“Sốc” là từ duy nhất để diễn tả cảm xúc của các khán giả truyền hình khi xem dự án âm nhạc của bộ ba Ngọc Đại - Thanh Lâm - Linh Dung trong chương trình Bài hát Việt được truyền hình trực tiếp trên VTV3 ngày 27/6 vừa qua.
Nhiều khán giả truyền hình đã phản hồi rằng: “Tại sao phần âm nhạc này lại thuyết phục được nhà Đài phát sóng cho khán giả cả nước xem?”
Choáng từ âm nhạc, giọng hát... đến ca từ
Được biết, sau khi chia tay với ê-kíp cũ là nhạc sĩ hòa âm Đỗ Bảo, ca sĩ Trần Thu Hà thì Ngọc Đại đã tự tay hòa âm cho toàn bộ ca khúc của mình, kể cả những ca khúc cũ được nhiều khán giả biết đến như Dệt tầm gai, Cây nữ tu (tên cũ là Ảo ảnh).
Tuy vậy, cái khán giả ngạc nhiên nhất bởi phần hòa âm nặng tính âm thanh chát chúa chứ không mang tính chỉnh thể như phần âm nhạc cũ trước đây. Ngoài ra, phần giai điệu của ca khúc có phần bị biến tấu khác đi, khác xa với những ca khúc cũ được phát hành trong album Nhật thực (2002), nhiều khán giả khi nghe những ca khúc như Dệt tầm gai, Cây nữ tu đều không nhận ra là những bài hát đã được giới thiệu trước đó bởi giọng hát Trần Thu Hà.
Linh Dung ấn tượng với đầu trọc, áo thun, quần lửng và giày bata.
Về phong cách trình diễn của bộ đôi Thanh Lâm và Linh Dung khiến nhiều người giật mình. Linh Dung (trước đây nổi danh với ca khúc Sea Games Vì một thế giới ngày mai) xuất hiện với cái đầu trọc và áo nâu sồng, gõ mõ tụng kinh hệt các sư cô, còn Thanh Lâm với mái tóc dài xõa xượi. Bộ đôi này lăn lê bò toài trên sân khấu, những tiếng cười, âm thanh rợn người, những câu nói xì xồ mà không khán giả nào có thể hiểu được dụng ý được hai ca sĩ này tận dụng triệt để, đặc biệt là trong ca khúc cuối cùng Cây nữ tu.
Bốn ca khúc được trình diễn trong chương trình đều được phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (Chiều); Vi Thùy Linh (Dệt tầm gai, Cây nữ tu, Mùa đông). Một trong số ca từ gây sốc nhất cho khán giả là bài Cây nữ tu, trong đó có câu "Bỗng chiếc váy trên mình tu nữ bay thốc"; được biết, trước đây khi nhạc sĩ Ngọc Đại - ca sĩ Trần Thu Hà có ý định đưa ca khúc này vào Album Nhật thực đã bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn buộc phải thay đổi ca từ (ngoài ra, có 2 ca khúc là Mơ và Tự tình cũng phải bỏ ra album - PV).
Khi phát hành album, nhạc sĩ Ngọc Đại đã phải đổi lời câu hát này thành "Bỗng tiếng hát ru tròn thiếu nữ đâu đó", như vậy, liệu việc đưa một câu hát tế nhị như vậy lên chương trình truyền hình trực tiếp của sóng Đài Truyền hình quốc gia đã được kiểm duyệt kĩ?
Nhiều khán giả đã không ngần ngại khi chia sẻ cảm giác khi xem phần trình diễn lạ lùng được truyền hình trực tiếp này: “Biết là quan niệm nghệ thuật khá rộng, nhưng VTV3 là đài phát trên cả nước, tôi không dám tin là phần đông khán giả thích phần trình diễn này”. Một khán giả bình luận: “Tôi là một nạn nhân đúng nghĩa của VTV3 khi dám xem Bài hát Việt số này, không biết mấy bài hát đó theo phong cách nào mà nghe xong sợ hết cả người”.
Một Thanh Lâm tóc tai rũ rượi cất tiếng hát đầy ma mị. |
Âm nhạc thể nghiệm nên chuyên biệt khán giả?
Thời gian gần đây, những đêm diễn âm nhạc mang tính thể nghiệm đang được nhiều nhạc sĩ chú trọng. Đáng chú ý có Ai đem con nhện giăng mùng (nhạc sĩ Kim Ngọc - 2007); Gió bình minh (nhạc sĩ Đỗ Bảo - 2007); Vọng nguyệt (nhạc sĩ Quốc Trung - 2008); Thế giới của Mỵ Châu (nhạc sĩ Kim Ngọc - 2010); GirlTalk (DJ Girltalk; Vũ Nhật Tân - 2009)…, dự án Nhật thực của bộ ba Ngọc Đại - Thanh Lâm - Linh Dung cũng mang hơi hướng âm nhạc thể nghiệm, sáng tạo đương đại như vậy. Đây cũng là sân chơi của nhiều nhạc sĩ “chơi nhạc”, thể hiện và tìm tòi những điều mới mẻ, thể nghiệm nhạc cụ, nhạc khí, hòa âm.
Trên thế giới, dòng chảy âm nhạc thể nghiệm cũng được nhiều nhạc sĩ chú trọng, đặc biệt là các nghệ sĩ châu Âu. Tuy nhiên, rất ít khi những chương trình này được phát trên các kênh truyền hình phục vụ số đông khán giả vì tính chuyên biệt của dòng nhạc.
"Nữ tu" Linh Dung. Ảnh 2Sao |
Họa sĩ Phan Minh Bạch, người thường theo dõi nghệ thuật đương đại cho rằng: “Xem Đại - Lâm - Linh (viết tắt tên của 3 nghệ sĩ tham gia dự án - PV) đúng là ám ảnh, nhiều người không phủ nhận sáng tạo của nhóm này nhưng đây là âm nhạc mang nặng tính thể nghiệm, mà đã là thể nghiệm thì… Đài truyền hình không nên đem khán giả, bao gồm cả khán giả thành phố, nông thôn, vùng sâu, miền núi ra làm thí nghiệm như vậy. Âm nhạc đương đại nên chuyên biệt khán giả thì hơn vì bản thân nó đã không xô bồ, ầm ĩ như các dòng âm nhạc khác. Tôi nghĩ VTV3 nên xem lại, kiểm duyệt kĩ trước khi đưa những dự án âm nhạc như Đại - Lâm - Linh lên sân khấu”.
Video:
{flvremote}http://tintuconline.vietnamnet.vn/Library/flashs/18/2010/07/caynutu.flv{/flvremote}
Cây nữ tu
{flvremote}http://tintuconline.vietnamnet.vn/Library/flashs/18/2010/07/muadong.flv{/flvremote}
Mùa đông
Theo NNVN