Rồng một mắt: Truyền thuyết hay sự thật !?Cổ Loa thành vốn được biết đến là kinh đô đầu tiên của Nhà nước Âu Lạc. Nơi đây gắn với truyền thuyết về nỏ thần Kim Quy, mối tình Mị Châu - Trọng Thủy… Nhưng có lẽ truyền thuyết về rồng một mắt (độc nhãn long) vẫn là một ẩn số thú vị cho giới khảo cổ tìm kiếm để giải mã.

Từ một truyền thuyết

Tìm về với Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, vào những ngày đầu tháng 4 khi tiết trời dìu dịu. Những mảng nắng bảng lảng nằm phơi mình trên những vòng thành từ ngàn xưa còn sót lại. Nơi đây toát lên vẻ yên bình, tĩnh lặng mà linh thiêng. Thẳm sâu trong những vòng thành đất như còn đó hơi ấm của một mối tình đã trở thành bi khịch của một triều đại - triều đại An Dương Vương. Quá khứ xa xưa hiển hiện ngay trong tên làng tên xóm: nào là xóm Ốc, xóm Nhồi, xóm Gà, xóm Mít... lối sinh hoạt của người dân nơi đây mộc mạc như cha ông thuở nào.

Trong những đêm trăng vằng vặc chiếu xuống Loa Thành, bên hương án nghi ngút khói hương trong thẩm cung nơi có tượng thờ Thục phán, các vị bô lão trong làng vẫn kể cho con cháu nghe về câu chuyện "Cửu long tranh châu" (chín con rồng tranh một hòn ngọc) từ thuở An Dương Vương tìm đất dựng đô. Đó cũng chính là tiền thân của truyền thuyết về "rồng độc nhãn".

Truyền thuyết kể rằng khi An Dương Vương lệnh cho các thầy địa lý tìm khắp cõi Âu Lạc xem đâu có thế đất thịnh vượng để dựng kinh đô. Sau hàng tháng trời tìm kiếm các thầy báo về có một nơi được coi là đỉnh của vùng tam giác châu thổ sông Hồng là vị trí đắc địa bởi từ đây có thể khống chế cả một vùng rộng lớn cả đồng bằng lẫn sơn địa. Đó chính là Cổ Loa. Cổ Loa nằm ở tả ngạn con sông Hoàng- một con sông lớn nối thông giữa sông Hồng và sông Cầu. Đến nay do sự bồi đắp phù sa mà con sông Hoàng chỉ còn là một con lạch nhỏ. Và khi quyết định dời đô từ Phong Châu về nơi đây đoàn thuyền của vua chứng kiến cảnh chín con rồng quần thảo một hòn ngọc lớn. Vua cho thế là điểm lành nên đã chọn đúng nơi mà chín rồng quần thảo để xây chính điện. Nơi đó là đền Thượng bây giờ.

Trong cuộc giao long đó có một con rồng khỏe nhất chiếm lĩnh được hòn ngọc châu và ngậm vào miệng. Nhưng nó cũng bị hỏng một mắt sau cuộc chiến đó. Cũng có lời kể rằng chính An Dương Vương đã dùng bảo kiếm của mình chọc thủng mắt rồng để quy phục bản tính hung dữ của con rồng nọ. Sau đó vua cho dựng tẩm cung chính điện của mình trên đầu rồng đó.

Cũng theo truyền thuyết, "thủy long mạch" của  rồng độc nhãn chảy ngầm từ chân núi Ba Vì đến tận giếng Ngọc theo hình xoáy trôn ốc. Và việc vua Thục phán cho đắp Loa thành 9 vòng cũng theo hình xoáy trôn ốc liệu có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Đến thực địa

Khu di tích Cổ Loa ngày nay bao gồm quần thể đền, đình, am. Ngoài đình Ngự Triều, đền Di Quy, am Mị Châu, không thể không nhắc đến đền Thượng - nơi tẩm cung của Thục phán An Dương Vương. Phía trước đền có hai hố đất sâu - tương truyền là hai mắt của con rồng. Nếu nhìn từ trên cao quả thật đền Thượng được đặt giữa trán rồng, phía trước có hai hố mắt, miệng là hồ bán nguyệt há ngậm viên ngọc là giếng nước nằm trong lòng hồ này.

Điều kì lạ chính là hai hố vẫn được cho là mắt rồng. Hố bên phải luôn luôn ăm ắp nước bất kể mùa hạn hay mùa khô. Hố bên trái luôn luôn khô cạn ngay cả nhưng hôm trời mưa như trút nước hay những tháng lụt dòng. Điều này trùng hợp với truyền thuyết về rồng một mắt. Phải chăng hai hố này chính là con ngươi của rồng nọ.

Theo lời kể của cụ Thụ (82 tuổi, xóm Nhồi trên) từng làm trong Ban quan lý (BQL) khu di tích cho biết, trước đây BQL  cũng có lần muốn nạo vét lòng hồ bán nguyệt, đóng cọc tre kè hồ. Khi đào được vài chục phân đất gặp ngay một mạch nước ở giữa giếng ngọc phun lên dữ dội. Công nhân dùng hai máy bơm nước công suất lớn để hút nước khỏi lòng hồ những không thể. Họ đành phải bỏ dở công việc nạo vét giữa chừng. Hai ba lần sau làm lại thì điều tương tự vẫn xảy ra. Cuối cùng BQL di tích chỉ cho kè và lát gạch xung quanh hồ bán nguyệt không nạo vét lòng hồ nữa. Dẫu vậy nước trong lòng hồ luôn luôn  trong vắt, mát lạnh.

Với hố đất bên phải nhiều lần cũng được hút cạn nước để làm vệ sinh trong lòng nhưng chỉ hơn tiếng sau nước lại xuất hiện đúng với vạch nước ban đầu.

Theo quan sát, hai hố mắt trước cửa đền Thượng chỉ có độ sâu chừng 2m. Với độ sâu như vậy lại ở một vùng đất khô cứng nhiều năm xuất hiện hạn hán thì việc có nước là điều lạ. Chỉ cách khu vực đền Thượng vài trăm mét, trong các nhà dân để có được nguồn nước họ phải khoan xuống lòng đất ít nhất là 70m. Phải chăng ẩn chứa điều kì lạ ở nơi được gọi là con mắt này.

Đem thắc mắc  hỏi tới cụ Thi (62 tuổi ) đang làm việc ghi công đức trong đền cho rằng: theo các cụ ngày xưa kể lại thì việc xây dựng đền đều dựa vào địa thế địa hình thực tế. Việc tạo hai hố mắt trong khuôn viên của đền Thượng cũng tương tự. Hai hố mắt đó là có sẵn trên thực địa từ trước khi xây đền. Người ta chỉ việc khoét tạo hình cho hai hố đó cân xứng với nhau mà thôi. Việc hố bên phải có nước còn hố bên trái không có cũng rất tự nhiên không hề có bàn tay can thiệp của con người. Khi hỏi liệu có phải ông cha trước đây khi tạo hố đã tạo ra một mạch chảy ngầm bên trong hố không? Ông Thi cho biết: Có thể những thợ xây dựng đền xa xưa đã áp dụng một công nghệ nào đó để tạo, dẫn và cân bằng mực nước trong hố mắt phải với mực nước bên hồ bán nguyệt phía trước cửa đền. Đó cũng chỉ là phỏng đoán, còn thực hư phải nhờ vào các nhà khảo cổ học.

Tất cả những giả thiết đưa ra đều không được giải thích thấu đáo và luôn gặp phải mâu thuẫn. Chính vì vậy càng làm cho truyền thuyết về rồng độc nhãn thêm huyền bí. Niềm tin về sự tồn tại của "độc nhãn long" trong dân gian vẫn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay. Không ít du khách khi đến thăm đền đã múc nước ở hố mắt này để cầu lộc, cầu may cho con cái khỏe mạnh, gia đình phát tài lộc.

Rồng một mắt: Truyền thuyết hay sự thật !?_0
 Nơi được coi là mắt phải của rồng luôn có nước.

Phát lộ "con ngươi" của mắt rồng.

Sự linh thiêng của ngôi đền Thượng tại Loa thành và truyền thuyết về " rồng một mắt" càng có căn cứ khi đoàn chuyên gia của Viện Khảo cổ học  Việt Nam đứng đầu là PGS.TS. Phạm Minh Huyền có sự tham gia của các chuyên gia về khảo cổ của Nhật Bản phối hợp cùng BQL di tích và danh thắng Hà Nội tiến hành khai quật trong khuôn viên  của đền trong đó có hố mắt bên phải. Khi múc bớt nước và đào sâu xuống bên dưới, đoàn khảo cổ phát hiện một khối hình cầu màu đỏ dạng giống quả cầu mây. Khối hình cầu này có đáy, tường bao quanh có hướng khum vào trong, có lỗ thông ra hai bên phía trong lòng chứa đất nung và nhiều mảnh gốm trong đó.

Điều lạ là dù đào sâu xuống bên dưới thì đoàn khảo cổ cũng không tìm được bất kỳ mạch nước hay "công nghệ" dẫn nước nào vào bên trong con mắt này.

Không chỉ phát lộ ra khối cầu lạ trong hố mắt bên phải mà đoàn khảo cổ còn tìm thấy những dấu vết từ thời Lê, Trần qua các mảnh gốm, những lò nung cổ, các lớp tro qua nhiều thời đại. Điều đó chứng tỏ lịch sử xa xưa của ngôi đền.

Theo các chuyên gia trong ngành khảo cổ thì cần phải tiếp tục mở rộng khai quật không chỉ  tại khu vực đền Thượng mà tiến hành tại nhiều khu vực khách trong quần thể khu di tích Cổ Loa để có thêm những bằng chứng khoa học giúp cho công tác trùng tu, tôn tạo, xây dựng đền. Những việc làm này càng cấp thiết khi lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến rất gần.


TH.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC