Những nghệ nhân của sân khấu truyền thống dân tộc thường nói "thầy già con hát trẻ". Nhưng con đường đến với sân khấu cải lương hiện nay của thế hệ diễn viên trẻ lại quá mù mịt, dù họ vẫn đam mê.
A.H theo học lớp diễn viên cải lương khóa 1995, hiện nay phải sống bằng nghề bán thuốc lá trên vỉa hè. A.H nói: “Nghề bỏ em chứ em đâu có bỏ nghề”. Rồi cô miên man kể về cái giá phải trả cho sự đam mê theo nghề hát của mình.
Học trường lớp: Vướng nợ nần
Gia đình hồi đó không cho A.H thi vào lớp diễn viên cải lương nhưng vì mê cải lương mà A.H quyết định tự túc để đi học. Cô sống ở ký túc xá của nhà trường, lăn lộn làm đủ nghề: bưng bê, dọn vệ sinh trong các quán ăn để trang trải các khoản chi phí học tập và sinh hoạt hằng ngày.
Cô có giọng ca khá truyền cảm, gương mặt sáng, có triển vọng làm đào chánh trong tương lai. Nhưng rồi sau 3 năm học, đến kỳ thi tốt nghiệp, để có thể hoàn thành tốt bài thi, A.H phải vay nợ hơn 10 triệu đồng để chi phí cho việc tập tuồng, thuê trang phục, làm nhạc nền. Cày cục suốt 3 năm nhưng cô vẫn không trả nổi tiền lãi vay nóng 30%.
Tương tự, vì muốn được kép chánh K.T diễn chung trong bài thi tốt nghiệp của mình mà X.L đã phải đi vay nợ để trả thù lao. Cô phải bán máu để có tiền trả nợ. Nhà trường không khuyến khích việc mời diễn viên chuyên nghiệp hỗ trợ cho phần thi tốt nghiệp nhưng một số sinh viên vì nôn nóng được thể hiện mình ngay từ trên sân khấu học đường nên đã tự trói mình vào vòng nợ nần.
Khóa của A.H, X.L không có người nào theo nghề trọn vẹn. Bởi sau khi tốt nghiệp, họ phải lao vào việc đi hát ở các quán ca cổ, kiếm tiền để trả nợ cho việc học. A.H kể trong nước mắt: “Số tiền 10 triệu đồng chưa trả được lại phải vay thêm để làm băng đĩa. Ngày qua ngày, tiền nợ lên tới vài trăm triệu đồng. Không dám về nhà xin tiền cha mẹ trả nợ, em đành phải đi làm tiếp viên tại các nhà hàng bia ôm. Trả xong nợ, em chọn nghề bán thuốc lá để mưu sinh”. X.L cũng không làm nghề như mong muốn, cô trôi dạt từ đoàn hát tỉnh đến những quán đờn ca tài tử ở ngoại thành và rồi cũng bỏ nghề để về bán hàng ở chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ.
Vào đoàn hát: Không cất đầu lên được
L.V.L theo học nghề diễn viên cải lương từ một đoàn hát tỉnh. Ban đầu, anh làm hậu đài, sau đó được đóng những vai quân sĩ. Biết anh đam mê và thấy được khả năng ca diễn của anh, trưởng đoàn T. đã hứa sẽ nâng đỡ anh sớm thực hiện ước mơ được làm kép hát.
Từ đó, để được lòng sếp, L.V.L trở thành bạn nhậu trung thành với sếp. Gia đình không mấy khá giả, chỉ có mẫu đất ở Trà Vinh để cha mẹ dưỡng già, trồng cây ăn quả. L.V.L đã nghe lời trưởng đoàn, bán đất hùn vốn dựng vở, dĩ nhiên anh được giao vai kép chánh.
Những ngày tháng tập vở là khoảng thời gian anh sống xa hoa, cung phụng cho cả đoàn hát. Ngày vở diễn khai trương, cô đào chánh làm khó, buộc anh phải đưa 15 triệu đồng may trang phục mới chịu hát chung, rồi anh kép độc giở trò, muốn khai trương phải dẫn đi mua chiếc điện thoại di động làm quà ra mắt.
Số tiền bán đất hơn 300 triệu đồng không cánh mà bay. Vở cải lương kiếm hiệp kỳ tình này chỉ cầm cự được 3 suất, rồi cũng chìm vào quên lãng. L.V.L ngậm ngùi vì cha mẹ phải đi ở đậu nhà bà con, giấc mơ làm kép chánh của anh đã đẩy gia đình vào cảnh không còn miếng đất cắm dùi.
M.M nổi lên từ cuộc thi ca cổ ở địa phương, được nhiều đoàn săn tìm để lăng xê làm đào chánh. Năm 2001, cô quyết định về một đoàn hát được xem là đại bang ở ĐBSCL, quyết chí theo nghiệp cải lương, dù gia đình ra sức ngăn cản. Vốn có chút nhan sắc, M.M được lòng lãnh đạo đoàn, được lòng cả dàn kép của đoàn.
Anh kép chánh ve vãn, anh kép phụ cũng không bỏ qua cơ hội. M.M chỉ có thể ngã vào lòng ông trưởng đoàn để tìm chốn nương thân. Nhưng sự đời không đơn giản như cô tưởng. Ăn không được thì đổ, hai anh kép này đã bí mật mách với bà bầu và M.M bị một trận đánh ghen ngay tại điểm diễn. Son phấn trôi theo dòng nước mắt. M.M xin qua đoàn hát khác nhưng lại gặp cảnh “ma cũ ăn hiếp ma mới”, cô đành bỏ nghề dù còn yêu sân khấu tha thiết.
Một lần gặp M.M trong cuộc thi ca cổ Bông lúa vàng ở Đài TNND TPHCM, cô nói: “Em có xin soạn giả Hoàng Song Việt về đầu quân cho nhóm Thắp sáng Niềm tin. Chắc phải quay về với sân khấu thôi anh ạ, vì không bỏ được. Không làm đào chánh thì mình làm đào nhì, miễn là được hát”.
Theo NLĐ.