Tài hoa Huế trên đất LàoGần đây, nhiều cơ quan truyền thông lớn của Lào đồng loạt ca ngợi về chàng trai gốc Việt, 34 tuổi, làm đẹp cho công chức Lào trong lĩnh vực thời trang.

Tác giả Phonesavanh Sangsombone của báo Vientiane Times viết: “Sự phát triển xã hội ở Lào cùng nhiều sự kiện đòi hỏi trang phục đáp ứng yêu cầu thời trang, đây là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc ăn mặc của người dân Lào.

Ngày nay, các thợ may ở Lào đều nắm bắt được các kiểu vest phù hợp trong những dịp đặc biệt với phong cách thời trang mới trên thế giới. Anh Bình, một thợ may ở Chanthabouly, đã làm được điều đó. Cả người dân Lào và khách quốc tế đến đặt anh Bình may vest vì họ tin vào chất lượng cùng thiết kế của anh. Các bộ trang phục do anh may còn được xuất sang các nước vốn là kinh đô thời trang hàng đầu thế giới như Ý”.

Từ anh phụ hồ

Tiệm may Binh Tailors của anh Nguyễn Hải Bình tại quận Chanthabouly, thủ đô Vientiane chật kín khách trong những ngày đầu năm. Khách hàng của anh đa số là công chức, du khách quan tâm đến vest và trang phục công sở.

Bên trong cửa tiệm chật hẹp, gần 30 thợ may tuổi 18-30 đến từ Huế tỉ mỉ chăm chút từng đường kim mũi chỉ. Anh Bình khoe: “Mấy ngày nay anh em tấp nập làm cả ban đêm để kịp giao hàng cho khách. Ở đây nhân viên tất cả các cơ quan công sở lớn của Lào đều đặt tôi may”. Tuyển thợ may người Lào không đạt tiêu chuẩn, anh phải lặn lội về quê ở làng La Sơn (Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để tìm thợ rồi làm thủ tục đưa sang Vientiane. “Mỗi thợ may của tôi thu nhập không dưới 400 USD/tháng” - anh Bình hồ hởi.

Ít ai biết thành công của anh đánh đổi bằng cả một quãng đời trôi nổi nơi đất khách. Xuất thân từ một gia đình nông dân có năm anh chị em, học xong phổ thông, Bình lặn lội qua Lào tìm kế mưu sinh. Anh tâm sự: “17 tuổi tôi qua Lào. Khi đó nửa chữ Lào bẻ đôi cũng không biết. Sáng đi phụ hồ, tối ngủ luôn ở công trình với anh em”.

Không khỏe mạnh như những người khác, Bình chuyển sang phụ việc cho một thợ may người Việt trước bến xe Việt - Lào. Sáng phụ may vá, tối cắp vở đến lớp dạy tiếng Lào cho trẻ con. Bây giờ, anh đã có thể tự tay soạn thảo hợp đồng bằng tiếng Lào.

Bốn năm phụ may, tích góp được ít vốn, anh mở tiệm sửa đồ vest gần bến xe. Năm 1997, cửa hàng bị cháy rụi, anh trắng tay với hàng đống nợ nần. Vay mượn của bạn hàng, anh làm lại cửa hàng để trả nợ và tiếp tục xây dựng cơ ngơi. Hơn mười năm sau anh nổi tiếng khắp nước Lào nhờ cách làm việc tận tụy với đôi bàn tay khéo léo của mình.

Giấc mơ xuất khẩu

Nhiều năm may vá, theo kinh nghiệm của mình, anh Bình cho biết người Lào và du khách các nước đều thích thời trang theo phong cách của Hàn Quốc. Để có được bộ trang phục theo ý thích của khách hàng, năm 1998 anh nhờ một người bạn đặt mua một bộ vest từ Hàn Quốc về tham khảo.

“Tháo từng đường kim mũi chỉ, học cách may của họ nhưng không thành công. Cách may của họ khác biệt, đặc biệt là cách may lộn và giấu đường kim” - anh Bình nhớ lại. Nhưng hơn một năm sau, cuối cùng anh và các thợ may cũng học được cách làm này.Bây giờ tại Lào anh tự hào mình là người duy nhất làm khách hàng vừa lòng với trang phục thời trang giá rẻ.

Anh Bình cho biết năm 2009 doanh số của cửa hiệu anh lên đến 200.000 USD. Đây không phải là số tiền lớn so với những công ty may mặc, nhưng quan trọng nó tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 30 công nhân người Việt từ Huế sang. Chưa dừng lại ở đó, anh đã chính thức đăng ký “Binh Tailors” thành nhãn hiệu độc quyền về vest trên đất nước triệu voi.

Anh dự kiến năm nay sẽ mở rộng phân xưởng và tiếp tục tuyển thêm công nhân, đầu tư trang thiết bị để không những phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước lân cận và châu Âu. “Nhiều khách hàng từ Ý, Pháp có ý định đặt hàng với số lượng lớn nhưng tôi đành từ chối vì chưa chuẩn bị tốt công việc. Dự kiến năm nay, khi có xưởng sản xuất chính thức đi vào hoạt động, lúc đó hi vọng mọi sự sẽ êm xuôi” - anh Bình tự tin.

Chị Lamay Kinikhone - vợ anh Bình - là người Lào nhưng chào khách bằng tiếng Huế rành rọt. “Em sẽ về Hội An để học cách may “nóng” cho khách Tây. Đó là một cách làm hay mà ở đất Lào này chưa ai làm được. Em sẽ học cả cách nấu bún bò Huế cho chồng em nữa” - Lamay cười hóm hỉnh.

Theo Tuoitre.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC