Mỗi lần đi tàu về quê ở Thành Đô, Xu Xiaoping chỉ ước không có hành khách nào là trẻ em.

Cô gái 28 tuổi nói rằng trong mọi chuyến đi đều gặp một hoặc nhiều đứa trẻ nô đùa, cười nói, hét hoặc khóc lớn vang vọng cả khoang. Mỗi khi nghe thấy âm thanh ồn ào dội đến, Xu nói có cảm giác đau đầu, khó chịu và liên tục trấn an bản thân không được mất bình tĩnh.

Mọi chuyện vượt ngưỡng chịu đựng trong chuyến tàu từ Trùng Khánh đến Thành Đô, hồi tháng 6. Trước khi lên tàu, cô hy vọng có một giấc ngủ vì kiệt sức với công việc. Nhưng sự yên tĩnh của toa sớm bị phá vỡ khi hai cậu bé chạy, nhảy và la hét dọc lối đi.

Sau khi bị Xu nhắc nhở, chúng đến gần cô trêu đùa với thái độ thách thức. Hành động này khiến cô gái trẻ bực tức, quyết định ra gặp phụ huynh: "Hãy quản con ông, đừng bắt tôi phải tranh cãi ở nơi công cộng".

Đáp lại yêu cầu của Xu, người này nói cô cần bao dung hơn với trẻ nhỏ bằng giọng điệu đầy đe dọa. "Còn nếu thấy ồn áo quá thì ra khoang hạng nhất mà ngồi", cha của một trong hai đứa trẻ nói.

1 So Gap Tre Nho Tren Phuong Tien Cong Cong

Một nhân viên sắp xếp "phòng riêng" cho trẻ em trên chuyến tàu cao tốc từ Ngân Xuyên (Ninh Hạ) đến Trịnh Nam (Hà Nam) hôm 29/7. Ảnh: VCG

Tuy nhiên, việc nâng cấp không đảm bảo tránh được việc trẻ nhỏ la hét. Zhuzhu (26 tuổi) chấp nhận chi nhiều tiền để ngồi ghế hạng thương gia, tránh sự ồn ào không đáng có. Cách đây không lâu, cô gặp một gia đình bốn người ngồi cùng khoang. Trong khi người bố liên tục buôn điện thoại trên ôtô, hai đứa con của ông lại cười đùa, la hét khiến Zhuzhu khó chịu.

"Tôi cần sự yên tĩnh. Tại sao bản thân mất tiền mà phải nhận những sự khó chịu đó? Các thế hệ trước đều cho rằng trẻ em đáng yêu, dễ thương và dễ chấp nhận những hành vi này. Nhưng tôi không thích trẻ nhỏ", Zhuzhu nói.

Giống như Xu và Zhuzhu, nhiều người đang phàn nàn trên mạng xã hội về tiếng ồn trên tàu cao tốc của Trung Quốc. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả đều mong muốn không bị làm phiền bởi tiếng ồn trong suốt quá trình di chuyển.

Wang (22 tuổi) từng có cuộc cãi nhau nảy lửa với một hàng khách đưa con đi tàu. Trên chuyến tàu từ Uy Hải ở tỉnh Sơn Đông đến Thượng Hải, đứa trẻ 5 tuổi ngồi cạnh liên tục khóc và đá vào ghế. Khi Wang cố gắng ngăn cản, người mẹ lập tức trách mắng, nói người như thiếu bao dung như cô "không xứng đáng có con".

Sau hơn một giờ chịu đựng, Wang quyết định phản công. "Con chị bị bệnh tâm thần sao?", cô nói với người mẹ. "Nếu chị không quản được con, để tôi dạy cho".

Khi Wang chia sẻ trải nghiệm này lên mạng, đã tạo ra hai luồng ý kiến. Một phía đứng về phía người mẹ, chỉ trích cô đẩy mọi chuyện đi quá xa. Nhưng số khác lại cho rằng việc phản bác là đúng, nhưng khả năng tranh luận còn kém và "chưa đủ điên rồ".

2 So Gap Tre Nho Tren Phuong Tien Cong Cong

Một bà mẹ dỗ dành con trên chuyến tàu cao tốc Quảng Châu đi Hong Kong năm 2018. Ảnh: VCG

Trên thực tế, nhiều người cho rằng việc trẻ em ồn ào, nghịch ngợm nơi công cộng là do cách giáo dục của gia đình, nhưng Lianzi, mẹ của một cậu bé hai tuổi, đã phản đối. Cô cho rằng trẻ nhỏ dưới ba tuổi về cơ bản không thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Và tất nhiên, điều này không liên quan gì đến khả năng dạy dỗ của cha mẹ.

"Rõ ràng là ngày càng có nhiều người xem phim truyền hình và chơi game trên tàu không đeo tai nghe hoặc nói chuyện to trên điện thoại tại sao họ không được nhắc đến hoặc bị nhắm tới nhiều hơn?", nữ phụ huynh thắc mắc.

Trong năm qua, Ning, tiếp viên đường sắt, nhận thấy những lời phàn nàn về tiếng ồn ngày càng gia tăng, nguồn phát là từ trẻ em và người già. Nhưng theo quan điểm của cô, hầu hết những lời phàn nàn về tiếng ồn đều bị thổi phồng quá mức.

"Hiện chưa có tiêu chuẩn thống nhất về cách xác định tiếng ồn trong toa tàu cao tốc. Đa phần tiếng ồn được xác định theo cảm nhận chủ quan của chính hành khách", nữ tiếp viên nói.

Chen Wei (22 tuổi), đồng nghiệp của Ning, đã phát triển bộ tiêu chuẩn của riêng mình. Theo đó, những tiếng động nghe thấy trong phạm vi hai hàng ghế không thuộc thẩm quyền của cô, nhưng ngoài khoảng cách đó, đây là tín hiệu để hành động.

Nhưng rất khó để làm hài lòng tất cả mọi người. Cách đây không lâu, trên chuyến tàu từ Thành Đô đến Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Chen đã nhiều lần nhắc nhở một đứa trẻ im lặng, nhưng sau cùng cô phải dừng lại khi cha mẹ chúng nổi giận. Kết quả là một sinh viên ngồi cùng toa đã báo cáo lên phòng chăm sóc khách hàng về việc Chen "không làm đúng bổn phận sau khi nhận phản ánh".

3 So Gap Tre Nho Tren Phuong Tien Cong Cong

Cặp vợ chồng chăm con trên tàu năm 2014. Ảnh: Xu Xing/Hunan Daily/VCG

Dựa vào những lời khiếu nại gửi về trung tâm, Chen phát hiện ra rằng 80% hành khách phàn nàn sinh năm 1990 và 2000, về cơ bản là thế hệ Millennials và Gen Z. Cô tin rằng hầu hết mọi người ở những độ tuổi này đều là con một trong gia đình, nghĩa là họ có ý thức cao về việc bảo vệ lợi ích của bản thân.

Ning cũng cảm nhận được sự thay đổi trong nhu cầu của hành khách. Trong những năm đầu, tàu chỉ đơn thuần là một công cụ vận chuyển, nhưng giờ đây mọi người muốn một môi trường dễ chịu và dịch vụ tốt hơn. Bên cạnh đó, việc các dịch vụ tàu chở khách chậm hơn đang bị loại bỏ, khiến người có mức thu nhập khác bị ép vào cùng một không gian chung, tạo cơ hội cho xung đột.

Trên thực tế, mạng lưới đường sắt ở một số nước châu Âu đã vận hành các dịch vụ với "toa xe yên tĩnh" và "toa gia đình". Một số toa tàu còn được trang bị thêm cầu trượt, trò chơi, các hoạt động giải trí khác cho trẻ em nhiều năm nay, như một giải pháp giảm xung đột.

Áp dụng cách thức này, mạng lưới tốc độ cao của Trung Quốc bắt đầu thí điểm chương trình vận chuyển yên tĩnh từ năm 2020. Những người vi phạm quy tắc ồn ào sẽ nhận được cảnh báo hoặc bị chuyển sang toa khác. Nhưng trên thực tế, một số hành khách thử trải nghiệm toa xe yên tĩnh nhận xét việc thực thi chưa nghiêm. Trong khi đó, sáng kiến dồn toàn bộ trẻ nhỏ sang một toa khiến nhiều người bức xúc, có cảm giác bị phân biệt đối xử.

Minh Phương (Theo Sixthtone)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC