Phố chợ ông đồ1. Mồng sáu mồng bảy tết, phố Quốc Tử Giám, Hà Nội, đông ngàn ngạt. Nó giống như cái chợ xanh họp tạm. Bảo vui thì là vui như hội, bảo đông thì cũng giống chợ lắm thay. Đó là phố chợ ông đồ.

Mấy năm nay, Văn Miếu thành điểm tụ hội của các ông đồ nương theo cửa thánh hiền. Đầu xuân nam thanh nữ tú đủ mọi ngành nghề bảo nhau hội về đây xin chữ lấy lộc.

Gọi là xin chữ cho thanh tao thôi, thực ra là đi mua chữ lấy vận may đầu năm. Xưa, chữ thánh hiền với các nho gia chỉ để cho chứ không để bán. Đã là nhà nho thì không ai lại đi bán chữ thánh hiền vì bán chữ là mạt hạng, là vận cùng.

Nhưng vẫn có cách để tránh nói chuyện bán mua. Người ta bảo giá tiền theo khổ giấy. Chẳng hạn tờ 40 cm x 60cm không trục, giá 80 ngàn, có trục thì chẵn trăm.

Tờ giấy Tuyên có ông đồ phát giá 500 ngàn, khách nghe thấy vội đi giật lùi. Nhưng có người đi chơi xuân xin chữ, trong túi rủng rỉnh thì giá đó vẫn duyệt.

Phần nhiều đi xem, đi chơi ở chợ chữ để lấy không khí cho ngày xuân nhàn nhã này, còn chuyện bán mua, khen đắt chê rẻ thì ai cũng hiểu như một lẽ đương nhiên.

2. Cái luyến tiếc một thời trong bài thơ ông đồ của Vũ Đình Liên đã trở lại. Bây giờ người ta đi chợ ông đồ xin chữ có pha chút tâm linh như vào cửa thánh. Còn nhớ năm trước, một chị đi chợ chữ, xin được chữ DUYÊN, thấy cả năm được như ý nên xuân này băn khoăn không biết xin chữ gì.

Các bạn trai gái đi làm ăn quan tâm đến chữ LỘC, chữ PHÁT. Còn đang trên ghế học đường thì quan tâm đến chữ CHÍ để việc học có đích rõ ràng. Có bác sĩ đến chợ xin chữ TÂM, chữ TĨNH để hành nghề cho suôn sẻ.

Chín người mười ý, chợ chữ cũng nặng trĩu những tính toán xin cho, mong lợi lộc đến nhà. Có cô đến xin chữ cho bố mẹ, có chị lại đến xin chữ cho mình và thêm cả chồng con để đem về đưa lên vách tường.

Có người chơi chữ như để khẳng định đẳng cấp. Nhưng xem ra phần nhiều việc đi chơi chợ chữ ông đồ hơi nặng theo nhau mà ít hiểu sâu xa việc xin chữ, chơi chữ như thế nào, vì đâu có nhiều người biết chữ nho.

Phố chợ ông đồ_0

3. Các ông đồ ra chợ chữ năm nay cũng nhiều hơn năm trước. Chợ năm nay có thêm nhiều ông đồ cao niên.  Có cụ mặc xuềnh xoàng, có cụ áo the khăn xếp, chữ nghĩa vuông vắn mực thước.

Các cụ vừa viết vừa giảng giải cho người đặt hàng, dấu vết của một thời lều chõng chuẩn mực vẫn còn. Đồ trẻ đáng ngờ hơn khi khăn đóng áo nhiễu sặc sỡ in chữ thọ để cho ra dáng nho gia. May mà không nhiều, nếu không người ta lại tưởng chiếu chèo.

Thư pháp tiếng Việt xem ra không đắt hàng bằng chữ nho. Mấy bác truyền thần ăn theo bày giá vẽ và tranh kí họa chân dung nhưng cũng ế ẩm. Thực đơn chính vẫn là chữ nho, loại chữ tượng hình, mục đích đến chợ tìm gì đã định trước từ khi ở nhà.

Cách xin chữ cũng không giống người xưa. Ngày xưa xin chữ thường người xin gửi gắm tâm niệm để ông đồ ra chữ cho thích hợp, rồi xem người xin thuận lòng rồi mới viết. Bây giờ chữ nghĩa đã có mục đích từ nhà, chỉ cần nói chữ để ông đồ viết thuê. Thế là nhanh gọn, hiệu quả, vui vẻ cả hai bên.

Phố chợ ông đồ_1

4.  Một chuyện râu ria: Năm trước có chuyện thầu phố làm lán cho các ông đồ, thu hoạch ăn chia, nên có một số ông thích tự do, không chịu vào lán. Thế là xảy ra chuyện cảnh sát dọn dẹp om sòm.

Năm nay thì tự do, mà trông cũng lớp lang trật tự. Tuy vẫn có việc thu lệ phí (chắc là của phường). Một ông đồ bảo với tôi, đáng lẽ lệ phí nên thu luôn một khoản cho gọn.

Riêng tôi thấy cần thêm một ý: Để cho ra phố ông đồ thì, sau vách tường, các nho sĩ nên có biển trưng tên cho người ra chợ muốn tìm khỏi bỡ ngỡ. Đến chợ cũng phải có đăng kí để những vị nho giả đỡ tùy tiện lẩn vào. Chính quyền phường chỉ cần quản lý bằng một bàn đăng kí ở đầu phố, như vậy có thể hội tụ các nho gia nhiều nơi về góp vui.

Còn các dịch vụ ăn theo như trông xe, bán hàng rong cũng cần chấn chỉnh để cho cái phố văn hóa đỡ nhếch nhác chen lấn quá.

Không hẹn mà thành, từ vài năm nay phố Văn Miếu bên Quốc Tử Giám đã thành một điểm hẹn cho các nho gia hội tụ. Cũng đến lúc có một hội thư pháp để những người hoài cổ có nơi hội ngộ thăm hỏi nhau nâng cao nghề viết chữ cho thêm phần chất lượng.

Thư pháp ngày xuân làm vui thêm cảnh quan phố phường thì mọi điều vun vén cho nó cũng cần được quan tâm đúng mức.

Theo Tienphong.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC