu: 'Phong giáo sư ở Việt Nam khác thế giới'_0

- Đầu tiên là cách hiểu nghĩa từ "giáo sư" ở Việt Nam và nước ngoài không giống nhau. Ở nước ngoài, nội hàm của từ này là một vị trí làm việc tương đương với trách nhiệm và mức thu nhập nhất định. Việc phong giáo sư là quyết định tuyển dụng giữa cơ sở giáo dục với nhà khoa học - một cá nhân.

Còn ở Việt Nam, từ xưa tới nay giáo sư không phải là vị trí công tác mà là một học hàm, là sự công nhận của Nhà nước đối với nhà khoa học, rất danh dự. Ở đây, việc phong hàm giáo sư của Việt Nam hơi trái khoáy so với các nước khác. Theo tôi, chúng ta nên trả lại từ giáo sư về đúng nghĩa của nó, tức là một vị trí làm việc. Nhà nước cũng nên trao quyền bổ nhiệm này cho các cơ sở giáo dục bởi phù hợp với chủ trương chung là giao quyền tự chủ cho các trường đại học. 

Ông Ngô Bảo Châu: 'Phong giáo sư ở Việt Nam khác thế giới'_1

GS Ngô Bảo Châu: "Việt Nam nên trả từ giáo sư về với bản chất của nó". Ảnh:Nguyễn Loan

- Giáo sư nghĩ gì về việc trường Đại học Tôn Đức Thắng bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư? 

- Trên thế giới các trường bổ nhiệm giáo sư là chuyện bình thường. Nhưng tôi nghĩ việc làm của trường Tôn Đức Thắng là đánh đồng nghĩa của từ giáo sư ở nước ngoài với Việt Nam. Rõ ràng những giảng viên của Đại học Tôn Đức Thắng nếu mang ra Hội đồng giáo sư Nhà nước sẽ không được công nhận.

Giáo sư họ bổ nhiệm đương nhiên là giáo sư của trường Đại học Tôn Đức Thắng, song ở Việt Nam dễ gây hiểu nhầm với học hàm giáo sư do Nhà nước phong. Đây là trường đã tránh tráo khái niệm. Nếu trường tự phong giảng viên xuất sắc của Đại học Tôn Đức Thắng thì không có vấn đề gì.

- Ông đánh giá thế nào về việc phong hàm giáo sư ở Việt Nam hiện nay?

- Nói thật, tôi thấy một số người được Hội đồng giáo sư Nhà nước phong hàm nhưng lại không xứng đáng vì chức danh giáo sư gắn liền với việc nghiên cứu khoa học. Vấn đề không phải là cần nới lỏng các tiêu chí hay quy trình để phong học hàm giáo sư cho nhiều người hơn nữa. Nhưng về quy trình thì theo tôi cần phải thay đổi để chức danh giáo sư tương xứng với công việc nghiên cứu khoa học của họ. Chứ giáo sư không phải liên quan tới những chức quyền như một số người ở Việt Nam.

- Quy trình phong hàm giáo sư ở một số nước trên thế giới như thế nào, thưa ông?

- Pháp cũng có Hội đồng giáo sư quốc gia thẩm định những người đủ tiêu chuẩn ứng cử vào chức danh giáo sư. Những người đạt tiêu chuẩn trước đây do Tổng thống ký, còn hiện nay là do Bộ trưởng Giáo dục công nhận.Tuy nhiên, đây chỉ là vòng đầu, khá dễ.

Sau đó, từng cơ sở giáo dục sẽ tuyển chọn trong số người đã được Hội đồng giáo sư quốc gia công nhận để bổ nhiệm vào trường. Đây mới là vòng khó bởi có hay không được các cơ sở giáo dục uy tín chọn.

Nó giống với Việt Nam là quyết định phong giáo sư vẫn là của Hội đồng giáo sư Nhà nước quyết định. Nhưng về quy trình thì ngược lại. Ở Việt Nam những ứng cử viên được các trường đề cử lên, sau đó Hội đồng giáo sư nhà nước sẽ thẩm định, phong hàm.

Trong khi đó ở Mỹ ai muốn có chức danh giáo sư cũng được. Có những người không có bằng tiến sĩ, không có trình độ đại học cũng có thể là giáo sư miễn là họ được Hội đồng giáo sư trong trường công nhận. Khi họ có những nghiên cứu xuất sắc thì các trường sẽ tuyển và bổ nhiệm vào trường. Tất cả những quyết định phong hàm, bổ nhiệm đều do các cơ sở giáo dục quyết định. 

- Chức danh giáo sư của ông được bổ nhiệm như thế nào?

- Tôi có nhiều chức danh giáo sư khác nhau. Một là giáo sư do Pháp phong vào năm 2004, quy trình bổ nhiệm giống như những gì tôi đã nói. Sau khi được Hội đồng giáo sư quốc gia công nhận tôi được bổ nhiệm làm giáo sư ở cơ sở giáo dục vào năm 2005. Đến năm 2010, khi tham gia giảng dạy ở Đại học Chicago (Mỹ) tôi được cơ sở giáo dục này phong làm giáo sư của trường thông qua Hội đồng giáo sư nhà trường.

Nguyễn Loan




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC